Giải Nobel Y học 2020 được trao cho nghiên cứu về virus viêm gan C
Ngày đăng: 08/10/2020 08:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/10/2020 08:46
Ba nhà khoa học Michael Houghton, Harvey Alter và Charles Rice đã được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2020 cho công trình nghiên cứu phát hiện ra virus viêm gan C.
Virus viêm gan C là nguyên nhân phổ biến gây ung thư gan và là lý do chính khiến người bệnh cần được ghép gan. Vào những năm 1960, có nhiều lo ngại về việc những người nhận máu hiến tặng, sẽ bị viêm gan mãn tính do một căn bệnh bí ẩn chưa được biết đến. Vì thế, vào thời điểm đó, việc truyền máu gặp nhiều khó khăn.
Các xét nghiệm máu với độ nhạy cao đồng nghĩa với việc tình trạng này hiện đã được loại bỏ ở nhiều nơi trên thế giới và các loại thuốc kháng virus hiệu quả cũng đã được phát triển.
Ủy ban giải thưởng cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh này có thể được chữa khỏi, mở ra hy vọng xóa sổ virus Viêm gan C khỏi thế giới”. Tuy nhiên, hiện có 70 triệu người đang sống chung với virus viêm gan C cướp đi sinh mạng của khoảng 400.000 người mỗi năm.
Kẻ giết người bí ẩn
Virus Viêm gan A và Viêm gan B đã được phát hiện vào giữa những năm 1960. Nhưng GS. Harvey Alter, trong khi nghiên cứu tình trạng của các bệnh nhân được truyền máu tại Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ vào năm 1972, đã phát hiện ra một hiện tượng lây nhiễm khác, một bí ẩn cần được nghiên cứu. Bệnh nhân vẫn ốm sau khi được truyền máu hiến tặng. GS. Harvey đã chứng minh việc truyền máu từ bệnh nhân nhiễm virus sang những con tinh tinh, đã khiến chúng phát bệnh. Căn bệnh bí ẩn này được gọi là bệnh viêm gan nhưng không phải viêm gan A hay viêm gan B.
Năm 1989, GS. Michael Houghton tại công ty dược phẩm Chiron, đã tìm cách phân lập trình tự gen của virus. Kết quả cho thấy đây là loại flavivirus, được gọi là virus Viêm gan C.
Đến năm 1997, GS. Charles Rice tại trường Đại học Washington, đã áp dụng các bước tiếp theo. Ông đã tiêm virus Viêm gan C biến đổi gen vào gan của tinh tinh, khiến nó bị nhiễm viêm gan.
GS. Houghton, hiện đang công tác tại trường Đại học Alberta ở Canada cho biết: “Khi đó, chúng tôi có rất ít công cụ nên trong tình trạng giống như mò kim đáy bể. Lượng virus hiện diện trong gan và máu rất thấp và độ nhạy của các kỹ thuật mà chúng tôi có không đủ cao, nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã thử nghiệm khoảng 30-40 phương pháp khác nhau trong 7 năm và cuối cùng đã xác định được một phương pháp".
TS. Claire Bayntun, chuyên gia tư vấn lâm sàng về sức khỏe cộng đồng toàn cầu và là phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa hoàng gia, cho biết: Phát hiện này là thành tựu phi thường, dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị và sàng lọc hiệu quả cho truyền máu và bảo vệ người dân ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo Vista.gov.vn