Giải pháp ngăn thảm họa lặp lại ở Làng Nủ
Ngày đăng: 03/10/2024 08:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/10/2024 08:19
Các nhà khoa học cho rằng cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, lập bản đồ chi tiết khu vực rủi ro cao, cảnh báo sớm, xây dựng dữ liệu tổng thể... để Làng Nủ không lặp lại thảm họa lũ quét, lũ bùn đá.
Thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sau bão Yagi. |
Thông tin được nhóm nghiên cứu của trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Thủy lợi và Đại học Khoa học Tự nhiên, chia sẻ tại hội thảo "Thảm họa Làng Nủ - nguyên nhân và giải pháp", tổ chức ngày 2/10, tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Lân Châu, Trường Đại học Giao thông Vận tải, cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã khảo sát và thấy nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm họa Làng Nủ và các khu vực trọng điểm tại tỉnh Lào Cai. Trong đó nguyên nhân chính là hiện tượng lũ bùn đá - một loại lũ lụt hợp nhất bao gồm nước, bùn và đá, có khả năng tàn phá lớn đối với các công trình xây dựng và gây biến đổi quan trọng của địa hình. Đặc điểm của hiện tượng này là tốc độ chuyển đổi nhanh và khối lượng lớn, thường xảy ra sau những trận mưa lớn kéo dài tại nơi có địa hình dốc.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lượng mưa tích lũy trong ba ngày trước cơn bão Yagi là quá lớn, gây trượt lở khối đất đá sau đó tích tụ vào đoạn co hẹp tạo đập tạm thời và vỡ dẫn đến dòng bùn đá ồ ạt tràn xuống Làng Nủ vào sáng sớm ngày 10/9 đã san phẳng 33 nóc nhà, khiến 52 người chết. Ngoài yếu tố mưa lớn, nền địa chất đá phiến phong hóa mạnh, cường độ không cao và tầng phong hóa dày cũng làm tăng nguy cơ trượt lở khi gặp mưa.
"Nước mưa là yếu tố chính gây trượt lở trên những địa hình có nền địa chất yếu", PGS Châu nói. Cần căn cứ vào cảnh báo ngưỡng mưa để đánh giá nguy cơ sạt lở, nếu lượng mưa lớn hơn 40 mm và lượng mưa tích lũy >250 mm có thể gây lũ bùn đá.
Ông khuyến nghị, đối với các vị trí đã hình thành vết nứt cần che phủ bạt, hoặc nhựa dẻo, dùng thép đóng ghim xuống, không cho nước ngấm tiếp tục vào khe nứt. Đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước trên đỉnh cao và ngang sườn dốc, không cho nước ngấm trực tiếp vào khu vực có vết nứt.
GS Đỗ Minh Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết và thiết lập hệ thống bản đồ để xác định các khu vực có rủi ro cao. Đồng thời, thiết lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng chịu tác động tự nhiên và nhân sinh để đánh giá mức độ rủi ro. Trên cơ sở dữ liệu này xây dựng bản đồ rủi ro và các kịch bản, hỗ trợ công tác quản lý và kiểm soát, đảm bảo an toàn trước các nguy cơ thiên tai trên các vùng đất dốc.
Việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm kết hợp với việc theo dõi thường xuyên các biến động địa chất được các nhà khoa học cho là "rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại do bùn đá gây ra". Các giải pháp trung và dài hạn, bao gồm: ưu tiên đảm bảo an toàn cho các khu vực tập trung dân cư; kiểm soát tác động tiêu cực của nước mưa và nước mặt; bảo vệ và phát triển nguồn vốn rừng; xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể các vùng đất dốc... cũng là những kiến nghị nêu tại hội thảo.
Trước đó chia sẻ với VnExpress, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. ThS Thái Bá Ngọc, chuyên gia về địa chất môi trường, Đại học Quốc gia TP HCM nhận định việc phòng chống các loại hình tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất là một vấn đề khó, bởi địa hình các khu vực này rất rộng với đồi núi có độ dốc cao, không thể xây dựng đủ các công trình để ứng phó.
Theo đó ở vùng đồi núi cần phải khoanh vùng, xác định nơi có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Với ngành địa chất, các địa phương phải xác định trọng tâm trên địa bàn một tỉnh, chỗ nào nguy cơ cao để theo dõi, cảnh báo cho người dân. Cần nghiên cứu, phân tích và xác định sự phân bố không gian của các dạng địa hình, phân loại độ dốc và các quá trình địa mạo để rõ nguyên nhân chủ đạo gây ra từng loại tai biến, từ đó làm cơ sở cho việc phân vùng dự báo tiềm năng gây tai biến.
Ông Ngọc đề xuất thời gian tới cần xây dựng hệ thống quan trắc đủ bao phủ các điểm để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cũng như hệ thống công trình đập ngăn bùn đá và công trình phụ trợ. Để thực hiện các giải pháp quan trắc, cần có nghiên cứu tiền khả thi như khảo sát kỹ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn, công trình, làm rõ có đứt gãy hoạt động hay không và mô hình hóa, dự báo khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Với công trình tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần thực hiện xẻ rãnh thoát nước trên các mạch nước chảy ra từ chân núi ra đường giao thông. Đồng thời tạo nhiều bậc dọc sườn - ta luy đường để thiết kế phù hợp.
Về lâu dài, PGS Trần Lê Lựu, điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (trường Đại học Việt Đức) cho rằng cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng. Không xây dựng nhà cửa ở sát các triền núi đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc. Lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét tại khu vực mình đang ở và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.
Vnexpress