Đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng: 23/08/2021 08:36
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/08/2021 08:36
Sáng 22/8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp cho ý kiến xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì cuộc họp |
Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ngành, UBND thành phố Buôn Ma Thuột.
Tại cuộc họp, Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe UBND tỉnh báo cáo các nội dung gồm: Dự thảo Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Báo cáo tóm tắt đánh giá thực trạng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2010-2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2030, tầm nhìn 2045; Báo cáo đề xuất một số nội dung liên quan đến xây dựng Đề án.
Theo báo cáo kết quả xây dựng dự thảo Đề án của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đề án dự thảo gồm có 6 phần gồm: Cơ sở pháp lý và sự cần thiết xây dựng đề án; Mục tiêu, quan điểm xây dựng đề án; Một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trình Quốc hội với 08 cơ chế, chính sách đặc thù; Dự báo tác động của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; Dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc triển khai thực hiện; Tổ chức thực hiện.
Trong đó, Đề án đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trình Quốc hội ban hành gồm: (1) Nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên mức 60% (2) Trung ương ưu tiên cho Tỉnh vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, xử lý rác, nước thải, y tế… trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (3) Vốn nhà nước tham gia dự án PPP đối với các công trình đường cao tốc kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với các tỉnh trong khu vực (4) Bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho thành phố Buôn Ma Thuột được xác định là đô thị trung tâm vùng (5) Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 50% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (tính cho giai đoạn ổn định ngân sách 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030) để tỉnh Đắk Lắk phân bổ thêm cho Thành phố Buôn Ma Thuột, tạo nguồn lực tăng chi cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn Thành phố (6) Cho phép HĐND tỉnh Đắk Lắk được quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí (7) Đề nghị cho Tỉnh Đắk Lắk được hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý, để tạo nguồn lực đầu tư phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị (8) Áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại dịch vụ tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Đồng chí Lê Văn Nghĩa - Chủ nhiệm Uỷ Ban kiểm tra Tỉnh ủy tham gia ý kiến tại cuộc họp |
Cho ý kiến vào dự thảo Đề án, các đại biểu cơ bản đồng ý với đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma thuột. Tuy nhiên, so với tình hình thực tiễn, các đại biểu đề nghị tổ soạn thảo Đề án cần bổ sung thêm cụm từ “thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”; cơ chế chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột phải gắn với định hướng phát triển của tỉnh, việc xác định đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên phải có thêm tiêu chí đặc thù cho từng ngành lĩnh vực phát triển theo chiều sâu như: công nghệ phần mềm, công nghệ cao, y tế, giáo dục…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng cho rằng, tại Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy có yêu cầu tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Đề án phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Nghị quyết Kế hoạch xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030. Qua nghiên cứu, UBND tỉnh nhận thấy có nhiều nội dung trùng lắp nên chỉ tập trung triển khai Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trình Quốc hội mang tầm chiến lược, lâu dài. Sau khi được Quốc hội thông qua, Ban Cán sự Đảng UBND sẽ chỉ đạo Sở, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Trung – Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự chủ động của Tổ công tác và Tổ giúp việc triển khai Kết luận số 67-KL/TW trong việc chủ trì soạn thảo Đề án và đồng ý với 8 cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Về tên gọi Đề án thống nhất bổ sung cụm từ “Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk” gắn với định vị Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành yêu cầu Tổ công tác tiếp tục hoàn chỉnh để gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét góp ý hoàn thiện trước trình Quốc hội cho ý kiến thông qua. Để đảm bảo Đề án mang tính thuyết phục cao, Tổ soạn thảo phải bám sát hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 410-KL/TU ngày 30/7/2021; Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ.
Về định hướng xây dựng cơ chế, chính sách, yêu cầu tổ soạn thảo cần tính toán xây dựng chính sách Buôn Ma Thuột phải tương đồng với tỉnh, thành khác trong cả nước. Bên cạnh việc tương đồng tiêu chí, phải gắn với tiềm năng lợi thế Buôn Ma Thuột hiện có, làm sao để phát huy lợi thế riêng đó. Đồng thời Đề án cần có cơ chế chính sách tài chính, đất đai, quy hoạch, những dự án, công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư giai đoạn 2030-2045, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh.
Theo Daklak.gov.vn