Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 07/08/2018 07:54
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/08/2018 07:54
Chiều 4/8, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” và định hướng phát triển GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Êban Y Phu - Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan trong tỉnh.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, thời gian qua, công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển GD&ĐT đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Đến nay, quy mô, mạng lưới trường lớp đã phát triển nhanh theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa với 10.362 phòng học kiên cố từ mầm non đến phổ thông (đạt tỷ lệ 61,3%); toàn tỉnh có 404 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 39,45%, tăng 189 trường so với năm 2013. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đẩy mạnh, đổi mới khá toàn diện. Tính đến năm học 2017-2018, toàn ngành có 38.024 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 64,44% cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia và duy trì, phát triển kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS. Công tác quản lý giáo dục, phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá kết quả giáo dục có nhiều đổi mới, đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng; nề nếp, kỷ cương trường học được duy trì phù hợp với xu hướng “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được chú trọng và đạt kết quả tốt, đặc biệt chất lượng học sinh đạt thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực ngày càng cao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, đảm bảo cho 80% học sinh tiểu học, 50% học sinh THCS được học 02 buổi/ngày; phấn đấu nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên 65% đối với tiểu học, 55% đối với THCS và trên 35% đối với THPT vào năm 2020; bảo đảm xóa mù chữ bền vững và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường và huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất, kiến nghị Đoàn công tác một số vấn đề như: đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, ưu tiên phân bổ các nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên địa bàn; sớm sửa đổi Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, ngày 10/9/2012 của Bộ GD&ĐT quy định về “tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” theo hướng mở để các cơ sở giáo dục, các địa phương có thể huy động các nguồn xã hội hóa hợp pháp nhằm thực hiện hiệu quả tiêu chí xây dựng trường học trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ cấp sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số chưa được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn thủ tục sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk nhằm tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; thực hiện tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh trong giáo dục phổ thông; đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên; chú trọng đào tạo ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường và yêu cầu thực tế của địa phương…
Theo Daklak.gov.vn