Giải pháp chiếu sáng mới giúp nâng cao hiệu quả nuôi tôm
Ngày đăng: 05/04/2022 09:14
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/04/2022 09:14
Signify (Tập đoàn về chiếu sáng có trụ sở tại Hà Lan) và ShrimpVet (Một công ty tư nhân tại Việt Nam chuyên đầu tư, nghiên cứu và sản xuất tôm giống chất lượng cao) vừa công bố kết quả hợp tác nghiên cứu đầu tiên về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với sự phát triển của tôm nuôi.
Đại diện của Signify Việt Nam giới thiệu và trả lời các câu hỏi liên quan về ứng dụng ánh sáng trong nuôi tôm. |
Kết quả nghiên cứu này đã mở ra triển vọng mới trong việc cải thiện và nâng cao hiệu quả việc nuôi tôm tại Việt Nam thông qua việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED tiên tiến (Các công thức ánh sáng năng động và thiết bị điều chỉnh độ sáng).
Dự án hợp tác nghiên cứu giữa Signify và ShrimpVet được triển khai từ đầu năm 2021 tại huyện Cần Giờ, vốn là vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất của TP.HCM.
Chương trình nghiên cứu được các chuyên gia của Signify và ShrimpVet thực hiện trên tôm thẻ chân trắng, chia làm 2 giai đoạn, nhằm đánh giá tác động của ánh sáng nhân tạo, bao gồm: Độ sáng, quang chu kỳ và quang phổ đối với quá trình sinh trưởng, phát triển, trưởng thành, tình trạng sức khỏe và chất lượng của tôm nuôi.
Ở giai đoạn 1 kéo dài 11 tuần, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên 9 bể tôm (đường kính 8 m), trong đó có 6 bể tôm được nuôi dưới ánh sáng nhân tạo từ các bộ đèn Philips AquaAdvance 260 W, kết hợp với 2 công thức chiếu sáng, và các thiết bị điều khiển độ sáng để tạo mức sáng phù hợp tùy theo thời điểm trong ngày và nhu cầu của tôm; và 3 bể tôm không sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Giai đoạn 2 được thực hiện trong 10 tuần, đến khi tôm đạt trọng lượng bình quân 35 g, với 8 bể tôm có sử dụng đèn Philips AquaAdvance 260 W, kết hợp 3 công thức chiếu sáng, và các thiết bị điều khiển độ sáng; và 2 bể tôm không sử dụng ánh sáng nhân tạo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tôm được nuôi kết hợp với quang phổ ánh sáng xanh lam và xanh lục cùng các công thức chiếu sáng năng động đã tăng trưởng nhanh hơn, cho sản lượng cao hơn và có sức kháng bệnh tốt hơn tôm nuôi trong môi trường ánh sáng tự nhiên.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, tôm nuôi trong các bể kết hợp sử dụng ánh sáng nhân tạo với độ sáng và thời gian chiếu sáng được kiểm soát chặt chẽ đã tăng trưởng nhanh hơn 18% so với tôm nuôi theo cách truyền thống không có sự hỗ trợ của thiết bị chiếu sáng.
Tương tự, ở giai đoạn 2, tôm nuôi trong các bể này có kích cỡ lớn hơn 32%, khả năng chống lại mầm bệnh và miễn dịch tốt hơn với tỷ lệ sống sót tăng 35%.
Không chỉ giúp tăng năng suất 47% và cải thiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn 22%, việc nuôi tôm kết hợp ánh sáng nhân tạo còn cho phép nhà nông duy trì hoạt động nuôi tôm, đặc biệt là trong mùa mưa bão, để có thể thu hoạch quanh năm, trong khi vẫn giảm thiểu được lượng chất thải trong nước.
Việt Nam hiện là nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, với tổng sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970.000 tấn (số liệu của Tổng cục Thủy sản). Tuy nhiên, việc nuôi trồng tôm theo cách thức truyền thống lệ thuộc hoàn toàn vào môi trường ánh sáng tự nhiên khiến hệ thống nuôi trồng thiếu ổn định, hạn chế khả năng kiểm soát dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, dẫn đến sản lượng tôm nuôi không đồng đều, giá thành sản xuất cao, giảm lợi nhuận của nhà nông.
“Là công ty nghiên cứu, chẩn đoán và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi cách thức nuôi tôm truyền thống thông qua việc áp dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như công nghệ chiếu sáng LED.
Dự án hợp tác nghiên cứu với Signify đã mang lại cho chúng tôi kiến thức và kinh nghiệm về lắp đặt và vận hành hệ thống chiếu sáng nhân tạo dành cho tôm nuôi”, tiến sĩ Trần Hữu Lộc - nhà sáng lập, kiêm giám đốc phòng nghiên cứu ShrimpVet, cho biết.
Ao nuôi tôm ứng dụng đèn chiếu sáng Philips AquaAdvance 260 W. |
Dựa trên kết quả nghiên cứu đạt được, Signify Việt Nam và ShrimpVet đã đi đến thỏa thuận hợp tác trên một quy mô toàn diện hơn, nhằm nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đó là sử dụng các giải pháp chiếu sáng tiên tiến. Hai bên sẽ hợp tác phân phối giải pháp Philips LED Aqua-lighting tại thị trường Việt Nam, bắt đầu với Philips AquaAdvance 260 W.
Với mục đích khai phá tiềm năng phi thường của ánh sáng vì cuộc sống tươi sáng và một thế giới tốt đẹp hơn, từ nhiều năm qua Signify đã chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp chiếu sáng cho nông nghiệp nhằm góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất lành mạnh và bền vững, an ninh lương thực, và sức khỏe của cây trồng vật nuôi. Từ đầu năm 2021, Signify đã bắt đầu giới thiệu các giải pháp chiếu sáng này vào thị trường Việt Nam. “Nhờ công nghệ nghiên cứu chuyên nghiệp của ShrimpVet, giải pháp Philips LED Aqua-lighting đã được chứng thực khả năng ứng dụng chiếu sáng trong nông nghiệp công nghệ cao. Giải pháp cải tiến này có thể hỗ trợ nông dân nuôi tôm gia tăng sản lượng đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm tại Việt Nam”, ông Phùng Hoài Dương - tổng giám đốc của Signify Việt Nam, chia sẻ.
Sự kiện thu hút hàng trăm chuyên gia về nông nghiệp trong và ngoài nước, cùng nhiều công ty kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. |
Giải pháp Philips AquaAdvance dành cho tôm nuôi
Kết quả nghiên cứu nói trên đã chứng minh sự kết hợp giữa đèn Philips AquaAdvance 260 W với các công thức ánh sáng năng động được kiểm soát chặt chẽ về độ sáng và thời gian chiếu sáng giúp tôm nuôi không bị stress khi ánh sáng môi trường thay đổi đột ngột, cho phép người nuôi tôm kiểm soát được các điều kiện về môi trường và những nhân tố tác động đến nhịp sinh học, quá trình sinh lý, tăng trưởng, trưởng thành và khả năng chống chọi với bệnh tật của tôm.
Nguồn sáng module LED tích hợp Philips AquaAdvance 260 W được làm từ chất liệu thép và nhôm đúc ở thân đèn và kết hợp với kính cường lực, ở kích thước 85,3 x 31,8 x 13,6 cm và nặng 14 kg, đạt tiêu chuẩn CE, IEC (60529).
Nó có công suất 260 watt, quang thông 26.600 lumen, hiệu suất chiếu sáng 102 lumen/watt, điện áp 220 – 240 V, tuổi thọ 70.000 giờ. Những công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong thiết bị này có thể giúp: Đồng bộ hóa ánh sáng với các nhu cầu hằng ngày của tôm; tối ưu hóa hoạt động cho ăn, giúp tôm chắc thịt; điều chỉnh cường độ ánh sáng dần dần, điều tiết các kích ứng từ ánh nắng mặt trời mọc/lặn để giảm stress cho tôm; cải thiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn; kiểm soát toàn diện các chu kỳ tăng trưởng của tôm; dễ dàng điều khiển và giám sát từ xa; lập lịch trình chiếu sáng cụ thể cho từng bể tôm và địa điểm; bảo trì và nâng cấp phần mềm từ xa.
Theo Khoahocphothong