Hạ đường huyết và cholesterol máu từ cây xương rồng Nopal
Ngày đăng: 06/07/2018 08:51
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/07/2018 08:51
Giống xương rồng Nopal Tai Voi |
Nắm bắt được công dụng của loại xương rồng Nopal, tận dụng nguồn nguyên liệu quý này dùng làm nguồn dược liệu, đồng thời nhận thấy các chất tách từ cây có thể dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, TS. Tạ Thu Hằng - Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng đã tiến hành nghiên cứu hoạt tính sinh học hạ đường huyết và hạ cholesterol máu của một số nhóm hoạt chất chính từ cây Nopal được nhập vào Việt Nam.
Nopal - loại xương rồng có giá trị kinh tế cao
Xương rồng Nopal thuộc chi Opuntia ficus - indica, là một loài xương rồng mà từ lâu được trồng rộng rãi trên khắp vùng khô cằn và bán khô cằn của thế giới. Xương rồng Nopal có nguồn gốc từ Mêxicô, ngoài việc sử dụng như rau ăn hàng ngày và chế biến các loại thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, chất đốt sinh học, xử lý nước thải… theo truyền thống ở Mêxicô cây xương rồng Nopal được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường. Xương rồng Nopal là một lọai thức ăn có chứa nhiều Vitamin nhất là Vitamin A, C, K và B6. Ngoài ra Nopal còn có nhiều chất khoáng như Manhêsium, Pôtassium, Mănggan, Sắt, và Đồng cũng như có nhiều chất Calci.
Phiến lá non chưa có gai của xương rồng Nopal thường được dùng trong bữa ăn của người Mêxicô như là món Nopal chiên trứng, món thịt nấu với Nopal, hay là món bánh tráng bằng bột bắp cuộn Nopal và thịt băm.
Trái xương rồng Nopal có thể ăn tươi hoặc làm bột màu thực phẩm không gây độc hại. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là dược tính của xương rồng Nopal. Các nghiên cứu cho thấy Nopal có thể giúp làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu. Từ Nopal người ta có thể điều chế ra các loại thuốc điều trị các bệnh về rối loạn tiêu hoá, béo phì, bệnh tim…
Cây xương rồng Nopal đã được Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng nhập nội từ Mêxicô vào Việt Nam từ năm 2009, đã tiến hành trồng thử nghiệm thành công chống cát bay, cát nhảy ở vùng đất khô hạn của tỉnh Ninh Thuận.
Các nghiên cứu cho thấy loài Opuntia ficus - indica có tác dụng hạ glucose huyết, giảm rối loạn lipid máu, làm tăng dịch chuyển protein vận chuyển glucose ra màng tế bào, tăng khả năng hấp thu glucose, giảm kích thước tế bào mô mỡ... Vì vậy lựa chọn được giống xương rồng Nopal trồng ở Việt Nam có tác dụng hạ glucose huyết và hạ cholesterol có ý nghĩa khoa học cao ở Việt Nam hiện nay.
Một đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn
Nắm bắt được công dụng của loại xương rồng Nopal, TS. Tạ Thu Hằng - Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bắt tay vào nghiên cứu với đề tài “Nghiên cứu hoạt tính sinh học hạ đường huyết và hạ cholesterol máu của một số nhóm chất chính từ cây Nopal (Opuntia sp.) được nhập vào Việt Nam”.
TS. Tạ Thu Hằng cho biết, các hợp chất phenol và flavonoid được tìm thấy trong thân cây xương rồng thuộc chi Opuntia có tác dụng hạ glucose, cholesterol; Tác dụng sinh học khác của chi Opuntia: Hoạt tính kháng viêm; chống ung thư; Chống oxy hóa; Bảo vệ tế bào thần kinh; Giảm triệu chứng của bệnh táo bón; Làm chậm sự phát triển tổn thương xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch; Ngăn ngừa sự phát triển bất thường của chuyển hóa liên quan đến béo phì... Nghiên cứu hoàn chỉnh sản phẩm và chứng minh hiệu quả thực tế của sản phẩm này có ý nghĩa thực tiễn cao cho thế giới và Việt nam.
Theo đó, đề tài của TS. Tạ Thu Hằng đã xác định các thành phần dinh dưỡng chính, thành phần hóa học của cây Nopal nhập nội, thử độc tố LD 50, xác định tác dụng hạ glucose huyết và lựa chọn được phân đoạn dịch chiết có tác dụng chiếm ưu thế của cây xương rồng Nopal trồng tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, đề tài đánh giá tác dụng và bước đầu tìm hiểu cơ chế gây hạ glucose, cholesterol huyết của cao phân đoạn dịch chiết có tác dụng chiếm ưu thế của cây Nopal trồng tại Việt Nam. TS. Tạ Thu Hằng đã chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc một số chất tinh khiết từ thân cây Nopal trồng tại Ninh Thuận và đánh giá tác dụng hạ glucose huyết của các chất phân lập trên một mô hình thử nghiệm in vitro.
Theo GS.TS. Nguyễn Thị Hiền - Đại học Bách Khoa Hà Nội, đề tài luận án của TS. Tạ Thu Hằng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao và đã giải quyết trọn vẹn một vấn đề khoa học là lựa chọn được giống xương rồng Nopal trồng ở Việt Nam có tác dụng hạ glucose huyết tốt nhất. Chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc một số chất tinh khiết từ cây xương rồng Nopal. Tìm ra hợp chất chính trong cây xương rồng Nopal trồng tại Việt Nam có tác dụng hạ glucose huyết và hạ cholesterol và ứng dụng nó có hiệu quả thực tế.
Những kết quả nghiên cứu mới của luận án đóng góp cho sự phát triển khoa học chuyên ngành, kinh tế xã hội và đời sống. Luận án đã xác định được đặc điểm hình thái, giải phẫu thân, thân rễ và hàm lượng các thành phần dinh dưỡng chính: protein; lipid; xenlluloza tương ứng 03 giống xương rồng Jalpa, Tai voi, PTV-01. Ngoài ra xác định được hàm lượng các vitamin (A, C, B1, B2, B6), khoáng chất (P, K, Ca, Na, Fe, Zn, Mg, Mn) trong 03 giống xương rồng Nopal giống: Jalpa, Tai voi, PTV-01 khi trồng ở điều kiện Việt Nam và 03 giống xương rồng này là an toàn, không gây độc cho chuột.
PGS.TS. Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cho biết, với đề tài nghiên cứu của mình, TS. Tạ Thu Hằng đã có những đóng góp mới như: xác định được 01 giống xương rồng Jalpa thuộc loài Opuntia ficus - indica trồng tại Việt Nam có tác dụng hạ glucose huyết; xác định được thành phần dinh dưỡng, định tính được các nhóm chất, phân lập xác định được cấu trúc hóa học và định tên 8 chất trong phân đoạn cao chiết ethyl acetat. Nghiên cứu trên cũng đã xác định được rằng cao chiết phân đoạn ethyl acetat có tác dụng hạ glucose huyết, cholesterol và khả năng hoạt hóa enzym p-AMPK và p-ACC tốt nhất. Đồng thời, tác giả đã phát hiện ra hoạt chất typhaneosid, được phân lập từ cây xương rồng Jalpa có tác dụng làm tăng sự hấp thu glucose trong tế bào.
Cũng theo TS. Lê Tất Khương, đề tài đã tận dụng được nguồn nguyên liệu cây xương rồng Nopal trồng trong Ninh Thuận để chống cát bay và cát nhảy tại vùng khô hạn dùng làm nguồn dược liệu, các chất tách từ cây có thể dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường là vấn đề có ý nghĩa. Việc lựa chọn được phân đoạn có tác dụng hạ đường huyết vượt trội hơn phân đoạn khác trong cây xương rồng Jalpa sẽ góp phần định hướng cho quá trình phân lập các hoạt chất từ phân đoạn này. Mặt khác, trong sản xuất công nghiệp, việc lựa chọn các cao phân đoạn có tác dụng so với cao toàn phần sẽ đưa đến những ảnh hưởng nhất định đến năng suất và hiệu quả kinh tế.
Theo Truyenthongkhoahoc