Dây chuyền sản xuất pin mặt trời bằng quy trình in phun
Ngày đăng: 25/05/2021 08:29
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/05/2021 08:29
Ba Lan hôm 21/5 đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất pin mặt trời tiên tiến đầu tiên trên thế giới dựa trên công nghệ perovskite đột phá.
Máy in tế bào quang điện perovskite của Saule Technologies. |
Được đặt theo tên của nữ thần mặt trời vùng Baltic, công ty Saule Technologies của Ba Lan đang tạo ra một cuộc cách mạng trong việc tiếp cận và khai thác quang năng, khi ra mắt dây chuyền sản xuất pin mặt trời perovskite đầu tiên trên thế giới sử dụng quy trình in phun do nhà sáng lập Olga Malinkiewicz phát minh.
Tế bào quang điện phủ perovskite là một trong những công nghệ pin mặt trời tiên tiến nhất hiện nay với ưu điểm mỏng, nhẹ, dễ dàng cố định vào hầu hết bề mặt và cho hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao. Công nghệ in phun đột phá của Saule Technologies cho phép tạo ra pin perovskite ở nhiệt độ thấp, qua đó giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Malinkiewicz đã phát triển phương pháp xử lý perovskite từ năm 2013 khi còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Valencia ở Tây Ban Nha. Năm 2014, cô trình bày quy trình in phun của mình trong một cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu (MRS) ở Boston, Mỹ và xuất sắc giành giải thưởng Người đổi mới dưới 35 tuổi của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
"Chúng tôi đã mở rộng quy mô từ phòng thí nghiệm đến dây chuyền sản xuất và giờ đây ra mắt nhà máy pin mặt trời perovskite tiên tiến đầu tiên trên thế giới", Malinkiewicz nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Nhà máy có trụ sở tại thành phố Wroclaw, miền nam Ba Lan, ước tính có thể sản xuất 40.000 m2 pin mặt trời perovskite mỗi năm. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Những đơn hàng thương mại đầu tiên của công ty chủ yếu đến từ các lĩnh vực xây dựng và Internet Vạn vật (IoT).
Công nghệ của Saule Technologies bao gồm việc in nhiều lớp tế bào quang điện perovskite lên tấm nhựa trong suốt. Các tấm này có kích thước đa dạng từ rất nhỏ đến lớn, và có thể được cắt thành nhiều mảnh hoặc dán lại với nhau để che phủ các diện tích bề mặt theo yêu cầu.
Malinkiewicz cho biết thêm, các module pin mặt trời được thử nghiệm trong thí nghiệm mô phỏng đã cho hiệu quả chuyển đổi năng lượng "xuất sắc". Một tấm pin perovskite mềm dẻo có kích thước bằng tờ giấy A3 có thể tạo ra đủ điện để sạc điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
Ba Lan từ lâu đã phụ thuộc vào than cho hầu hết các nhu cầu năng lượng nhưng theo kế hoạch cắt giảm khí thải của Liên minh châu Âu (EU), các mỏ than của nước này sẽ phải đóng cửa vào năm 2049. Việc ra mắt nhà máy pin mặt trời tiên tiến mới vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo Vnexpress