Dự án GCF hỗ trợ Đắk Lắk hơn 4,5 triệu USD giúp ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày đăng: 07/10/2020 08:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/10/2020 08:19
Sáng nay (6/10), UBND tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc về Dự án tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp, quy mô nông hộ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước, do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên Hải Nam Trung Bộ - Việt Nam (gọi tắt là dự án GCF). Tiếp và làm việc với đoàn có ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Dự án tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp, quy mô nông hộ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước, do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ do Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hiệp Quốc tài trợ với tổng kinh phí trên 30 triệu USD viện trợ không hoàn lại, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2020 – 2025.
Dự án sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Mục tiêu của dự án là hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.
Tại Đắk Lắk, Dự án dự kiến được thực hiện ở 11 xã của 4 huyện gồm: huyện Ea Hleo, Cư M’gar, Ea Kar và Krông Pắc. Với tổng vốn được phân bổ hơn 4,5 triệu USD để triển các hoạt động: Thiết lập cơ sở hạ tầng thuỷ lợi để đưa nước tưới tới ruộng của nông dân nghèo và cận nghèo giúp họ đối phó với tình trạng lượng mưa và hạn hán ngày càng tăng, lắp đặt các thiết bị đo lường và kiểm soát dòng chảy với giám sát từ xa, tập huấn cho nông dân nghèo và cận nghèo sử dụng thiết bị tưới và bảo dưỡng hệ thống chủ động đối phó với rủi ro khí hậu… Dự án sẽ bắt đầu từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2026. Khi hoàn thành, sẽ có khoảng 6.000 hộ dân trong vùng dự án được hưởng lợi.
Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc đã dự báo tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong những năm tới, một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng thích ứng cho các nông hộ; đồng thời, mong muốn tỉnh tăng cường xúc tiến, thúc đẩy quá trình lập, phê duyệt để dự án sớm đi vào hoạt động. Bà Sitara Syed mong muốn sự phối hợp tích cực từ địa phương để phấn đấu để dự án được triển khai trước ngày 4/6/2021.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn Đoàn công tác của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc đã quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh được hưởng lợi từ dự án. Tỉnh cam kết sẽ sớm hoàn thành các quy trình, thủ tục để dự án được triển khai thực hiện theo đúng tiến độ. Đồng thời giao Sở NN&PTNT làm đầu mối triển khai dự án theo lộ trình của tỉnh đề ra.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Khí hậu - Tài nguyên - Môi trường của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), với tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay thì Đắk Lắk là địa phương chịu tác động lớn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong những năm tới. Dự án được triển khai tại Đắk Lắk sẽ góp phần giảm thiểu những rủi ro này.
“Dự án này là sự phối kết hợp rất chặt chẽ với dự án vốn vay của Chính phủ Việt Nam để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng cấp nước lớn. Tuy nhiên, các hộ nghèo kể cả có các công trình ở gần muốn tiếp cận họ phải nối ống, có máy bơm, kiến thức để canh tác, dự án này thiết kế cả phần tiếp cận nước để họ có thể canh tác được và giúp cả phần kỹ thuật để họ thay đổi cơ cấu cây trồng, tiếp cận được thị trường để những nông dân nghèo được đồng hành phát triển chung của kinh tế Việt Nam” - Ông Đào Xuân Lai cho hay.
Theo Daklak.gov.vn