Giới thiệu công nghệ nuôi ruồi làm phân bón cây trồng
Ngày đăng: 18/06/2020 09:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/06/2020 09:06
Ruồi lính đen không chỉ xử lý rác thải hay làm thức ăn chăn nuôi mà phân thải ra của cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón hữu cơ.
Toàn cảnh sự kiện |
Thông tin này được TS Lâm Văn Hà, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, đưa ra tại phiên Hợp tác công nghệ đầu tiên về sản xuất phân hữu cơ sinh học từ ruồi lính đen. Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) tổ chức.
Theo TS Lâm Văn Hà, hiện nay nhu cầu phân bón hữu cơ tại Việt Nam vào khoảng 50 triệu tấn tuy nhiên nguồn sản xuất và nhập khẩu phân hữu cơ chỉ khoảng 3,2 triệu tấn. Dự đoán trong những năm tới, lượng phân hữu cơ thiếu hụt rất nhiều vì thế việc nghiên cứu tìm ra những nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ là điều cấp thiết.
"Ruồi lính đen không chỉ có khả năng xử lý rác thải hay làm thức ăn chăn nuôi mà phân thải của chúng cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng để làm nguyên liệu trong sản xuất phân bón hữu cơ", ông Hà cho hay.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, phát biểu tại sự kiện Hợp tác công nghệ |
Ruồi lính đen sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện không gian hẹp ở khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam, do đó, sản xuất phân hữu cơ từ ruồi lính đen đang được rất nhiều nhà nông áp dụng thực hiện.
TS Hà cũng cho biết thêm, phân hữu cơ được sản xuất từ phân ruồi lính đen có kết hợp với than sinh học từ vỏ trấu có tác dụng cải thiện pH đất xám cao hơn phân gà xử lí và phân trùn quế. Với mức bón 6.000kg phân ruồi lính đen/ha có tác động cải thiện pH cao hơn so với các mức bón còn lại.
Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phân ruồi lính đen trên rau mồng tơi tại Hóc Môn - TP.HCM và cây chè Ô Long tại Bảo Lâm - Lâm Đồng.
Kết quả cho thấy, hiệu quả nông học với nhóm thử nghiệm CT5 (bón 25 tấn phân ruồi/ha/vụ) cho năng suất cho doanh thu vụ 1 đạt 344 triệu đồng/ha trong khi đó vụ 2 đạt 354 triêu đồng/ha. Riêng về hiệu quả kinh tế thì nhóm thử nghiệm CT2 (bón 10 tấn phân ruồi/ha/vụ) cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở cả 2 vụ khi chênh lệch lợi nhuận so với việc sử dụng phân gà truyền thống lần lượt là 54,2 triệu và 77,4 triệu đồng.
Ths Lê Trường Bình, đại diện Trung tâm, đưa ra khuyến nghị nông dân sử dụng phân ruồi lính đen để bón cho cây trồng, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sử dụng phân gà như trước đây.
Với tiềm năng ứng dụng lớn, Trung tâm mong muốn thông qua buổi Hợp tác công nghệ này tìm kiếm các đơn vị, cá nhân có nhu cầu để hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất phân ruồi lính đen.
Sự kiện Hợp tác công nghệ nằm trong chuỗi "Cà phê công nghệ" năm 2020 do CESTI vận hành nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết trong sự kiện Hợp tác công nghệ đầu tiên này CESTI tiếp tục thể hiện vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/chuyên gia nghiên cứu, phục vụ chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Theo bà Bằng, sự kiện có sự tham gia của 20 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham dự sự kiện, trong đó, 8 doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam. |
Theo Khampha.vn