Điều trị thành công bằng kỹ thuật cấy ghép thận cho mười bệnh nhân bị nhiễm vi rút viêm gan C (HCV)
Ngày đăng: 12/05/2017 09:05
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/05/2017 09:05
Trong một báo cáo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học New England, các chuyên gia y tế đến từ Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ cho biết họ đã điều trị thành công bằng kỹ thuật cấy ghép thận cho mười bệnh nhân bị nhiễm vi rút viêm gan C (HCV). Nguồn tạng hiến đến từ những người đã chết và đặc biệt là họ cũng bị nhiễm HCV khi còn sống. Phát hiện này góp phần đem lại những hy vọng mới trong nỗ lực nhằm tăng cường nguồn cung cấp tạng cho hơn 97.000 bệnh nhân vốn đã và đang chờ đợi trong nhiều năm (thường là từ 5 năm trở lên) để được ghép thận.
Trước đó, vào năm 2016, một nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Penn Medicine, trường Đại học Pennsylvania đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng mang tính sáng tạo nhằm nghiên cứu vai trò và ảnh hưởng của kỹ thuật cấy ghép tạng từ những người hiến tặng bị nhiễm HCV đối với cơ thể hai nhóm bệnh nhân: nhóm không nhiễm vi rút và nhóm lựa chọn nhận tạng hiến là những cơ quan nội tạng khác ngoài thận. Những bệnh nhân tham gia thử nghiệm sau đó được điều trị bằng một loại thuốc kháng vi rút. David S. Goldberg - trợ lý giáo sư Y khoa và Dịch tễ học tại Trường Y khoa Perelman đã giới thiệu và trình bày về cơ sở dữ liệu ban đầu của nghiên cứu này tại Hội nghị Kỹ thuật Cấy ghép Hoa Kỳ năm 2017 ở Chicago.
Goldberg cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng, nếu thành công, chúng ta hoàn toàn có khả năng cung cấp một nguồn hiến tạng phủ để đáp ứng nhu cầu ghép thận của hàng trăm bệnh nhân vốn đang mong chờ cơ hội được chữa khỏi bệnh. Thông thường, thận của những người bị viêm gan C thường bị cắt bỏ sau khi họ chết do cơ quan này bị cho là đã hỏng hoặc mang lại nguy cơ cơ thể đào thải thận ghép cao. Nghiên cứu lâm sàng ban đầu của chúng tôi cho thấy một con số đáng kể bệnh nhân đã được điều trị thành công sau phẫu thuật cấy ghép tạng. Nếu các nghiên cứu trong tương lai được thực hiện thành công, phương pháp mới hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn, giải pháp khả thi, đem lại cơ hội được cứu sống cho lượng lớn bệnh nhân đang chờ ghép tạng".
Goldberg - đồng tác giả nghiên cứu với bác sĩ Peter Reese - trợ lý giáo sư về Y học và Dịch tễ học tại Penn đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mạng lưới liên kết chia sẻ nội tạng Hoa Kỳ (UNOS), đã tiếp cận và lên danh sách những bệnh nhân chạy thận nhân tạo vì lý do chức năng thận của họ không còn hoạt động. Những đối tượng có tên trong danh sách này thuộc độ tuổi từ 40 đến 65 và họ đã phải chờ đợi trong ít nhất là một năm rưỡi để được ghép tạng. Một quy trình về giáo dục nhận thức và thỏa thuận bao gồm ba bước được phổ biến và cung cấp cho người bệnh cũng như đại diện gia đình của họ trong trường hợp xảy ra rủi ro. Sau đó, các nhà nghiên cứu tiến hành xét nghiệm xác định genotype HCV nhằm chọn lọc nguồn thận hiến có "chất lượng cao" trước khi bắt đầu quá trình điều trị đặc hiệu.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, cho đến nay đã có 10 bệnh nhân được thực hiện ghép tạng. Trung bình, một bệnh nhân sẽ được ghép tạng sau 58 ngày kể từ khi đăng ký danh sách tham gia thử nghiệm. Có những người chỉ mất 11 ngày chờ đợi trong khi nhiều người phải chờ đợi đến hơn 100 ngày mới được thực hiện cấy ghép thận. Ba ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được yêu cầu thực hiện kiểm tra, xét nghiệm viêm gan C. Kết quả là có 10 trường hợp bệnh nhân được kết luận dương tính với vi rút Hepatitis C. Vì vậy, số bệnh nhân này được các chuyên gia y tế chỉ định điều trị bằng một loại thuốc mới được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận có tên gọi là Zepatier (elbasvir/grazoprevir), hiệu quả trong điều trị nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Báo cáo nghiên cứu cho thấy, sau đợt điều trị bằng thuốc, 10 bệnh nhân trên đã được điều trị thành công.
Reese cho biết: "Các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi C thường biểu hiện muộn hoặc biểu hiện không rõ ràng, khiến cho người bệnh rất khó nhận biết. Có một điều hết sức thú vị là số bệnh nhân tham gia nghiên cứu của chúng tôi đã tự nguyện đăng ký nhận tạng hiến mặc dù họ lường trước được khả năng họ sẽ bị nhiễm viêm gan C vĩnh viễn. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi ý thức được rằng có thể một số hay thậm chí là tất cả số bệnh nhân được thực hiện cấy ghép thận có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C và nếu điều đó xảy ra, suốt quãng đời còn lại của họ sẽ gắn với căn bệnh nguy hiểm này".
Sau những kết quả tích cực ban đầu, nhóm nghiên cứu đã nâng tổng số bệnh nhân được thực hiện cấy ghép thận thành công lên 20 người.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện bước tiếp theo là tiến hành một thử nghiệm lâm sàng trên nhóm bệnh nhân có nhu cầu ghép tim và trong tương lai sẽ là nghiên cứu mức độ hiệu quả của kỹ thuật cấy ghép gan và phổi. Họ cũng lưu ý rằng cần thiết phải thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của biện pháp cấy ghép tạng từ những người có kháng thể HCV dương tính vào cơ thể có kháng thể HCV âm tính và tiếp theo đó là nghiên cứu quá trình điều trị kháng vi rút ở quy mô lớn hơn.
Theo Vista.gov.vn