Để thông tin dự báo khí tượng thủy văn không ‘vô giá trị’
Ngày đăng: 28/02/2018 14:09
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/02/2018 14:09
Mưa bão, lũ lụt, hạn hán - những hiện tượng thời tiết cực đoan khó lường - xuất hiện ngày càng nhiều với cấp độ ngày càng lớn trên toàn thế giới. Vì vậy, ứng phó và chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các cơn bão là điều cần thiết với mọi quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một hội thảo quốc tế liên quan đến những vấn đề dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được các chuyên gia bàn luận, tìm giải pháp để có thể “chung sống hòa bình bền vững với tự nhiên”, nâng cao khả năng giảm thiểu các mối nguy, rủi ro của thảm họa liên quan đến bão.
Hội thảo do Trung tâm KTTV quốc gia Việt Nam và Ủy ban Bão quốc tế tổ chức trong các ngày từ 26/2-3/3 nhân dịp 50 năm thành lập Ủy ban Bão quốc tế (1968-2018).
Theo Trung tâm KTTV quốc gia, tham luận của 14 nước thành viên Ủy ban Bão quốc tế cập nhật những vấn đề: Phát triển công nghệ dự báo tiên tiến trong việc dự báo, phân tích và quan trắc xoáy thuận nhiệt đới; dự báo dựa trên tác động, cảnh báo rủi ro do bão mạnh và mưa lớn; mô phỏng độ phân giải cao và quan trắc máy bay các cơn bão để phòng chống thiên tai trong tương lai; công tác quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan; đánh giá sai số dự báo bão của các mô hình toàn cầu và khu vực trên Biển Đông...
Trả lời báo chí về nội dung liên quan, trong đó có công tác dự báo bão ở nước ta, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia Trần Hồng Thái cho hay công tác dự báo KTTV nói chung, dự báo bão, cường độ bão nói riêng vẫn là bài toán khó không chỉ tại Việt Nam mà còn ở ngay cả các nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Do vậy, thời gian tới tập trung vào công tác dự báo bão, đặc biệt là nâng cao chất lượng dự báo cường độ bão là yêu cầu cấp bách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền bởi thực tế, khi dự báo dù "hoàn hảo" nhưng thông tin không đến được với người dân thì công tác dự báo là "vô giá trị".
Trong những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia cùng Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão quốc tế và giữ vai trò lớn trong việc học hỏi kinh nghiệm đến trao đổi thông tin, dữ liệu nhằm đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương để có hỗ trợ về tài chính, công nghệ nhằm phục vụ công tác dự báo tốt hơn.
Về công nghệ dự báo của Việt Nam, ông Trần Hồng Thái cho biết chúng ta đã tiếp cận được nhiều công nghệ rất mới, những mô hình số kết hợp với các kỹ thuật viễn thám, vệ tinh, rada và đã tạo được chuỗi số liệu rất tốt. Nhưng một trong những khó khăn trong công tác dự báo của Việt Nam là hệ thống mạng lưới quan trắc rất thưa so với khu vực và công nghệ còn cũ. Tỉ lệ những trạm khí tượng, trạm đo mưa, trạm quan trắc về mực nước tự động còn rất ít đã khiến việc tiếp nhận số liệu không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời nên công tác dự báo còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để công tác dự báo kịp thời, đồng bộ, trong kế hoạch phát triển ngành KTTV, phương án từng bước nâng cao năng lực, nguồn lực, nhất là cán bộ trình độ cao, đã được chuẩn bị. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh việc trao đổi thông tin với các nước và cử cán bộ đi đào tạo để trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ làm chủ công nghệ nhằm đáp ứng được yêu cầu công tác dự báo.
Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, đẩy mạnh hợp tác song phương trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Phần Lan... để tiếp thu công nghệ mới.
Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Hàn Quốc trong việc xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và dự báo KTTV khu vực Đông Bắc. Việt Nam cũng đang được Nhật Bản, Phần Lan hỗ trợ xây dựng hệ thống rada mới nhất và sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2020...
Ủy ban Bão quốc tế thành lập năm 1968 dưới sự đồng bảo trợ của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). Ủy ban gồm 14 thành viên: Campuchia, Trung Quốc, Triều Tiên, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Nhật Bản, Lào, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam. |
Theo Chinhphu.vn