Đẩy mạnh hợp tác KH&CN Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức
Ngày đăng: 17/02/2017 14:19
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/02/2017 14:19
Chiều 16/2, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã tiếp xã giao Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức Christian Berger, đại diện Bộ Môi trường Liên bang tại Đại sứ quán.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp Đại sứ CHLB Đức Christian Berger |
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cảm ơn Đại sứ Christian Berger đã dành thời gian làm việc với Bộ KH&CN. Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chào mừng Ngài Đại sứ Christian Berger sang công tác tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ của mình, ngài Đại sứ sẽ có nhiều đóng góp thiết thực để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp hơn, trong đó có sự hỗ trợ và vun đắp cho hoạt động KH&CN giữa hai Bên ngày một phát triển.
Nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước đã là truyền thống hữu nghị, đặc biệt kể từ Tuyên bố chung Hà Nội năm 2011 hai nước đã thực sự là đối tác chiến lược. Riêng về hợp tác KH&CN đã mở ra một trang mới đánh dấu bằng cơ sở pháp lý vững chắc đó là Hiệp định Hợp tác về KH&CN giữa hai nước đã ký năm 2015, phê chuẩn vào tháng 2/2017 mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh vui mừng nhận thấy, trong những năm qua tình hình hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Trước năm 1995 quan hệ hợp tác về kH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức được thể hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD),… Các cơ quan này đã có đóng góp rất lớn trong việc tiếp nhận các thực tập sinh và sinh viên đang nghiên cứu và học tập ở CHLB Đức.
Năm 1996 được coi là khởi đầu của hợp tác KH&CN giữa hai nước qua chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo CHLB Đức với 30 cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam. Sau chuyến thăm, có nhiều đề xuất hợp tác KH&CN giữa hai nước đã được đề xuất với Bộ KH&CN cũng như Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF).
Tháng 3/1997, Nghị định thư hợp tác đầu tiên giữa hai Bộ được ký kết. Từ đó đến nay, nhiều thỏa thuận quan trọng được hai Bên thông qua, đặt nền tảng pháp lý cũng như tạo ra môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học của hai nước được đẩy mạnh quan hệ hợp tác. Kể từ năm 2006, hai Bên đã có những trao đổi cụ thể như 5 lần họp Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước đã trao đổi nhiều công việc cụ thể và tích cực…
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã gửi tới Đại sứ Christian Berger lời cảm ơn và tri ân sâu sắc về hợp tác KH&CN giữa CHLB Đức và Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Đặc biêt, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, các chương trình hợp tác gần đây đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết giữa hai Bên nên đã đóng góp hiệu quả và thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, trong suốt chặng đường vừa qua, hai Bên đã thực hiện được 4 lĩnh vực hợp tác hiệu quả và thiết thực gồm: quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; công nghệ sinh học; hợp tác nghiên cứu đổi mới công nghệ; y tế và phát triển đô thị bền vững.
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được mở rộng sang lĩnh vực bảo vệ khí hậu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các đề tài, dự án có ý nghĩa kinh tế xã hội lớn và có tiềm năng áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, góp phần giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách đối với Việt Nam như giảm ùn tắc giao thông đô thị, cung cấp nước sạch cho vùng cao, tiếp thu công nghệ xử lý môi trường nước, công nghệ khai thác mỏ, ứng phó với nạn hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ mực nước ngầm, công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm nước, ...
Về hợp tác nghiên cứu trong đổi mới công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đánh giá cao sự hợp tác với Bộ Kinh tế Năng lượng của CHLB Đức trong việc đưa các công nghệ hiện đại, sẵn có của CHLB Đức nhằm đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam rất thiết thực. Chương trình hợp tác này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như từ các địa phương của Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế và phát triển đô thị bền vững, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng đây là những chương trình thiết thực đối với Việt Nam. Hiện Bộ KH&CN đã nhận được hơn 30 đề xuất nhiệm vụ. Hiện, phía Đức đang tiến hành các thủ tục đánh giá các đề xuất…
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Hiệp định về hợp tác KH&CN đã được phê chuẩn, để triển khai Hiệp định, hai Bên sẽ cần phải trao đổi để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Hai Bên sẽ sớm phối hợp để thúc đẩy kế hoạch này trên tinh thần kế thừa những lĩnh vực có lợi thế và tính cấp thiết đối với cả hai Bên.
Bộ trưởng mong muốn Đại sứ Christian Berger luôn hỗ trợ, quan tâm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là đối với các lĩnh vực mà hai Bên đã thành công. Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới dù ở trình độ rất khác nhau đều nhận thấy xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, Hai Bên sẽ tiếp tục bàn bạc và đưa vào cụ thể hóa trong chương trình hợp tác.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Christian Berger trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã dành thời gian tiếp. Đại sứ cho biết, sau 20 năm chính thức ký kết Nghị định thư, hợp tác về kH&CN giữa hai nước đã có cơ sở pháp lý vững chắc là Hiệp định hợp tác về KH&CN. Nội dung hợp tác đã được mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Các hoạt động hợp tác trong 20 năm qua đã đi vào chiều sâu, hướng tới tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp thiết của Việt Nam. Các đề tài, dự án ngày càng được hai Bộ tài trợ với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu, nhiều trường đại học và các doanh nghiệp hai nước.
Đại sứ Christian Berger cũng đã trình bày với Bộ trưởng một số nội dung cụ thể trong hợp tác giữa hai Bên. Đại sứ Christian Berger khẳng định, trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam, sẽ nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ CHLB Đức và Việt Nam, đặc biệt hai Bên sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác KH&CN ngày một phát triển.
Theo Truyenthongkhoahoc