Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021
Ngày đăng: 27/09/2021 08:52
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/09/2021 08:52
Sáng 25/9, Tổ Công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19) - Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 kết nối đến với nhiều điểm cầu trên cả nước.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (bên trái) - Tổ trưởng Tổ công tác 970 phía Nam của Bộ NN-PTNT chủ trì Hội nghị |
Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; lãnh đạo Sở, ngành và doanh nghiệp tiêu biểu tại điểm cầu toàn tỉnh.
Tại Diễn đàn, các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tổng quan về tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng những sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đang vào vụ thu hoạch như: bơ, sầu riêng, cà phê… và sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận, kết nối tiêu thụ giữa các điểm cầu TP. Hà Nội – tỉnh Lâm Đồng – TP. Hồ Chí Minh – tỉnh Đắk Lắk – tỉnh Đắk Nông và cùng ký kết các biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là sự kiện hết sức quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh Đắk Lắk, của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu Đắk Lắk |
Dưới tác động của Covid-19, tỉnh Đắk được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh/thành trong cả nước, của cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay, vấn đề tiêu thụ bơ, sầu riêng cơ bản được giải quyết. Trong đó, Sầu riêng tiêu thụ khoảng 80% (khoảng 80.000 tấn/103.000 tấn; sản lượng còn lại 20.000 - 23.000 tấn), giá cả có giảm so với năm 2020 nhưng người sản xuất vẫn có lãi. Bơ tiêu thụ khoảng 70.000 tấn/82.000 tấn. Sản lượng bơ còn lại khoảng 10.000 tấn (chủ yếu là bơ Booth và bơ Hass).
Hy vọng rằng, sau Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP Tây Nguyên năm 2021 sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, tập đoàn, hệ thống các siêu thị trên cả nước sẽ kết nối thông tin, nhiều bản thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm lâu dài và bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chúc mừng các đơn vị đã có ký kết hợp tác trong thời gian tới. Thứ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản, đưa các hoạt động đi vào thực chất. Đây là mong muốn của ngành nông nghiệp và các địa phương.
Thứ trưởng Nam yêu cầu các Sở NN-PTNT tiếp tục nắm đầu mối nông sản, và phải “nắm rất rõ” để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp. “Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất”.
Với kỳ vọng đưa Diễn đàn thành ‘chợ trực tuyến’ kết nối nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định luôn hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, địa phương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. “Qua 2 tháng hoạt động, chúng tôi rút ra được rất nhiều bài học. Dù dịch bệnh, khó khăn khi qua trạm kiểm soát, nhưng nếu doanh nghiệp có liên kết sản xuất thì vẫn bao tiêu bình thường cho nông dân ở vùng nguyên liệu”.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Nam cho biết nguồn hàng nông sản rất lớn, song vấn đề về logicstic cần chính quyền vào cuộc với tinh thần “khó đâu gỡ đó”. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng toàn thế giới, Thứ trưởng Nam lưu ý ngành nông nghiệp và các địa phương về việc nhu cầu nông sản của các nước đang tăng, do đó việc đáp ứng nguồn nguyên liệu là “rất quan trọng”.
Đối với thông tin về việc Trung Quốc áp dụng các chính sách mới liên quan đến nhập khẩu nông sản Việt Nam từ 01/01/2022, Thứ trưởng Nam cho biết Bộ NN-PTNT đang triển khai các chương trình hướng dẫn. Bộ cũng sẽ tổ chức các hội nghị trực tuyến để các doanh nghiệp xuất khẩu nắm được.
Ngay trong Diễn đàn được tổ chức vào sáng 25/9, một số doanh nghiệp bao tiêu nông sản đã ký kết hợp tác với các địa phương và đơn vị ở khu vực Tây Nguyên. Điển hình như UBND tỉnh Đăk Lăk và UBND tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác kết nối cung cầu nông sản với hệ thống siêu thị MM Mega Maket; chuỗi cửa hàng Bác Tôm ký kết hợp tác với UBND tỉnh Gia Lai và Hợp tác xã Thành Đạt (Lâm Đồng); Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm, thuỷ sản Đắk Lắk ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam...
Thống kê ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, trong 3 năm qua tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Riêng về cây ăn quả, từ chỗ có khoảng 20.000 ha, đến nay đã có gần 40.000 ha, với sản lượng 220.000 tấn quả tươi, các loại trái cây chủ yếu của Việt nam đều được trồng ở Đắk Lắk. Một số loại có diện tích và sản lượng khá lớn như: Sầu riêng hơn 12.000 ha, sản lượng 103.000 tấn; bơ hơn 9.000 ha, sản lượng hơn 80.000 tấn; xoài 1.000 ha, chuối 2.000 ha và nhãn, vải, dứa,… mỗi loại có diện tích từ 2.000 đến 3.500 ha. Về sản phẩm OCOP, đến nay toàn tỉnh có 35 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 31 sản phẩm 3 sao. |
Theo Daklak.gov.vn