Đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất VietGAP gắn với tiêu thụ nông sản
Ngày đăng: 25/05/2021 08:11
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/05/2021 08:11
Trước sự lựa chọn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng thì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) theo hướng liên kết chuỗi giá trị là hướng đi bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Mô hình trồng cây ăn trái theo quy trình VietGAP ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Trên thực tế, xu hướng này của người tiêu dùng đã được rất nhiều đơn vị sản xuất tại Đắk Lắk nắm bắt thông qua việc thay đổi quy trình sản xuất để làm ra những mặt hàng chất lượng, an toàn. Các đơn vị sản xuất, kênh phân phối thường xuyên áp dụng, kiểm tra nghiêm ngặt những tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Song song với đó, để thúc đẩy chuỗi liên kết VietGAP, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, thời gian qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc áp dụng VietGAP cho các địa phương, doanh nghiệp, nông dân. Đồng thời, tập huấn, hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu; xây dựng các mô hình điểm VietGAP gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp.
Trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã xây dựng thành công 4 mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, các mô hình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại những hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt là giúp nông dân nắm bắt được quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao ý thức của người dân trong việc tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.
HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana là một trong những đơn vị sản xuất nấm quy mô lớn, hiện có 26 thành viên tham gia liên kết trồng nấm. Với quy mô 0,35 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hằng năm HTX cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 9 tấn nấm các loại (bào ngư, sò, linh chi, đầu khỉ, vân chi…). Bà Dương Thị Thảo Hiền, Phó Giám đốc HTX cho biết, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng về những thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn. Nắm bắt được điều này, HTX đã tiên phong áp dụng quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào đến các bước sản xuất và tích cực chia sẻ với các thành viên tham gia liên kết. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX được cấp Chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và được xem là "tấm giấy thông hành" cần thiết để cơ sở tiếp cận được những đơn vị thu mua đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn… Điều này cũng giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm và cải thiện thu nhập.
Việc xây dựng các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định và tăng hiệu quả kinh tế. |
Riêng đối với sản phẩm trái cây, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết sản xuất đạt chứng nhận VietGAP như: sầu riêng, bơ, vải, nhãn, dưa lưới, cây có múi… Đồng thời, gắn mã truy xuất nguồn gốc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định tại các tổ hợp tác, HTX, hộ liên kết trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Bá Thiện, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Cư M’gar), đơn vị được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ xây dựng mô hình VietGAP trên diện tích 15 ha cây ăn trái các loại, các thành viên HTX đều tuân thủ theo quy trình sản xuất. Nhờ vậy, trái cây trong chuỗi liên kết sản xuất VietGap của HTX không bị ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch bệnh COVID-19, vẫn tiêu thụ ổn định và mở ra triển vọng lớn trong việc xây dựng thương hiệu cho trái cây địa phương.
Để thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai áp dụng quy trình VietGAP trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mỗi năm triển khai thực hiện tối thiểu 45 mô hình VietGAP, ưu tiên đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến hết giai đoạn, sẽ thực hiện tối thiểu được 225 mô hình VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh; 100% cơ sở được hỗ trợ kinh phí khi áp dụng VietGAP; 100% sản phẩm có chứng nhận VietGAP có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Để các mục tiêu đạt hiệu quả tốt nhất, nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2025 là ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung vào việc đào tạo, tập huấn kỹ thuật về quy trình VietGAP, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan, nhất là người sản xuất, kinh doanh; xây dựng, kiện toàn tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp thực hiện quy trình VietGAP ở các vùng được quy hoạch. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp, các chi phí liên quan cho các mô hình; xây dựng các kênh phân phối, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm VietGAP…
Theo Báo Đắk Lắk