Góp thêm ý kiến về quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập ở nước ta
Ngày đăng: 04/07/2017 08:34
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/07/2017 08:34
Trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam số 4/2017 có đăng tải bài viết của tác giả Đinh Việt Bách: “Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ”. Bài viết đã đề cập khá nhiều vấn đề cần tháo gỡ hiện nay, trước hết là vấn đề xác lập quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập, vấn đề tháo gỡ những vướng mắc về tài chính.
Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương |
Trong bài viết này, tác giả Vũ Cao Đàm bày tỏ sự đồng tình với bài viết của tác giả Đinh Việt Bách, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến nhằm khắc phục các vướng mắc trong việc quy hoạch các tổ chức KH&CN ở nước ta.
Dẫn nhập
Công tác quy hoạch ở nước ta được quan tâm từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, với sự thành lập Ủy ban phân vùng kinh tế trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban phân vùng) theo Quyết định số 269-CP ngày 30/9/1977 của Hội đồng Chính phủ.
Công tác quy hoạch được bắt đầu từ việc quy hoạch các vùng kinh tế, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu công nghiệp, quy hoạch cây trồng, vật nuôi đến quy hoạch mạng lưới điện, mạng lưới giao thông, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch kênh mương tưới tiêu…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật, khi đó là ông Trần Quỳnh, đã cử tôi tham dự một khóa tập huấn đầu tiên về quy hoạch ở nước ta vào năm 1978, do Ủy ban phân vùng tổ chức tại khách sạn Vị Hoàng, Nam Định.
Cuối khóa tập huấn, Ủy ban phân vùng truyền đạt ý kiến của Chính phủ đề nghị các bộ thực hiện việc lập quy hoạch thuộc các lĩnh vực do bộ mình phụ trách. Tôi đã báo cáo với Chủ nhiệm Trần Quỳnh, được ông cho ý kiến, là không thể làm quy hoạch các tổ chức KH&CN (sau đây gọi chung là các viện). Và từ đó đến mãi sau này, đơn vị chúng tôi (Viện Quản lý Khoa học), tuy được giao nghiên cứu về sắp xếp mạng lưới (một dạng sơ khai của quy hoạch) các viện, nhưng chưa từng được Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, sau này là Bộ KH&CN giao làm quy hoạch các viện cho đến khi Viện giải thể vào năm 1996.
Với việc công bố Luật KH&CN 2013, nhiệm vụ quy hoạch các viện được chính thức đặt ra trong khuôn khổ một đạo luật về KH&CN. Bài viết của tác giả Đinh Việt Bách nêu các biện pháp khắc phục các khó khăn trong quy hoạch các viện được đặt ra trong bối cảnh như thế.
Xuất phát từ đặc điểm của hoạt động khoa học, tôi xin góp thêm vài ý kiến góp phần khắc phục những khó khăn trong quy hoạch các viện ở nước ta.
Hạn chế của bản thân các bản quy hoạch
Theo cách hiểu thông thường trên thế giới, quy hoạch tiếng Anh là “Physical Planning”, được các tài liệu tiếng Anh định nghĩa là “Một kịch bản phát triển giả định trong tương lai” (Hypothetical scenario of development in the future). Còn “Physical planning” lại có nghĩa là “Một bản kế hoạch vật thể (physical)”, nghĩa là chỉ xây dựng kịch bản phát triển trong tương lai cho các đối tượng mang tính vật thể, như quy hoạch mạng lưới điện, quy hoạch mạng cung cấp nước, quy hoạch cây trồng, vật nuôi, lớn hơn là các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và lớn hơn nữa là các quy hoạch vùng kinh tế.
Quy hoạch mạng lưới các viện, một đối tượng chứa đựng nhiều yếu tố phi vật thể, là hoạt động khoa học, có lẽ là một cách vận dụng rất sáng tạo của các nhà làm quy hoạch, kể từ khi bắt đầu công tác quy hoạch ở nước ta, tính từ khi Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban phân vùng vào năm 1977.
Trong thời gian tôi còn được giao phụ trách một đơn vị thuộc Bộ KH&CN, trong nhiều cuộc họp với các bộ khác, tôi luôn được nghe các ý kiến đòi hỏi Bộ KH&CN phải sắp xếp lại các viện, và lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đơn vị chúng tôi làm công việc “sắp xếp” đó. Nhưng có điều thú vị, với tư cách là người trong cuộc, chúng tôi nhận ra một sự thực là càng cố sắp xếp, thì số lượng các viện càng phát triển thêm ra. Vào đầu thập niên 80, lần đầu tiên làm công việc sắp xếp các viện, chúng tôi (1) lên được phương án mạng lưới chưa đến 20 viện. Đến nay, qua bốn thập niên sắp xếp, chúng ta đã có trên 642 tổ chức KH&CN công lập (2), nghĩa là sau bốn thập niên làm công việc gọi là “sắp xếp”, số lượng các viện tăng lên tới trên 30 lần. Đây là một con số thú vị, tự nó đã nói được rất nhiều điều về công tác quy hoạch các viện.
Con số 642 là nhiều hay ít? Chúng ta khó có thể nói một cách đơn giản là nhiều hay là ít. Nếu so sánh với các nước với ngót nghét 100 triệu dân như Việt Nam, thì con số này là quá ít, nhưng so sánh với các nước có GDP tương đương với Việt Nam, thì con số trên 600 tổ chức KH&CN là quá nhiều.
Khi nêu những con số phát triển các tổ chức sau 30 năm, chúng ta thường nghe nhiều người thốt lên một lời than: “Sao mà phát triển dữ vậy?” và một yêu cầu được đặt trước các nhà quản lý: “Phải sắp xếp lại! Sắp xếp lại”. Đó là lý do chính đáng về nhu cầu quy hoạch các viện, không để các tổ chức này phát triển nhanh như những thập niên vừa qua.
Nguyên nhân bất cập của các phương án sắp xếp
Chúng ta tạm gác lại câu chuyện “nhiều hay ít” mà chỉ bàn về đạo lý của sự ra đời các tổ chức KH&CN ở nước ta. Chúng ta đều biết, khi muốn thành lập một viện nghiên cứu X nào đó, cơ quan chủ quản phải lập đề án, trong đó phải thuyết minh sự cần thiết phải thành lập Viện X đó. Thủ tục khá chặt chẽ, phải qua rất nhiều bộ, chí ít là Bộ chủ quản của Viện X, Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ.
Trong phần thuyết minh sự cần thiết, tác giả đề án phải nêu được các nội dung sau:
Thứ nhất, nhu cầu mới về phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, nhu cầu phát triển một lĩnh vực KH&CN mới.
Ngay giờ đây, khi đọc lại các hồ sơ thành lập viện, chúng ta nhận ra luôn có đầy đủ cả hai lý do trên hoặc một trong hai lý do đó. Chúng tôi đặt tình huống loại trừ nhu cầu lập viện là vì những lý do tế nhị bên ngoài hai nhu cầu nêu trên, tất nhiên, tình huống này là khó tránh khỏi.
Với cách nhận diện như vậy, việc thành lập 642 tổ chức KH&CN tính đến hôm nay, về cơ bản, đều có lý do hoàn toàn chính đáng. Nói như vậy có nghĩa là, phương án đầu tiên mà chúng tôi nêu trong bản danh mục trên 20 viện ở thập niên 80, tuy có thể đúng ở thời điểm lập phương án sắp xếp, nhưng bất cập so với nhu cầu phát triển tính cho đến ngày nay, tức là trên 30 năm sau đó.
Từ thực tế này, chúng ta có thể nhìn trước được rằng, việc lập một văn bản quy hoạch để đưa ra một phương án sắp xếp các viện ngày hôm nay cũng hoàn toàn có thể bất cập ở thời điểm 20-30 năm sau trong tương lai.
Cứ cho rằng, tác giả của các bản quy hoạch các viện đã tìm những luận cứ hoàn toàn xác đáng để đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định quy hoạch ngày hôm nay, thì phương án sắp xếp các viện ngày hôm nay hoàn toàn có thể bị phá sản trong tương lai, kể cả đó là một tương lai rất gần.
Vì sao vậy?
Vì văn bản quy hoạch về kịch bản phát triển KH&CN trong tương lai luôn được hình thành dựa trên sự hiểu biết về trình độ phát triển KH&CN của ngày hôm nay. Tuy khoa học dự báo đã phát triển rất mạnh từ giữa thập niên 60, nhưng cho đến nay, chắc chắn không thể dự báo được sự phát triển của KH&CN trong tương lai, dù là một tương lai rất gần.
Cái đó là TÍNH MỚI của khoa học.
Nghĩa là, TÍNH MỚI của khoa học luôn là nguyên nhân dẫn đến sự bất cập của mọi văn bản quy hoạch các tổ chức KH&CN. Có thể nói không quá đáng, mọi văn bản quy hoạch các viện luôn bị lạc hậu ngay sau khi chữ ký phê duyệt quy hoạch còn chưa ráo mực, vì sự xuất hiện các ngành KH&CN mới.
Khắc phục mặt hạn chế trong quy hoạch các viện
Sau cuộc tập huấn về công tác quy hoạch, tôi có nhiều dịp đi làm việc tại các nước XHCN, như Liên Xô, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, tôi đều quan tâm tìm hiểu về quy hoạch các tổ chức KH&CN của các nước này.
Khi làm việc với Giáo sư G.M. Đobrov (Г.М. Добров), Phó Viện trưởng Viện Điều Khiển học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ukrain, tôi hỏi ông: “Viện này có trong bản quy hoạch các viện của Liên Xô không?”. Ông nhìn xoáy vào mắt tôi một cách rất soi xét: “Anh hỏi cái gì? Tôi không hiểu! Quy hoạch các viện à? Có chuyện đó từ bao giờ vậy?”, và ông hỏi lại tôi một cách châm biếm: “Vậy chắc anh biết, Đại học Havard và hàng chục viện trong đó được thành lập theo bản quy hoạch nào đó của Hoa Kỳ?”.
Trong những dịp làm việc ở các nước XHCN Đông Âu vừa liệt kê ở trên, tôi nhận ra, họ đều không có khái niệm lập quy hoạch các trường và các viện. Đến Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tôi cũng hỏi các đồng nghiệp ở đó có làm quy hoạch các viện không, thì tôi cũng nhận được câu trả lời là “Không”.
Đến đây một lần nữa, chúng ta có thể đi đến nhận định, quy hoạch các viện là một chủ trương rất sáng tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, TÍNH MỚI của hoạt động khoa học làm cho mọi quy hoạch đều bị lạc hậu ngay sau khi nó được phê duyệt. Đó luôn là mặt hạn chế của các văn bản quy hoạch. Nó dẫn tới hệ lụy là, nếu áp dụng cứng nhắc các văn bản quy hoạch, thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về phát triển khoa học so với thế giới.
Và chính vì TÍNH MỚI của khoa học, cho nên cần có thêm những giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của bản quy hoạch các viện.
Biện pháp tăng cường hiệu quả của quy hoạch
Rà soát các điều khoản viết về quy hoạch các viện trong Luật KH&CN 2013 chúng ta có thể thấy: Điều 10, Luật quy định phải lập quy hoạch các viện và Điều 11 quy định việc thành lập các viện phải theo quy hoạch đã được duyệt.
Những điều khoản này có thể là điều kiện cần, nhưng chưa phải điều kiện đủ. Bởi vì nếu áp dụng đúng theo hai điều này, thì khoa học Việt Nam luôn phát triển sau các nước khác, những nước mà việc thành lập viện không bị ràng buộc bởi một văn bản quy hoạch. Đó chính là lý do làm giảm hiệu quả của việc áp dụng các văn bản quy hoạch.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Điều 11 cần có thêm một khoản bổ sung, quy định việc lập một đơn vị nghiên cứu hoặc đào tạo liên quan một ngành khoa học mới chưa có trong văn bản quy hoạch.
Trong trường hợp này thì các cơ quan có liên quan phải lập một hội đồng xem xét đặc cách việc thành lập đơn vị này.
Ghi chú
1. Nhóm nghiên cứu về phương án sắp xếp các tổ chức KH&CN khi đó gồm Vũ Cao Đàm, Đậu Đình Lợi, Hoàng Trọng Cư, Nguyễn Văn Học và Nguyễn Thanh Thịnh.
2. Xem: Đinh Việt Bách, Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập tại Việt Nam và những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, Tạp chí KH&CN Việt Nam, số 4/2017, tr. 49.
Theo KH&CN Việt Nam