Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Đề cao sự liêm chính
Ngày đăng: 10/05/2024 16:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/05/2024 16:16
Ai sẽ là gương mặt xuất sắc được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu? Liệu lần đầu lĩnh vực KHXH&NV có trong cơ cấu giải thưởng, có đại diện nào thuộc lĩnh vực này sẽ được vinh danh ngay trong lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tới đây?
Phòng thí nghiệm của Đại học USTH. |
Việc được đề cử hay trao giải thưởng danh giá này là điều đáng tự hào với các nhà khoa học Việt Nam. Trước hết, giải thưởng khoa học mang tên Tạ Quang Bửu, “một nhà khoa học kỹ thuật kiệt xuất, một người giàu lòng yêu nước mà Việt Nam từng sản sinh. Ông đã lĩnh hội, cập nhật được nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật hiện đại khi còn học ở phương Tây. Trở về nước, ông đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển khoa học kỹ thuật và giáo dục của đất nước. Giải thưởng mang tên Tạ Quang Bửu ra đời nhằm ghi nhận những đóng góp và giá trị mà ông để lại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước”, GS. Phùng Văn Đồng (ĐH Phenikaa), người từng đoạt giải trẻ Tạ Quang Bửu năm 2016, chia sẻ.
Sau nữa, việc xét giải cũng hoàn toàn khác biệt với những giải thưởng khác ở Việt Nam: hoàn toàn do các nhà khoa học xem xét, chọn lựa một cách nghiêm cẩn, khách quan và minh bạch. “Các công trình xuất sắc phải được công bố trong các tạp chí khoa học hàng đầu và có tầm ảnh hưởng cao. Hồ sơ giải thưởng được đánh giá trước tiên bởi các phản biện có uy tín quốc tế, sau đó bởi hội đồng chuyên ngành và cuối cùng bởi Hội đồng giải thưởng. Tất cả các hội đồng chỉ gồm các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và quốc tế”, giáo sư Ngô Việt Trung, một người giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng khoa học giải thưởng nhiều năm đúc rút. Sau cơ chế quỹ được áp dụng thành công ở Quỹ NAFOSTED, một cơ chế “tách việc tài trợ cho khoa học ra khỏi cơ chế hành chính, quyết định tài trợ hay không tài trợ không phải do một ông vụ trưởng, thứ trưởng nào đó mà do nội dung khoa học” như nhận xét của giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN-VN), việc xét giải thưởng một cách minh bạch và dựa trên kết quả khoa học đã góp phần làm nên uy tín của giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Đó là lý do mà dịp kỷ niệm ngày Khoa học Việt Nam 18/5 hằng năm là dịp mang rất nhiều ý nghĩa với những người làm khoa học và cả người yêu khoa học, khi tên những người đoạt giải được xướng lên. Năm nay, sẽ là những ai? nhà khoa học thuộc lĩnh vực nào?
Khác với mọi năm, những thông tin về giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay được thông báo một cách dè dặt. Bởi theo quy định trong Thông tư 18/2023/TT-BKHCN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN, các thông tin trực tiếp về quá trình xét giải, các công trình vào chung kết và người đoạt giải thưởng sẽ được giữ bí mật đến phút chót, “cam kết giữ kín thông tin theo thông lệ quốc tế”, TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED, cơ quan thường trực giải thưởng, trao đổi trong phiên họp đầu tiên của kỳ xét giải năm 2024. Tuy nhiên, anh cũng cho biết một số thông tin sơ bộ về quy mô của giải năm nay, đó là số lượng gửi đến tăng gần gấp đôi với 97 hồ sơ, trong đó 73 thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 21 thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, trong đó có 71 đề cử giải chính và 26 giải trẻ. “Điều đó cho thấy sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với giải thưởng Tạ Quang Bửu không ngừng tăng lên”, anh nói.
Vấn đề liêm chính cần được xem xét trong cả quá trình, kéo dài từ nghiên cứu đến xuất bản quốc tế, chứ không chỉ từ thời điểm ứng viên công bố bài báo được xét giải. Bởi theo nhận xét của giáo sư Trần Xuân Nam “Nhà khoa học đầu tiên phải đảm bảo liêm chính khoa học, đạo đức khoa học, và đó phải là một quá trình chứ không thể xét trong vòng bảy năm công bố”. |
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp xét giải, GS. Trần Xuân Nam (Học viện Kỹ thuật quân sự), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, cho biết “Các công trình lọt vào vòng trong của giải thưởng hết sức xuất sắc, xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành hàng đầu thế giới, thậm chí top 1. Qua quá trình xét chọn, chúng tôi thấy sự phát triển của các ngành khoa học mới, sự phát triển của đội ngũ nhà khoa học của Việt Nam ngày một gia tăng về năng lực nghiên cứu và đồng đều về chất lượng, đặc biệt các nhà khoa học lứa tuổi trung niên, 40 tuổi, trong danh sách đề cử khá nhiều”.
Xuất sắc và liêm chính
Trong các kỳ xét giải trước, tính liêm chính đã được các hội đồng, từ cấp cơ sở đến cấp giải thưởng lưu tâm. Những đổi mới trong quy định xét giải thưởng Tạ Quang Bửu, bắt đầu được áp dụng từ năm 2024, lại càng cho thấy quyết tâm bảo vệ và bồi đắp uy tín của giải thưởng. Tính liêm chính được bắt đầu thảo luận một cách công khai ở quy mô quốc gia trong hội thảo khoa học về Liêm chính nghiên cứu, do Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT tổ chức tại ĐH Bách khoa HN vào ngày 19/12/2023. Từ đó, trong các phiên họp của Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu, vấn đề liêm chính của các nhà khoa học được xét giải càng được đặc biệt chú trọng.
Trong cuộc họp mới đây ngày 2/5, trước khi đi vào tranh luận về các hồ sơ đề cử và bỏ phiếu kín, GS Trần Xuân Nam nhấn mạnh “Ứng viên nào có vấn đề liên quan đến liêm chính thì chúng ta có thể bỏ qua bài báo của ứng viên đó, không xét giải nữa”. Quan điểm này đã được các thành viên của hội đồng giải thưởng tán đồng và cho rằng, khi một nhà khoa học không đảm bảo được sự liêm chính thì không nên được xét giải.
Với sự xác quyết này, xuất sắc và liêm chính là hai tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình lựa chọn người xứng đáng để trao giải thưởng Tạ Quang Bửu, kể từ năm nay.
Vấn đề liêm chính cần được xem xét trong cả quá trình, kéo dài từ nghiên cứu đến xuất bản quốc tế, chứ không chỉ từ thời điểm ứng viên công bố bài báo được xét giải, bởi theo nhận xét của GS. Trần Xuân Nam “Nhà khoa học đầu tiên phải đảm bảo liêm chính khoa học, đạo đức khoa học, và đó phải là một quá trình chứ không thể xét trong vòng bảy năm công bố”. Với quan điểm đó, anh cho rằng “Nếu trong khoảng thời gian trước đó, nhà khoa học là ứng viên giải thưởng có vi phạm liêm chính thì tôi cho là các hội đồng ngành phải xem xét kỹ. Chúng ta xét phải đảm bảo nhà khoa học liêm chính, có đạo đức, sau đó mới xét tiêu chí khác để thực sự người được trao giải thưởng phải là người hoàn toàn xứng đáng, cả về đạo đức khoa học lẫn đóng góp khoa học”.
Nếu xét từ quan điểm triệt để này thì tiêu chí liêm chính khoa học liên quan đến nhiều vấn đề khác như liêm chính trong vấn đề quyền tác giả, đóng góp thực sự của tác giả trên công bố. GS.TS Đoàn Như Hải (Hội đồng ngành Sinh học nông nghiệp) cho rằng, cần cẩn trọng trong đánh giá vì giải thưởng Tạ Quang Bửu có vai trò quan trọng trong sự nghiệp ứng viên. Anh cũng chỉ ra việc xác nhận ai là người có đóng góp lớn nhất trong công bố đôi khi khá phức tạp, “nên chú ý có trường hợp ứng viên là tác giả đầu, tác giả chính là người hướng dẫn của họ trong khi để xét giải thưởng, ứng viên xứng đáng phải là người chủ động thực hiện toàn bộ nghiên cứu”. GS. Trần Xuân Nam lưu ý đây cũng là vấn đề cần trao đổi và xem xét tiêu chí để đưa ra “một nguyên tắc đánh giá khách quan, công bằng và có thể giải trình”.
Nhưng trên thực tế, không dễ để phân định vai trò đóng góp của tác giả trong công trình vì còn liên quan đến văn hóa xuất bản của từng lĩnh vực nghiên cứu. Giáo sư Đinh Nho Hào (Hội đồng khoa học ngành Toán học) chia sẻ văn hóa xuất bản của ngành toán có nhiều nét khác biệt so với các ngành khoa học khác là “tác giả xếp theo vần chữ cái abc và thường là có đóng góp ngang bằng nhau, không ai là tác giả chính, tác giả phụ cả. Nguyên nhân là vì quá trình nghiên cứu thường được thực hiện từ rất lâu, thường phải mất trung bình ba đến bốn năm, thậm chí cả chục năm mới đi đến giải quyết một vấn đề nào đấy. Khi đã thảo luận đi thảo luận lại vấn đề thì đây là ý tưởng của ai? Rất khó nói, khó xác định nên trong ngành toán hầu hết các bài báo thì tác giả được xếp theo thứ tự abc. Tất nhiên, nhiều nhà xuất bản cũng có yêu cầu phân định vị trí đóng góp”.
Cũng do vấn đề đặc thù mà thông thường, một số ngành như ngành sinh học, tác giả chính thường được xếp ở vị trí cuối cùng, tuy nhiên cũng có ngành tác giả chính được xếp ở giữa. “Sẽ có nhiều trường hợp khác nhau. Tôi cho là các hội đồng ngành cần trao đổi vì sau này có thể cũng phát sinh trường hợp là tác giả chính đứng cuối cùng, có trường hợp là tác giả giữa, có trường hợp tác giả đầu. Trường hợp ấy chúng ta xác định như thế nào? chúng ta xác định tác giả liên hệ (corresponding author) hay tác giả thứ nhất (first author)?”, GS Trần Xuân Nam đặt câu hỏi này trong các nhà xuất bản khoa học, không phải nhà xuất bản nào cũng như Elservier, Springer yêu cầu nhóm tác giả công trình phải cam kết làm rõ đóng góp của từng tác giả trong bài báo. Việc xác định đóng góp của ứng viên trong công trình xuất bản quốc tế sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn người xứng đáng được nhận giải.
Mặt khác, một thể hiện khác của tính liêm chính trong khoa học chính là đảm bảo không vi phạm lợi ích giữa người được đề cử và thành viên hội đồng. “Qua tham gia vào biên tập một số tạp chí, tôi nhận thấy ở các tạp chí nghiêm túc, thông thường các ban biên tập không bao giờ mời nhà khoa học phản biện công trình khi là đồng tác giả hoặc có quan hệ thầy trò. Nếu người trong hội đồng có lợi ích liên quan với công trình được xét giải sẽ không mời phản biện”, GS. Đinh Nho Hào nói. Đây là lý do mà trong phiên họp cuối của Hội đồng giải thưởng có hai thành viên là chủ tịch hai hội đồng khoa học ngành phải trao quyền xét chọn cho thành viên khác trong hội đồng (do là đồng tác giả với ứng viên).
Song song với việc đảm bảo sự liêm chính của các ứng viên, các thành viên hội đồng cũng mong muốn công trình những ứng viên được chọn phải là đạt tiêu chí xuất sắc. Thực ra, đây cũng là một nan đề bởi không dễ đưa ra những tiêu chí cứng cho sự xuất sắc. Có nên dựa vào các chỉ số trắc lượng tạp chí để xác định sự xuất sắc? hay dựa vào nội dung hay ý nghĩa của công trình? có nên hoàn hoàn dựa vào các phản biện quốc tế để đánh giá sự xuất sắc của công trình khoa học Việt Nam? Vô vàn những câu hỏi như vậy đã được đặt lên bàn đánh giá, không chỉ riêng năm nay mà mọi năm xét giải.
Là một thành viên từng tham gia nhiều hội đồng giải thưởng, GS. Nguyễn Văn Tuyến (Hội đồng khoa học ngành Hóa học) nêu vấn đề “trước đây chúng tôi ngồi trong hội đồng xét duyệt giải thưởng, thấy đề cao rất nhiều đến tạp chí, chỉ số ảnh hưởng (impact factor). Tất nhiên cũng đề cập đến ý nghĩa bài báo nhưng có lẽ vẫn xem nhẹ hơn, ngay sàng lọc đầu tiên của hội đồng cũng dựa vào tạp chí, thấy ngoài Q1 là loại”. Dẫu vậy, ông cho rằng, sự đa dạng của hệ thống xuất bản có thể dễ dàng làm khỏa lấp một điều “nhiều tạp chí cơ bản truyền thống trước đây có hệ số impact factor không cao, thậm chí chỉ thuộc nhóm Q2 nhưng lại rất chất lượng, ví dụ như ngành của tôi chẳng hạn, tạp chí truyền thống cả trăm năm, đăng nhiều công trình của nhà khoa học giải Nobel nhưng lại không thể so về chỉ số trắc lượng với những tạp chí đa ngành”. Ông kể thêm câu chuyện ngành toán “GS. Ngô Việt Trung có lần chia sẻ với tôi ‘có những tạp chí truyền thống, cả đời đăng được một bài là mãn nguyện rồi nhưng chỉ số trắc lượng chỉ 0.5 thôi’. Nếu chỉ dựa vào trắc lượng thì nhiều bài báo chất lượng có thể bị loại”.
Nếu như không dựa vào trắc lượng là chủ yếu thì trắc lượng sẽ có tỉ lệ bao nhiêu trong xét chọn? Có nên định lượng phần trăm các chỉ số phụ của xuất sắc? “Tôi thấy quỹ ghi rất rõ là giải thưởng này dựa vào giá trị của công trình. Khi nói đến giá trị của công trình thì thì chắc chắn chúng ta nói đến tính mới và tầm quan trọng của công trình đó. Nếu như tiêu chí mà nhiều hơn thì e rằng nó lại bó hẹp chúng ta”, GS. TS Lê Văn Hoàng (Hội đồng khoa học ngành Vật lý) nói. “Tôi cảm thấy nếu có nhiều tiêu chí quá thì như thể chúng ta làm kế toán, gạch đầu dòng tính công vậy”. Do đó, quan điểm của anh là “khi đã đến giai đoạn xét tặng ở Hội đồng giải thưởng thì chỉ có giá trị khoa học và tham khảo thêm những đóng góp của chuyên gia trong ngành, có nhận xét giá trị công trình, không phụ thuộc quá nhiều vào chỉ số phụ”.
Giữa những luồng tranh luận, GS. Đinh Nho Hào đã xác quyết “Khi đánh giá chất lượng công trình quan trọng thì chất lượng tạp chí chỉ là một yếu tố phụ thôi, ví dụ công trình đoạt giải Field của GS. Ngô Bảo Châu trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng thấp nhưng chất lượng rất cao”.
Sự tương đối khác nhau và tưởng chừng mâu thuẫn trong đánh giá sự xuất sắc của các công trình xét giải cho thấy cái khó của những người phải “cân đong đo đếm” đầy đủ các tiêu chí để “chọn mặt gửi vàng”. “Trong các cuộc họp xét giải trước, thường bao giờ các nhà khoa học cũng trao đổi với nhau rất gay gắt về tiêu chí ‘thế nào là xuất sắc?’”, TS. Phạm Đình Nguyên nhận xét.
Việc bàn thảo tiêu chí xuất sắc ở nhiều khía cạnh khác nhau cũng là một cách để lựa chọn được công trình và tác giả xứng đáng. Với kinh nghiệm là chủ tịch hội đồng xét giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022, GS. Nguyễn Hải Nam (Hội đồng Y sinh dược học) chia sẻ “tôi nghĩ chỉ nên dựa vào giá trị và ý nghĩa khoa học thôi – nghĩa là mức độ tác động, đặc biệt là tính mới, tính đột phá dẫn đến thay đổi cả lĩnh vực đó. Việc vào tạp chí, ví dụ với công trình trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng là 17 chẳng hạn thường được mặc định là tốt hơn công trình trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng là 6, 7 và khi đó ít được xem xét kỹ hơn vào nội hàm, giá trị khoa học. Chúng ta trao giải thưởng dựa trên căn cứ công trình khoa học xuất sắc, không dựa trên tiêu chí trọn đời, không thể nói là “nhà khoa học kia còn trẻ, còn có nhiều cơ hội, nên trao cho nhà khoa học lớn tuổi vì công sức cả đời…”.
Mặc dù dự kiến vào ngày 15/5, người ta mới biết được chính xác ai là người được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 nhưng có thể chắc chắn một điều, họ là tác giả của những công trình thực sự xuất sắc và là có phẩm chất liêm chính. “Các công trình được Hội đồng lựa chọn đều là những công trình đặc biệt xuất sắc và hoàn toàn xứng đáng”, GS Trần Xuân Nam nói.
Khoahocphattrien