Dự án kết nối các bảo tàng lịch sử tự nhiên
Ngày đăng: 05/07/2023 19:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/07/2023 19:40
Người phụ trách quét mã vạch lên hộp bảo quản một con côn trùng để liên kết mã vạch đó với hình ảnh kỹ thuật số trên website của bảo tàng. Một cuộc khảo sát mới đã tiết lộ rằng côn trùng không được quan tâm đúng mức trong các bộ sưu tập của các viện bảo tàng trên thế giới.
Người phụ trách quét mã vạch lên hộp bảo quản một con côn trùng để liên kết mã vạch đó với hình ảnh kỹ thuật số trên website của bảo tàng. Một cuộc khảo sát mới đã tiết lộ rằng côn trùng không được quan tâm đúng mức trong các bộ sưu tập của các viện bảo tàng trên thế giới. Ảnh: Nico Garstman/Trung tâm đa dạng sinh học Naturalis |
73 bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất thế giới, trải dài khắp 28 quốc gia, gần đây đã cùng nhau thực hiện một dự án khảo sát để nhìn lại toàn bộ mẫu vật trong bộ sưu tập của họ. Họ hiện đang lưu giữ đến 1,1 tỷ mẫu vật, từ hộp sọ khủng long, hạt phấn hoa cho đến những con muỗi.
Những người tổ chức cuộc khảo sát sau đó đã mô tả quá trình này trên tạp chí Science, họ hy vọng cuộc khảo sát sẽ giúp các viện bảo tàng có cơ hội bắt tay nhau trả lời những câu hỏi cấp bách, chẳng hạn như các loài đang bị tuyệt chủng nhanh như thế nào và biến đổi khí hậu đang thay đổi thế giới tự nhiên ra sao.
Đằng sau những bức tường của các phòng trưng bày cho công chúng, các bảo tàng lịch sử tự nhiên của thế giới đóng vai trò là những người gác cổng bảo vệ kho lưu trữ về lịch sử của hành tinh và hệ Mặt trời. Các bộ sưu tập lịch sử tự nhiên này là cửa sổ duy nhất soi tỏ quá khứ của hành tinh, và chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các dự báo khả thi nhằm lập biểu đồ cho tương lai.
Chúng là căn cứ để chúng ta hiểu về thế giới tự nhiên và vị trí của chúng ta trong đó. Mỗi mẫu vật cung cấp một nguồn thông tin tuyệt vời có liên quan trực tiếp đến các vấn đề như bảo tồn động vật hoang dã, biến đổi khí hậu, nguy cơ đại dịch, an ninh lương thực, các loài xâm lấn, khoáng sản quý hiếm.
“Chúng tôi bắt đầu nghĩ về những việc mà các bảo tàng có thể làm cùng nhau”, Kirk Johnson, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Washington và là một trong những người đứng đầu dự án này, cho hay. “Đó là kết nối để tạo ra một mạng lưới bảo tàng toàn cầu.”
Quả thực, các bảo tàng hiện tại đều hoạt động như các tổ chức độc lập, nhưng giờ đây những người đứng đầu đã thử tưởng tượng ra một bộ sưu tập toàn cầu bao gồm tất cả các bộ sưu tập của tất cả các bảo tàng trên thế giới.
Tất nhiên trước đây các nhà khoa học đã từng hợp tác để xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quốc gia, nhưng dự án mới này là sự kiện quy tụ đông đảo nhiều bảo tàng lớn tham gia nhất từ trước đến nay. Hơn 1,1 tỷ mẫu vật - do 4.500 chuyên gia khoa học và 4.000 tình nguyện viên quản lý - hiện là một phần của cơ sở dữ liệu khổng lồ này.
Các đơn vị như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Vườn Bách thảo Hoàng gia ở Kew và Vườn Bách thảo Hoàng gia ở Edinburgh, đều tích cực tham gia vào dự án này.
“Các nghiên cứu phân tích sẽ diễn ra ở quy mô toàn cầu chưa từng có”, Emily Meineke, nhà côn trùng học tại Đại học California, Davis, người không tham gia dự án, cho biết.
Cuộc khảo sát đã tiết lộ những lỗ hổng quan trọng trong các bộ sưu tập của các bảo tàng trên thế giới. Chẳng hạn, có tương đối ít mẫu vật được thu thập từ những khu vực xung quanh các cực của trái đất, những vùng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Côn trùng, nhóm sinh vật đa dạng nhất trong số các loài động vật, cũng không được chú trọng đúng mức.
TS. Meineke cho rằng cuộc khảo sát trên quy mô lớn này sẽ đặt nền móng cho các cuộc khảo sát nhỏ hơn, và rất có thể chúng sẽ mang đến nhiều thông tin bất ngờ hơn nữa. “Một khi các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp khảo sát này cho các bộ sưu tập liên vùng và ghép nối các kết quả lại với nhau, chúng ta sẽ có được một bức tranh chân thực hơn về đa dạng sinh học trên toàn cầu”, bà phân tích.
Những thiếu sót
Các bảo tàng lịch sử tự nhiên bắt đầu hoạt động từ những năm 1400 như những chiếc tủ chứa điều kỳ diệu. Giới quý tộc đã cất giữ trong đó những vật kỳ lạ quý giá như hộp sọ kỳ lân biển (narwhal) hoặc pha lê lấp lánh. Đến thế kỷ 19, chúng dần trở thành các viện bảo tàng của nhà nước, tuyển dụng các giám tuyển chuyên trách toàn thời gian.
Vào giai đoạn đầu, khi bảo tàng thu thập hoặc mua lại được một mẫu vật mới, những người phụ trách thường viết nguệch ngoạc một số thông tin cơ bản về nó lên một tờ phiếu. Sau đó, tờ phiếu đó có thể được nhét vào chiếc hộp bên trong ghim xác một chú bướm, hoặc bỏ vào chiếc lọ bảo quản xác một con cá mập. Sau đó, người quản lý sẽ cất hộp hoặc lọ vào tủ và ghi chú vào sổ chính.
Ngày nay, các bảo tàng tự nhiên đã tích lũy được những bộ sưu tập khổng lồ. Chỉ riêng Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian đã lưu giữ 148.033.146 mẫu vật. Trong những năm gần đây, một số bảo tàng đã số hóa các mẫu vật của họ và trưng bày trên mạng.
Các nhà khoa học xem xét các mẫu thực vật được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington. Ảnh: Chip Clark/Viện Smithsonian |
Ví dụ, năm ngoái, Viện Tiêu bản Quốc gia của Hoa Kỳ đã hoàn tất việc đăng tải lên các bức ảnh của gần bốn triệu cây ép. Với hơn năm triệu mẫu vật từ tảo siêu nhỏ đến lá cọ khổng lồ, đây là một trong những bộ sưu tập thực vật lớn nhất thế giới. Và với khoảng 120.000 mẫu vật điển hình - một mẫu vật đơn lẻ đại diện cho cả một loài - đây cũng là một trong những mẫu vật quan trọng nhất về mặt khoa học trên thế giới. Đó là chưa kể đến tầm quan trọng về mặt lịch sử của nó: ngân hàng thực vật này phát triển nhờ sự đóng góp của một số nhà sưu tầm nổi tiếng, trong số đó có nhà bảo tồn John Muir, nhà sinh vật học tiến hóa Charles Darwin và các Tổng thống Mỹ như Theodore Roosevelt và Chester A. Arthur.
Nhưng hầu hết các mẫu vật trong bảo tàng lịch sử tự nhiên khác vẫn chưa được quét và lưu giữ số hoá - hoặc thậm chí được ghi lại trong danh mục trực tuyến.
Khi ngồi lại và thảo luận cùng nhau về bộ sưu tập của mình, TS. Johnson và các giám đốc bảo tàng khác đã nhận ra rằng họ vẫn chưa hiểu hết về chính bộ sưu tập của mình, và thậm chí còn không biết sẽ chia sẻ như thế nào với nhau.
“Chúng tôi chợt nhận ra rằng mỗi người chúng tôi đều nắm giữ những tài sản quý giá, nhưng chúng tôi không có cách nào để so sánh chúng với nhau,” ông nói. “Chúng tôi như thể đang cai trị những vương quốc dữ liệu đầy tăm tối”.
Thay vì đợi hàng năm trời cho đến khi số hóa thành công toàn bộ bộ sưu tập của mình, các giám đốc bảo tàng muốn kiểm kê ngay bây giờ. Họ yêu cầu người phụ trách điền vào một bản khảo sát mô tả, phân loại bộ sưu tập mà họ lưu giữ trong viện bảo tàng của mình - thực vật, nấm, hóa thạch, v.v. Sau đó, họ ước tính kích thước của mỗi bộ sưu tập, đôi khi chỉ đơn giản bằng cách đếm các tủ và nơi các nhà khoa học thường đến để xem xét các mẫu vật.
Những người phụ trách cũng cung cấp số mẫu vật đã được số hóa, bao nhiêu mẫu vật đã được lấy mẫu DNA và bao nhiêu chuyên gia đã nghiên cứu các nhóm loài khác nhau tại mỗi bảo tàng. Các bảo tàng đã tạo một nền tảng chung trực tuyến để theo dõi kết quả của cuộc khảo sát.
Để đẩy nhanh tốc độ, nhóm chuyên gia đã tạo ra một phương pháp có thể nhanh chóng khảo sát các bộ sưu tập trên khắp các bảo tàng bằng cách tạo ra một từ vựng chung gồm 19 loại bộ sưu tập bao trùm toàn bộ các bộ sưu tập sinh học, địa chất, cổ sinh vật học và nhân chủng học cũng như 16 vùng đất liền và biển bao phủ toàn bộ Trái đất.
“Cuối cùng ước mơ mà tôi và nhiều người tiền nhiệm đã ấp ủ trong nhiều năm đã thành hiện thực”, Michael Novacek, Phó chủ tịch cấp cao tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở Thành phố New York cho biết.
TS. Johnson tiết lộ ông đã rất ngạc nhiên khi biết có nhiều nhà khoa học nghiên cứu động vật có vú hơn so với các loài khác. “Xu hướng này thể hiện khá rõ ràng qua các con số”.
Ngược lại, chỉ có 10% các nhà khoa học của bảo tàng nghiên cứu về côn trùng. “Đây là một mất mát nghiêm trọng”, TS. Johnson nhận định. “Côn trùng đóng vai trò quan trọng trong mức độ đa dạng sinh học trên cạn, đồng thời cũng là loài thụ phấn và trung gian truyền bệnh chính”.
Ngoài ra, các viện bảo tàng thu thập tương đối ít mẫu vật ở Bắc Cực hoặc Nam Cực, hai khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nóng lên toàn cầu. TS. Novacek cho rằng các bảo tàng cần phải lập hồ sơ về sự đa dạng của môi trường sống ở đó để hiểu nó đang thay đổi như thế nào trong bối cảnh nhiệt độ không ngừng gia tăng. “Đây là lời kêu gọi hành động,” ông khẳng định.
Việc nhận thức được những gì còn thiếu trong những bảo tàng trên thế giới có thể giúp các chuyên gia lên kế hoạch phối hợp tổ chức chuyến thám hiểm mới nhằm lấp đầy khoảng trống. “Chúng tôi sẽ lập kế hoạch thu thập mẫu vật cho bộ sưu tập thế kỷ 21”, TS. Johnson chia sẻ.
Các nhà khoa học cũng nhận ra rằng trong tương lai, bộ sưu tập toàn cầu cũng phải hội tụ thêm các bảo tàng ở những nơi khác trên thế giới. “Bộ sưu tập toàn cầu này đồng thời thể hiện cam kết và trách nhiệm của chúng tôi trong việc xây dựng năng lực và hợp tác quốc tế công bằng với các đối tác từ tất cả các quốc gia, khai thác những tiến bộ công nghệ mới nhất và cung cấp dữ liệu cho tất cả mọi người”, Doug Gurr, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, chia sẻ về tầm nhìn. “Các bộ sưu tập hiện đang có một cơ sở hạ tầng rộng lớn và ngày càng thống nhất. Nó sẽ là một nguồn tài nguyên quan trọng giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới tự nhiên, từ đó dự đoán về sự thay đổi ở cấp độ toàn cầu, hỗ trợ xây dựng kế hoạch để phòng tránh thảm họa.”
Khoahocphattrien