Dự án sưởi năng lượng hạt nhân lớn nhất Trung Quốc
Ngày đăng: 23/11/2022 08:14
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/11/2022 08:14
Dự án sưởi năng lượng hạt nhân Hải Dương có công suất 365 MW, phục vụ khu vực rộng 5 triệu m2 và cung cấp nhiệt sạch cho hơn 200.000 người.
Dự án sưởi bằng năng lượng hạt nhân ở thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc. |
Trong những năm qua, Trung Quốc hướng đến chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thải khí nhà kính. Một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là hạn chế sưởi bằng than - một cách giữ ấm phổ biến vào mùa đông ở nước này. Một số tỉnh đã triển khai các dự án sưởi bằng năng lượng hạt nhân để giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo cung cấp năng lượng khi nhiệt độ giảm.
Dự án sưởi năng lượng hạt nhân Hải Dương sử dụng nhiệt sinh ra từ năng lượng hạt nhân và đang làm ấm thành phố không carbon đầu tiên của Trung Quốc, CGTN hôm 20/11 đưa tin. Theo Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước (SPIC), hệ thống sưởi mới đi vào hoạt động tuần trước tại thành phố Hải Dương, tỉnh Sơn Đông.
Là dự án sưởi hạt nhân lớn nhất Trung Quốc, dự án sưởi năng lượng hạt nhân Hải Dương có công suất 365 MW, chiếm 92,8% tổng công suất sưởi hạt nhân của nước này, phục vụ khu vực rộng 5 triệu m2 và cung cấp năng lượng sạch cho hơn 200.000 cư dân. Quá trình thử nghiệm dùng hơi nước từ năng lượng hạt nhân để sưởi ấm mùa đông ở Hải Dương bắt đầu vào năm 2019 với sự tham gia của 7.000 hộ gia đình.
Tổ máy số 1 của Nhà máy Hạt nhân Hải Dương là tổ máy đồng phát (sản xuất đồng thời điện năng và năng lượng khác, ví dụ như nhiệt) lớn nhất thế giới, theo Công ty Điện hạt nhân Sơn Đông - công ty con của SPIC, đồng thời là chủ sở hữu nhà máy. Nó đã thay thế 12 nồi hơi đốt than và dự kiến giúp giảm 180.000 tấn khí thải CO2, 1.188 tấn SO2 và 1.123 tấn NO mỗi mùa sưởi.
Trong Kế hoạch 5 năm (FYP) lần thứ 14 (2021-2025) cho hệ thống năng lượng, Trung Quốc kêu gọi sử dụng năng lượng hạt nhân rộng rãi hơn để sưởi ấm các khu dân cư, khu công nghiệp, và khử mặn nước biển, giúp không khí sạch hơn, giảm khí thải nhà kính, ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trung Quốc từng dựa vào các nồi hơi nhỏ, phi tập trung và chủ yếu dùng than để cung cấp nhiệt trong mùa đông, hiệu suất nhiệt thấp và lãng phí năng lượng. Là một dạng nhiệt xanh và sạch, nhiệt từ năng lượng hạt nhân đang đóng vai trò quan trọng giúp giảm phát thải CO2 và đảm bảo an ninh năng lượng.
Tại quận Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, dự án thử nghiệm sưởi hạt nhân đầu tiên ở miền nam Trung Quốc đang được phát triển, công suất 15,6 MW. Sau khi hoàn thành vào cuối giai đoạn FYP 14, dự án sẽ cung cấp nhiệt cho khu vực rộng 4 triệu m2, tiết kiệm 24.600 tấn than tiêu chuẩn hàng năm.
Trong khi đó, mạng lưới hệ thống sưởi ấm dân cư của Nhà máy điện hạt nhân Hongyanhe đã chính thức đi vào hoạt động ở tỉnh Liêu Ninh, công suất 12,77 MW. Mạng lưới dự kiến giúp giảm khoảng 5.700 tấn than tiêu thụ và 14.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Theo Vnexpress