Động lực mạnh mẽ từ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
Ngày đăng: 05/04/2022 08:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/04/2022 08:16
Với thành phần dân tộc khá đa dạng (49 dân tộc anh em cùng sinh sống), công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc các dân tộc đang được tỉnh đặc biệt quan tâm theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Diễn tấu cồng chiêng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. |
Đây cũng là tinh thần phát triển văn hóa của Đại hội lần thứ XIII của Đảng để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có thể thấy, mọi hoạt động văn hóa, quan hệ văn hóa, thiết chế văn hóa đều hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người phát triển toàn diện, không chỉ ở ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội mà còn ở tinh thần cố kết cộng đồng. Điều đó thể hiện ở đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng, giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa đã góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh đến quốc tế, giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc đã có thể bước ra không gian rộng lớn như toàn cầu.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên, theo hướng xanh sạch, hiện đại, bản sắc; khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế, nhằm phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững. Cùng với các giải pháp cho một Đắk Lắk - trung tâm vùng Tây Nguyên xanh, hiện đại, để trở nên bản sắc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đặc biệt quan tâm đến văn hóa, xem văn hóa là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển.
Mục tiêu đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, cùng với việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Đây là quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước.
Lễ hội truyền thống của cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Phát huy “sức mạnh mềm”
“Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa Đảng, Nhà nước ta xây dựng là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
Tây Nguyên nói chung, đặc biệt đối với Đắk Lắk, sự đa dạng về thành phần dân tộc đã tạo nên những sắc màu văn hóa độc đáo. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực cũng vừa là mục tiêu trong chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến bộ, công bằng, văn minh. Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã có những tác động tích cực, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra vô vàn thách thức buộc ngành văn hóa phải từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu bởi Đắk Lắk là tỉnh miền núi có rất nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, lạc hậu. Một trong 5 nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra đó là: “Quan tâm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa; triển khai hiệu quả việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; bảo vệ các di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Khi sự tìm đến cái khác biệt trở thành một xu hướng thì những nỗ lực, quan tâm cùng với việc thực thi những chính sách về văn hóa chính là để Đắk Lắk có thể tận dụng yếu tố “bản sắc” tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu địa phương. Yếu tố đó cũng góp phần vào việc khẳng định vị thế quốc gia trong tiến trình hội nhập. “Sức mạnh mềm” chính là bản sắc văn hóa, bản lĩnh văn hóa để chúng ta không chỉ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam mà còn vững vàng bước ra thế giới.
Và như nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2021: Nếu một đất nước chỉ tập trung vào kinh tế, không chú ý đến môi trường thì có khi phải mất nhiều chục năm thì mới khắc phục được các hệ lụy. Nhưng đã chú ý đến môi trường rồi mà không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất nhiều thế hệ mới khắc phục lại được, thậm chí là sụp đổ. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Phải làm sao tất cả mọi người Việt Nam phải có khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày trước để chống tụt hậu ngày nay. Phải chăng chúng ta cần thôi thúc, tạo xung lực để phát huy cao độ sức sáng tạo, sức mạnh của toàn dân, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Theo Báo Đắk Lắk