Gen cây tần bì là cơ sở giúp ngăn chặn bệnh chết non ở cây
Ngày đăng: 06/01/2017 10:03
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/01/2017 10:03
Các nhà nghiên cứu tại trường Queen Mary, Đại học London (QMUL) đã giải mã thành công các chuỗi gen của cây tần bì, đem lại hy vọng trong cuộc chiến ngăn chặn vi khuẩn nấm gây bệnh chết non ở cây tần bì.
Hàng chục triệu cây tần bì trên khắp khu vực châu Âu đang bị tàn phá bởi loài nấm Hymenoscyphus - fraxinea - thủ phạm gây ra bệnh chết non ở loài cây này. Những biểu hiện thường thấy ở cây tần bì mắc bệnh chết non do nhiễm nấm là vỏ cây bị mục rữa, cành lá khô héo dẫn đến cây dần dần chết.
TS. Richard Buggs - người đứng đầu nghiên cứu, đến từ Khoa Khoa học sinh học và hóa học, QMUL cho biết: "Trình tự gen của cây tần bì là cơ sở cho việc gây giống những cây tần bì có khả năng kháng nấm, ngăn chặn dịch bệnh chết non xảy ra”.
Một số lượng nhỏ trong số quần thể cây tần bì mắc bệnh tại Đan Mạch vẫn còn sống sót đã cho thấy khả năng kháng nấm của chúng và viện nghiên cứu các gen tham chiếu là bước đầu tiên giúp xác định các gen quy định khả năng kháng này.
Có rất nhiều điều bất ngờ về bộ gen của cây tần bì. Một phần tư số gen chỉ được tìm thấy ở cây tần bì không có chức năng rõ ràng và chúng được biết đến với tên gọi là gen Orphan (hay gen mồ côi). Các nhà nghiên cứu cho biết gen này không có mặt trong chuỗi gen của mười loài cây trồng khác.
TS. Buggs bổ sung: "gen orphan là một khái niệm tuy hóc búa, tuy khó giải thích nhưng cũng rất thú vị, và cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách thức hoạt động của gen này".
Bài báo về kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature. Nghiên cứu được hợp tác thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học bao gồm các chuyên gia đến từ QMUL; Viện Earlham; Vườn Thực vật Hoàng gia Kew; trường Đại học York, Canada; Đại học Exeter, Anh; Đại học Warwick, Anh, Quỹ từ thiện Môi trường Earth Trust, Anh; Đại học Oxford, Anh; Viện Nghiên cứu rừng, Trung tâm thực phẩm quốc gia Teagasc, Ai-len; Trung tâm Nghiên cứu John Innes, Anh và Viện Quốc gia Thực vật học nông nghiệp, Anh.
Bộ gen tham chiếu từ QMUL đã được sử dụng bởi các nhà khoa học tại trường Đại học York. Trước đó, các nhà nghiên cứu tại đại học này đã phát hiện ra các gen có quy định khả năng kháng bệnh cây chết non ở cây tần bì. Họ đã sử dụng các gen này để dự đoán sự xuất hiện của cây có sức chịu đựng cao hơn, chưa bị dịch bệnh - vốn đang lây lan nhanh chóng này - tấn công.
Trình tự gen cũng là yếu tố hỗ trợ cho mọi nỗ lực trong việc chống lại loài sâu đục thân thuộc bộ cánh cứng có tên gọi Emerald Ash Borer - thủ phạm đã giết chết hàng trăm triệu cây tần bì ở khu vực Bắc Mỹ.
Cây tần là một trong những loài cây trồng phổ biến nhất ở Anh. Theo thống kê, hơn 1.000 loài bao gồm các loài hoa dại và bướm chọn quần thể cây tần bì làm hệ sinh thái, làm nơi trú ngụ và kiếm ăn. Bên cạnh đó, tần bì đem đến những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường do tần bì là cây cho gỗ rất giá trị. Gỗ của chúng được sử dụng để sản xuất đồ gỗ, dụng cụ thể thao như: búa, gậy khúc côn cầu và phổ biến nhất là đồ nội thất.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên (NERC), Hội đồng nghiên cứu sinh học và công nghệ sinh học của Anh (BBSRC), Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn (Defra), Tổ chức Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế (ESRC), Ủy ban Lâm nghiệp, Chính phủ Scotland, Dự án Marie Sklodowska-Curie Actions, Trung tâm thực phẩm quốc gia Teagasc (NFC), Ai len và Cơ quan Nông nghiệp và Phát triển Thực phẩm.
Theo Vista.gov.vn