Đến 2020, VN có 5000 doanh nghiệp KHCN
Ngày đăng: 15/12/2015 09:41
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/12/2015 09:41
Các doanh nghiệp (DN) KHCN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Chỉ với 61 DN trên cả nước, trong năm 2014 đạt doanh thu lên tới 11.369 tỉ đồng, chiếm khoảng 0,29 GDP của cả nước.
Toàn cảnh hội thảo. |
Nhiều vấn đề về phát triển các DN KHCN được thảo luận sôi nổi tại Hội Thảo “Đánh giá hiện trạng, nhu cầu đầu tư cho hoạt động ươm tạo DN KHCN” do Ban quản lý dự án BIPP- Bộ KHCN tổ chức tại TP.HCM sáng 14-12.
Ông Trần Xuân Đích, phó cục trưởng cục phát triển thị trường và DN KHCN, Bộ KHCN cho biết, hiện nay Nhà nước đang hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các DN KHCN, tạo điều kiện thuận lợi hơn để DN tiếp cận với các chính sách ưu đãi.
Các văn bản pháp luật mới đã góp phần tích cực khắc phục các bất cập trong quy định của pháp luật về DN KHCN trước đây như: mở rộng đối tượng có quyền thành lập DN, đơn giản hóa thủ tục đăng ký chứng nhận, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được với các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN và còn nhiều hồ sơ đang trong quá trình xử lý. Số lượng DN KHCN được cấp giấy chứng nhận tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội (30 DN), TP.HCM (23 DN), Thanh Hóa (9 DN), Bình Dương (6 DN), Quảng Ninh (5 DN), Hải Phòng (5 DN).
Đặc biệt, trong các DN KHCN, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch …) chiếm số lượng lớn, sở hữu hoặc sử dụng nhiều tiến bộ khoa học vào kinh doanh có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Ông Trần Xuân Đích, phó Cục trưởng Cục phát triển DN KHCN phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực KHCN gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN trong lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường, DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước với điều kiện còn dễ dàng hơn so với DN KHCN. Vì thế, các DN này chưa chú trọng đến việc đăng ký chứng nhận DN KHCN để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trên thị trường.
Việc thương mại hóa sản phẩm từ thành quả KHCN của DN còn nhiều bất cập. Lý do, việc công nhận sản phẩm mới của DN hiện nay còn gặp khó khăn trong việc xem xét, kiểm định, cấp phép lưu hành.
Đại điện công ty CP công nghệ Việt Séc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Hiện nay, đơn vị chúng tôi đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm đến với thị trường thì bắt buộc phải có quá trình kiểm định của cơ quan chuyên môn. Song, vấn đề kiểm định sản phẩm gặp vướng mắc vì thiếu các quy định, đánh giá khiến sản phẩm mới chậm trễ trong việc đưa ra thị trường. Điều này khiến chúng tôi không thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN khác”.
Mặt khác, nhiều sản phẩm KHCN mới thường khó tiếp cận thị trường do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Các sản phẩm KHCN của các DN KHCN không được ưu tiên trong việc xét thầu, dù đáp ứng được chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài. Yêu cầu kinh nghiệm hoạt động trên thương trường đối với các DN KHCN khó tiếp cận với các dự án đấu thầu trong nước.
“Để phấn đấu mục tiêu đạt 400 DN KHCN trong năm 2016, tiến tới 5000 DN KHCN trong năm 2020, việc quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống chính sách về KHCH. Phải đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các chính sách ưu đãi đối với sự phát triển của các DN. Mỗi địa phương cần đặt mục tiêu phát triển hệ thống DN hằng năm và được lồng ghép vào chiến lược phát triển KHCN của tỉnh, thành phố”, ông Trần Xuân Đích nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Đích, cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi chính sách về DN KHCN của đội ngũ cán bộ. Mỗi năm một lần cần có những buổi đối thoại chính sách với những đối tượng có liên quan trong lĩnh vực ươm tạo và phát triển DN KHCN để điều chỉnh, bổ sung kịp thời và phù hợp.
Theo Khampha.vn