Đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra" nghiệm thu đạt loại xuất sắc
Ngày đăng: 02/04/2015 08:51
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/04/2015 08:51
Ngày 30 tháng 3 năm 2015, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu đánh giá đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra” do TS. Nguyễn Đình Liêm làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc là cơ quan thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đánh giá đạt loại xuất sắc.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu |
Đề tài tập trung nghiên cứu nhằm đánh giá để làm rõ những mặt được, chưa được về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian qua. Rút ra những vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt trong phát triển bền vững do đầu tư trực tiếp của Trung Quốc mang lại. Qua đó, dự báo về tình hình đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong thời gian tới, đề xuất các giải pháp và kiến nghị.
Nội dung nghiên cứu được trình bày trong 3 chương. Chương 1: Chuyển hướng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc và chính sách đầu tư vào Việt Nam. Tác giả tập trung nghiên cứu quá trình chuyển hướng chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thông qua đó làm rõ mục tiêu, động cơ “đi ra ngoài” mà Trung Quốc đang hướng tới, đặc biệt chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam; tìm hiểu sự phát triển của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển và nhu cầu cần thiết đầu tư ra nước ngoài; chiến lược tổng thể, chính sách cụ thể đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc; các nhân tố tác động thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài; quá trình triển khai đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc; nhận xét tổng quát về đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc; chính sách đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam.
Chương 2 - Đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam - tập trung đánh giá thực trạng đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam trên một số khía cạnh như quy mô vốn, số lượng dự án trên địa bàn, cơ cấu các lĩnh vực đầu tư, công nghệ, nhân công lao động, tiêu chí môi trường, tài nguyên, thể chế quản lý… phân tích những mặt được và chưa được, làm rõ nguyên nhân; nêu rõ chính sách thu hút đầu tư và bức tranh tổng quát về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam; đánh giá về đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam.
Chương 3 - Tác động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam, dự báo tình tình, giải pháp và kiến nghị - nêu lên tác động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam; qua đó dự báo tình hình đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam và các giải pháp ứng phó đối với đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam; nêu lên một số kiến nghị.
Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn, phát hiện những vấn đề mới, tạo ra hệ thống dữ liệu mới có giá trị khoa học và thực tiễn, đóng góp mới vào việc phát triển lý thuyết, lý luận, phương pháp nghiên cứu hiện có; cung cấp một cách có hệ thống thông tin chung về đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài với tư cách là một xu hướng khách quan, chịu tác động bởi các nhân tố thúc đẩy mang tính tất yếu do cả bối cảnh bên ngoài và bên trong quyết định.
Theo vass.gov.vn