Giải pháp tế bào gốc cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Ngày đăng: 18/06/2021 10:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/06/2021 10:40
Các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y vừa thực hiện thành công đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài. |
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh thực hiện.
Theo GS.TS. Đồng Khắc Hưng – Chủ nhiệm đề tài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh phổ biến, bệnh diễn biến mạn tính, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, thường tiến triển nặng dần liên quan đến đáp ứng viêm mạn tính quá mức ở đường hô hấp và nhu mô phổi với các hạt bụi, khí độc hại. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường triến triển với các đợt cấp và nặng dần theo thời gian dù được điều trị phối hợp các biện pháp. Các phương pháp điều trị hiện nay, gồm cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc, vẫn chưa đáp ứng được mong muốn quan trọng của người bệnh là cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách tăng khả năng gắng sức và giảm số lần nhập viện vì đợt cấp.
Xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai đề tài nói trên thông qua Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20).
Thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc (TBG) từ dây rốn của trẻ sơ sinh (trẻ sinh đủ tháng và có mẹ không mắc các bệnh truyền nhiễm). Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 96 bệnh nhân (chủ yếu là nam giới) được chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, điều trị tại Trung tâm Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh và chia thành 3 nhóm. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị bằng ghép TBG 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng với liều 1,5 triệu TBG trung mô/kg cân nặng bằng truyền đường tĩnh mạch.
Tế bào gốc là các tế bào chưa có chức năng chuyên biệt, có tiềm năng phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau và có khả năng tự thay mới. TBG và TBG trung mô đã được chứng minh có khả năng kháng viêm, điều biến miễn dịch và tái tạo. Nhờ đặc tính điều biến miễn dịch độc đáo nên TBG trung mô trở thành loại tế bào có giá trị trong điều trị và chữa tổn thương mô, cơ quan, hoặc trong điều trị các bệnh viêm mạn tính, bệnh tự miễn. Nhờ những đặc tính ưu việt của TBG, TBG tự thân và TBG đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan và hy vọng cho bệnh nhân.
GS.TS. Đồng Khắc Hưng cho biết, trong các nguồn cung cấp TBG, dây rốn là một nguồn cung cấp TBG trung mô có nhiều tiềm năng ứng dụng. TBG trung mô từ dây rốn có quy trình thu thập đơn giản, dễ thu nhận, có nhiều loại TBG và số lượng nhiều. TBG trung mô từ dây rốn có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các TBG trung mô thu nhận từ một số nguồn khác. Bên cạnh đó, đây là bộ phận thường bị bỏ đi sau khi trẻ được sinh ra. Từ đó, sử dụng TBG trung mô dây rốn đồng loài điều trị các bệnh có cơ chế viêm như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một lựa chọn có tính khoa học, nhằm vào can thiệp cơ chế bệnh sinh của bệnh.
|
Nhóm đã xây dựng được qui trình ứng dụng TBG trung mô đồng loài trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đồng thời đã đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ghép TBG trung mô đồng loài trong điều trị. Kết quả cho thấy, liệu pháp ghép TBG trung mô đồng loài an toàn không có sốc phản vệ, tử vong ngay sau ghép, 24 giờ, 1 tuần và 1 tháng sau ghép. Có hiệu quả điều trị qua 6 và 12 tháng theo dõi điều trị; và không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng sinh lý của người bệnh. Cụ thể, kết quả sau ghép TBG giúp giảm điểm số khó thở theo thang đo cuả Hội đồng nghiên cứu y khoa Anh (mMRC) và nghiệm pháp đánh giá BPTNMT (CAT), tăng khả năng đi bộ 6 phút, và giảm số đợt cấp trong 6 và 12 tháng.
Những kết quả đạt được của đề tài đã bổ sung minh chứng khoa học về khả năng sử dụng TBG trong lĩnh vực tái tạo/tái sinh các tế bào và mô bị tổn thương, góp phần phát triển lĩnh vực y học tái tạo/tái sinh đang được chú ý mạnh mẽ và là một trong các xu hướng mới của y học. Đồng thời khẳng định, các nhà khoa học đã làm chủ được những kỹ thuật điều trị mới, hiện đại về phân lập nuôi cấy TBG trung mô từ mô dây rốn, các kỹ thuật trong ghép TBG, đánh giá hiệu quả của bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được điều trị bằng ghép TBG trung mô đồng loài từ mô dây.
Mới đây, đề tài vừa được đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước tại Hà Nội. Theo các chuyên gia, đây là một trong những đề tài đầu tiên ứng dụng TBG để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo Khoahocphattrien