Doanh nghiệp KH&CN khó thương mại hóa sản phẩm
Ngày đăng: 04/12/2014 08:15
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/12/2014 08:15
Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp KH&CN gặp khó trong quá trình thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ mới bởi rào cản từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các sản phẩm mới, tâm lý e ngại của người tiêu dùng đến việc thiếu nguồn lực tài chính… Bên cạnh các ưu đãi đầu vào cho hoạt động R&D, mong muốn của nhiều doanh nghiệp KH&CN là cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước để thương mại hóa thành công các sản phẩm KH&CN mới.
Nhiều rào cản
Theo thông tin từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 11/2014, cả nước có 132 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động mang bản chất doanh nghiệp KH&CN. Trong số các doanh nghiệp KH&CN được cấp Giấy chứng nhận, đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực về giống cây trồng, dược liệu, vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được doanh nghiệp KH&CN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KH&CN. Trong bối cảnh khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp KH&CN vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KH&CN như công ty CP giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, công ty BUSADCO…
Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa sản phẩm, nhiều doanh nghiệp KH&CN cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, đó là việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn để có thể công nhận một sản phẩm mới. Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất nêu ví dụ, doanh nghiệp của chúng ta đã sản xuất ra loại gạo thảo dược, dành riêng cho người tiểu đường. Các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia đã mua các sản phẩm gạo này và đang tìm cách mua giống để trồng. Giống gạo thảo dược này được một số viện lúa của nước ta nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để lưu hành sản phẩm mới này chưa có. Thành ra, một số sở hhoa học và công nghệ địa phương có ký hợp đồng để bán sản phẩm gạo này nhưng không hoàn toàn hợp pháp vì không có tiêu chuẩn nào để công nhận. Loại gạo này có giá bán gấp 5 - 10 lần giá gạo thường, có cơ hội tạo ra việc làm và nâng cao đời sống của nhiều hộ nông dân nhưng vẫn chưa có cơ chế để có thể thương mại hóa. Hơn nữa, hiện doanh nghiệp này đang thiếu vốn để tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo nhằm bảo đảm tính ổn định, bền vững của giống lúa; liên kết với nông dân ở các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên canh cũng như thiếu vốn để củng cố, hoàn thiện dây chuyền chế biến sản phẩm.
Từ ví dụ này, ông Phạm Hồng Quất rút ra thực trạng, nhiều sản phẩm mới được phát triển thành công chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước gặp lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành; doanh nghiệp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường mặc dù có nhiều đối tác có nhu cầu sẵn sàng hợp tác để thương mại hóa. Việc thiếu các quy định về đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến cho các kết quả KH&CN mới chậm trễ trong việc đưa ra thị trường, đến khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh tranh của sản phẩm cũng giảm. Dẫn đến tình trạng hoặc là doanh nghiệp sẽ không được kinh doanh sản phẩm mới hoặc phải vi phạm pháp luật để kinh doanh những sản phẩm mới trước khi luật cho phép kinh doanh. Hơn nữa, còn tình trạng một số cán bộ công vụ chưa thực sự quan tâm thực chất đến việc tạo điều kiện và hỗ trợ về mặt chính sách cho những người có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo. Để nhận một văn bằng, giấy chứng nhận, có người phải chờ hàng 2, 3 năm, thậm chí đến hàng chục lần vẫn không giải quyết. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến đam mê sáng tạo của cộng đồng, gây tâm trạng chán nản và nguy cơ thui chột ngọn lửa sáng tạo trong cộng đồng.
Một khó khăn nữa trong quá trình thương mại hóa sản phẩm mới của các doanh nghiệp KH&CN đến từ tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Thực tế, tâm lý tiêu dùng hàng ngoại phổ biến không chỉ trong bộ phận dân cư mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước. Các sản phẩm KH&CN được tạo ra trong nước không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách Nhà nước, dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài. Ngoài ra, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài đối với các sản phẩm mới cũng rất khó khăn do trong nước chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc có nhưng không phù hợp với chuẩn chung của quốc tế. Một khó khăn nữa là nhiều doanh nghiệp KH&CN bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây tổn hại đến tài sản, giá trị thương hiệu.
Để sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng
Với vai trò là đòn bẩy phát triển nền kinh tế tri thức, cộng đồng doanh nghiệp KH&CN cần bà đỡ Nhà nước giúp sức từ giai đoạn nghiên cứu đến sản phẩm và quá trình thương mại hóa, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường và thành lập doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Nhà nước hiện nay mới chỉ tập trung vào giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp mà chưa quan tâm đầy đủ đến quá trình tìm kiếm, tiếp cận thị trường, xây dựng phương án kinh doanh và kêu gọi nhà đầu tư của doanh nghiệp KH&CN. Ngoài việc tiếp cận các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh và các nguồn lực cần thiết để thực hiện hoạt động R&D, mong muốn của nhiều doanh nghiệp KH&CN là cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để thương mại hóa thành công các sản phẩm KH&CN mới.
Theo ông Phạm Hồng Quất, cần sớm có các giải pháp liên ngành, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong thương mại hóa các sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN hiện nay. Trước hết, hoàn thiện môi trường pháp lý kinh doanh bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và có ưu tiên đối với những sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn kiểm định lưu hành sản phẩm thì nên chấp nhận hệ thống tiêu chuẩn quốc tế phổ biến, để sản phẩm KH&CN mới được sản xuất và lưu hành. Đối với những lĩnh vực chưa có quy định điều chỉnh, cần tham khảo và hợp tác với các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện đánh giá sản phẩm, cho phép lưu hành sản phẩm trong nước, đồng thời tạo điều kiện để xuất khẩu các sản phẩm KH&CN trong nước mà đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, cần sớm bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tiếp cận thị trường. Công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN khi đã qua kiểm định cần được Nhà nước ưu tiên sử dụng tại các dự án mua sắm Chính phủ, ưu tiên sử dụng công nghệ trong nước trong các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước, giúp doanh nghiệp có nguồn thu ban đầu, tạo thương hiệu để có niềm tin cho xã hội về sản phẩm KH&CN quốc gia. Đẩy mạnh, hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN đến nhà đầu tư, người tiêu dùng thông qua các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, với những sản phẩm KH&CN hướng tới đối tượng là những người có thu nhập thấp như nông dân, ngư dân thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để giúp các sản phẩm này đến được người tiêu dùng. Các chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ kinh phí nghiên cứu hoàn thiện công nghệ để hạ giá thành sản phẩm, trợ giá, hỗ trợ lãi suất vay vốn để đổi mới công nghệ.
Để khắc phục tình trạng nhiều sản phẩm mới không tìm được thị trường, không được thương mại hóa, giải pháp quan trọng nữa là phải làm sao hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm KH&CN. Cũng cần chú ý tăng cường hiệu quả cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để có thể triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trên thực tế.
Theo Vista.gov.vn