Đưa kỹ thuật y học Việt Nam ngang tầm thế giới
Ngày đăng: 31/05/2016 08:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 31/05/2016 08:33
Các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) đã xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật, mô hình tổ chức ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não. Việc thực hiện thành công ca ghép đầu tiên, bằng những kỹ thuật tiên tiến, đã khẳng định bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
|
Đánh giá từ Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây, tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng gia tăng. Biện pháp điều trị bệnh hiện nay là dùng thuốc kết hợp với tập luyện và dinh dưỡng, cho nên không giải quyết tận gốc căn bệnh. Phương pháp ghép đồng thời tụy, thận với kỹ thuật ngoại khoa phức tạp được sử dụng để điều trị những người mắc bệnh đái tháo đường đã có biến chứng suy thận đang được áp dụng trên thế giới. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não” (mã số KC.10.27/11-15) được giao cho Bệnh viện Quân y 103 chủ trì, PGS, TS Hoàng Mạnh An là chủ nhiệm đề tài. Theo GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10 kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đang đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã tiếp cận và nắm bắt được toàn bộ kỹ thuật ghép tạng phổ thông của thế giới như ghép thận, tim, gan, tụy… Tuy nhiên, đây chỉ là những thành công ở những ca ghép đơn tạng. Việc ghép hai tạng vào một người khó hơn rất nhiều, có khả năng xuất hiện nhiều biến chứng. Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu, PGS, TS Hoàng Mạnh An cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành rất nhiều lần ghép thực nghiệm trên động vật; đến các trung tâm ghép lớn của thế giới để học tập, sưu tầm tài liệu... Để bảo đảm cho ca ghép đầu tiên thành công, bệnh viện đã xây dựng ba phương án: mời các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản và Bỉ) cùng tham gia ghép khi có người hiến tạng; liên kết các trung tâm ghép tạng lớn của cả nước để thực hiện; đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện 103 tự thực hiện ghép tạng. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào người chết não hiến tạng, cho nên bệnh viện đã quyết định thực hiện phương án thứ ba, nếu không sẽ bị hỏng tạng hiến.
Nguồn tạng hiến vẫn là khâu hết sức khó khăn, kể cả người trong gia đình cũng không dễ gì quyết định hiến tạng cho người thân. Tại Việt Nam hơn 10 năm qua mới chỉ có khoảng 30 ca chết não đồng ý hiến tạng. Cho nên, đề tài phải chờ đợi. Theo PGS, TS Hoàng Mạnh An, đến ngày 28-2-2014, nhận được thông tin có trường hợp bị tai nạn giao thông, không may người bệnh đã chết não, tức là không thể sống được nữa, gia đình nạn nhân đồng ý cho lấy tạng để ghép cho người bệnh, rạng sáng 1-3-2014, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép đa tạng (tụy, thận) đầu tiên trên người tại Việt Nam. Ca ghép được thực hiện trong bảy giờ, với hơn 150 y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia. Mặc dù người bệnh có xuất hiện một số biểu hiện viêm, tràn dịch, nhưng đã được khắc phục và đến nay người bệnh đã hoàn toàn ổn định, đi làm bình thường. Ngoài thành công từ ca ghép, làm chủ được kỹ thuật ghép đa tạng, PGS, TS Hoàng Mạnh An và các bác sĩ đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật, có thể chuyển giao thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện về lấy ghép mô tạng, trang thiết bị, trình độ phẫu thuật viên. Nhất là, qua quá trình thực hiện đề tài, đội ngũ cán bộ khoa học của Bệnh viện Quân y 103 đã được học tập, tiếp thu nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về ghép đồng thời tụy, thận. Từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học, kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
GS, TS Phạm Gia Khánh cho biết, việc làm chủ được kỹ thuật hiện đại trong ghép tạng đã mang lại cho người bệnh suy thận hy vọng về một cuộc sống mới, giảm bớt chi phí trong trường hợp phải ra nước ngoài ghép tạng. Ca ghép tụy, thận thành công đã đánh dấu mốc phát triển mới của nền y học nước nhà, tạo bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng, đưa kỹ thuật ghép tạng Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới.
Đề tài KC.10.27/11-15 là một trong 69 nhiệm vụ thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15), được hội đồng đánh giá và nghiệm thu xuất sắc. Nhờ đó, các kỹ thuật, công nghệ trong y tế tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, bắt kịp trình độ thế giới. Nhưng trong quá trình triển khai, các nhà khoa học còn gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục hành chính và tài chính. Bởi vậy, nhiều nhà khoa học mong muốn sẽ có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn đối với các chương trình KC.10 trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Nhandan.com.vn