Gia tăng giá trị nông sản từ phát triển sản phẩm OCOP
Ngày đăng: 05/05/2022 08:12
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/05/2022 08:12
Nhờ xác định đúng thế mạnh, đặc trưng của từng địa phương, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3, 4 sao không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các bộ, ngành Trung ương, tỉnh tìm hiểu sản phẩm mắc ca của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, tháng 9/2020 tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Khai thác giá trị sẵn có
Tuy mới được thành lập vào tháng 11/2021 nhưng Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ A Ma Thuột, tổ dân phố 9 (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) cho ra rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ thế mạnh của địa phương như: bột nghệ, ca cao, trà gừng…, trong đó hai sản phẩm tiêu biểu của Công ty là Mật hoa cà phê A Ma Thuột và Cà phê rang xay A Ma Thuột đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ A Ma Thuột cho biết, kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, Công ty cũng được sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan trong việc mang sản phẩm đi giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ, hội nghị…, trong đó gần đây nhất hai sản phẩm mật ong và cà phê rang, xay của đơn vị đã được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022 do Sở Công thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Công thương các tỉnh Tây Nguyên và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vào cuối tháng 3/2022 ở TP. Đà Nẵng, tạo điều kiện cho công ty giới thiệu sản phẩm.
Là doanh nhân trưởng thành từ Chương trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của tỉnh, nhờ nắm bắt được lợi thế, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu cũng như đặc tính của cây mắc ca nên các sản phẩm của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, thôn Xuân Lộc (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) như: mắc ca sấy, dầu mắc ca, sô cô la mắc ca… đã chinh phục được người tiêu dùng. Năm 2020, với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, sản phẩm hạt mắc ca Đắk Lắk cao cấp của công ty đã đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao. Kể từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm này cũng thuận lợi hơn rất nhiều và đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương chia sẻ, việc tham gia và đạt chứng nhận OCOP hạng 4 sao đã mang lại những giá trị tích cực, góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm của công ty. Thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng, mẫu mã qua đó có hướng tiếp cận và xuất khẩu sang một số thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật, Mỹ, EU… và tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử.
Nâng cao giá trị hướng đến xuất khẩu
Đắk Lắk hiện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 627.000 ha (trong đó có hơn 298.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ) rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây: cà phê, hồ tiêu, ca cao và một số loại cây ăn quả chủ lực như bơ, sầu riêng…, nên ngay trong thời gian đầu triển khai đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã đặt ra định hướng phát triển nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực này.
Nếu như trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, chỉ có 35 sản phẩm OCOP (trong đó có 4 sản phẩm 4 sao) thì đến nay, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm OCOP, trong đó có đến 8 sản phẩm đạt 4 sao. Ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới bày tỏ: “Các sản phẩm OCOP đạt 4 sao tập trung chủ yếu vào các sản phẩm cà phê, ca cao, mắc ca… đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí từ đó nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia), nâng cao cơ hội tham gia vào thị trường quốc tế”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; thành lập điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá mở rộng thị trường, hỗ trợ quản lý chất lượng, bảo hộ thương hiệu, chi thưởng cho các sản phẩm đạt sao OCOP...
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc NN-PTNT cho biết: Dựa trên những lợi thế của địa phương cùng với việc tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi được công nhận và sử dụng nhãn hiệu OCOP đã tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cũng như đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, OCOP cũng sẽ là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế trước mắt, hỗ trợ các sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…
Các sản phẩm: hạt mắc ca Damaca Đắk Lắk cao cấp, cà phê rang xay A Ma Thuột, Mật hoa cà phê A Ma Thuột… là những sản phẩm được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022, qua đó góp phần quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của địa phương nói riêng và Chương trình OCOP nói chung, mở rộng thị trường và từng bước tiến tới xuất khẩu” - Ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới. |
Theo Báo Đắk Lắk