Đến năm 2030: Việt Nam cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, Lao và loại trừ Sốt rét
Ngày đăng: 11/05/2023 08:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/05/2023 08:46
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là “Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, Lao và loại trừ Sốt rét”. Công tác phòng, chống HIV/AIDS, Lao và Sốt rét tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Hiện mỗi năm Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. |
Ngày 10/5, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Toàn cầu tổ chức Hội nghị lần thứ 49 của Hội đồng Điều hành Quỹ Toàn cầu tại Hà Nội.
Trong hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay năm 2023 là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: (1) giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; (2) giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và (3) giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn được kiểm soát ở mức dưới 0,3%, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới mức 0,2%, ước tính dự phòng được khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV, cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Nhưng, hiện mỗi năm Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS. Dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ gia tăng ở những nhóm hành vi nguy cơ mới nổi và địa bàn mới. Vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống.
Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống được khoảng 1 triệu người mắc lao. Chương trình chống lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc, 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống Lao.
Nguồn kinh phí từ Quỹ Toàn cầu đã sử dụng tối ưu để tăng cường chất lượng trên tất cả các lĩnh vực từ chẩn đoán, điều trị, cung cấp hệ thống máy GeneXpert trên toàn quốc, hệ thống X-quang di động được cung cấp để thực hiện hoạt động phát hiện chủ động, và đặc biệt là nguồn thuốc điều trị Lao hàng hai để điều trị cho nhóm bệnh nhân Lao kháng thuốc, đều đến từ nguồn kinh phí của Quỹ Toàn cầu.
“Tuy nhiên, dịch lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay mỗi năm vẫn có khoảng 40% số bệnh nhân lao mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ hộ gia đình bệnh nhân lao phải chịu gánh nặng về chi phí thảm họa lên đến 63%,” Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Hết năm 2022, Việt Nam chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp phải tử vong vì sốt rét, với 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Ảnh tư liệu: Phát mùng tẩm hóa chất phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Dịch sốt rét hiện nay đã giảm nhiều với số ca mắc chỉ còn vài trăm ca mỗi năm. Vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 200 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp phải tử vong vì sốt rét, chúng ta đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét.
Đạt được những thành công như vậy một phần nhờ hỗ trợ quý báu của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng chống sốt rét như: cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời.
Để loại trừ sốt rét, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như: mắc sốt rét kháng thuốc và nguy cơ lan tràn sốt rét kháng thuốc còn hiện hữu; sốt rét ngoại lai từ nước ngoài; nguy cơ sốt rét quay trở lại ở các vùng đã loại trừ rất cao nếu không duy trì được bền vững thành quả can thiệp.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, cùng với những nỗ lực của toàn cầu, Việt Nam đang quyết tâm cao tập trung và huy động mọi nguồn lực để duy trì các thành quả, kiểm soát các dịch bệnh đang diễn ra, dự phòng chủ động tích cực các nguy cơ dịch bệnh mới nổi. Vì vậy, Việt Nam rất cần Quỹ Toàn cầu tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam. Sự ủng hộ về kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, các sáng kiến mới, các thực hành tốt từ đó giúp Việt Nam có thể duy trì các thành quả đã đạt được, đồng thời đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc chấm dứt dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Quỹ toàn cầu là một dự án đã đồng hành với ngành y tế Việt Nam 20 năm nay, đã hỗ trợ không những về kinh phí, trang thiết bị mà cả kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Mỗi năm, ngân sách của Quỹ Toàn cầu hỗ trợ cho hơn 100.000 khách hàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV; hơn 200.000 khách hàng được tiếp cận xét nghiệm HIV hàng năm trong đó có hơn 50.000 phạm nhân trong trại giam; cung cấp toàn bộ 100% thuốc điều trị HIV cho trẻ em nhiễm HIV trên toàn quốc, hỗ trợ thuốc điều trị HIV phác đồ bậc 1 và bậc 2 cho khoảng 50.000 bệnh nhân HIV.
Quỹ Toàn cầu là nhà tài trợ duy nhất hỗ trợ thuốc ARV trẻ em toàn quốc, hỗ trợ thuốc ARV phác đồ bậc 1 và bậc 2 cho người lớn nếu BHYT và ngân sách nhà nước không thể chi trả: 32.000 - 50.000 bệnh nhân/năm; hỗ trợ mỗi năm với hơn 135.000 xét nghiệm các loại liên quan đến lao/HIV/sốt rét; Điều trị viêm gan C cho 16.000 bệnh nhân…
Trong đại dịch Covid-19, Quỹ Toàn cầu đã kịp thời chung tay với Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid 19 ngay thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, bao gồm: cung cấp máy móc, thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19, trang bị phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo duy trì các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Khoahocphothong