Điểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ Thủ đô
Ngày đăng: 05/01/2016 08:57
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/01/2016 08:57
Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ (trung tâm) của Hà Nội vừa đi vào vận hành, được kỳ vọng sẽ cho ra đời các thiết bị cơ khí, các sản phẩm bo mạch điện tử, điện tử viễn thông, điện tử dân dụng mang nhãn hiệu của Việt Nam. Trung tâm đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với số tiền đầu tư 600 tỷ đồng. Đây được coi là điểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ của Thủ đô.
|
Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ của Hà Nội là khu phức hợp liên thông về khoa học và công nghệ lớn nhất cả nước, từ nghiên cứu, sản xuất và giám định công nghệ. Trung tâm có hệ thống khép kín, gồm xưởng sản xuất, các thiết bị giám định và phân tích công nghệ. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu - chuyển giao và thẩm định trong trung tâm rất đa dạng và được tối ưu hóa, bao gồm: công nghệ cơ khí chế tạo, điện tử - tự động hóa; tiết kiệm năng lượng và môi trường… Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung nghiên cứu và sản xuất vào một số sản phẩm trọng điểm về điện tử viễn thông, điện tử dân dụng, trung tâm sẽ đẩy mạnh liên kết với các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử - tự động hóa và cơ khí trong nước và trên thế giới để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ hiện đại, tăng năng lực sản xuất trong nước như: Hợp tác tiếp nhận công nghệ và gia công sản xuất pin năng lượng mặt trời đối tác là Hàn Quốc, Đức, I-ta-li-a, Đài Loan (Trung Quốc)… Hợp tác với TI, Toshiba, Analog Devices trong việc cung cấp giải pháp và linh kiện điện tử. Ngoài ra, trung tâm tập trung phát triển dịch vụ công nghệ chế tạo khuôn mẫu, đúc và kim loại tấm cung cấp cho nhu cầu sản xuất trong nước và tiến tới xuất khẩu, dịch vụ phát triển công nghiệp phụ trợ; hình thành trung tâm gia công CNC, làm hạt nhân dịch vụ cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp, hỗ trợ tư vấn công nghệ và tính toán tối ưu dây chuyền thiết kế; hình thành trung tâm nghiên cứu, thiết kế chip, trung tâm tính toán và mô phỏng các sản phẩm công nghệ mới theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa các trường, viện với doanh nghiệp; gắn các chương trình nghiên cứu khoa học với phát triển các sản phẩm trọng điểm của Thủ đô.
Với cơ sở vật chất được đầu tư như vậy, ngay trước khi đi vào hoạt động, trung tâm đã chuẩn bị nguồn nhân lực, thu hút, bồi dưỡng đội ngũ tri thức trẻ, trong đó có nhiều sinh viên giỏi, tâm huyết với khoa học thuộc các Trường đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh… giúp cho sự phát triển lâu dài của trung tâm. Hiện nay, trung tâm có 15 cán bộ, kỹ sư chính, khoảng một phần hai trong số đó là thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, còn có 16 cán bộ, kỹ sư theo dạng hợp đồng và cộng tác viên, bao gồm các chuyên gia nước ngoài và các giáo sư thuộc các trường và viện nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực đến nay vẫn chưa đủ đáp ứng cho những hoạt động của trung tâm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao do chính sách thu hút vẫn còn hạn chế. Giám đốc Trung tâm Phạm Văn Hiệp cho biết, để thật sự phát huy tối đa năng lực trong thời gian tới, trung tâm mong muốn Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) quan tâm, bổ sung thêm biên chế cho trung tâm để phù hợp mục đích, quy mô và định hướng phát triển của trung tâm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hy vọng được đầu tư hơn nữa, có những cơ chế đặc thù để có thể mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc tại trung tâm nhằm phát triển các sản phẩm khoa học - công nghệ trọng điểm, mang lại lợi nhuận cao.
Theo Phó Giám đốc khoa học Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông, PGS, TS Lê Văn Doanh, trung tâm cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu để có những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Trung tâm đưa vào hoạt động được kỳ vọng cho ra đời các thiết bị cơ khí, các sản phẩm bo mạch điện tử, điện tử viễn thông, điện tử dân dụng mang nhãn hiệu của Việt Nam, tuy nhiên để “sản phẩm công nghệ Việt Nam không bị thua ngay chính sân nhà” thì Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm công nghệ cao bảo đảm chất lượng do các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nghiên cứu, sản xuất.
Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Việt Thanh đánh giá, KH và CN đã được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trung tâm có dây chuyền công nghệ đầu tư đồng bộ, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội không những của Thủ đô mà còn của Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định, Bộ KH và CN sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để trung tâm hoạt động hiệu quả.
Theo Báo Nhân Dân