Đào tạo thế hệ vàng hạt nhân cho quốc gia
Ngày đăng: 26/02/2016 09:11
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/02/2016 09:11
Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là ba trường được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định giao nhiệm vụ thực hiện đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.
Từ khi nhận nhiệm vụ vào năm 2014 đến nay, Trường Đại học Đà Lạt đầu tư sâu ngành kỹ thuật hạt nhân và đột phá bằng hợp tác với các trường, viện của Hàn Quốc. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, Hàn Quốc là quốc gia làm chủ công nghệ điện hạt nhân với độ an toàn cao nhất thế giới ở cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Hàn Quốc đã cung cấp giảng viên, giáo trình và một số thiết bị đào tạo cho trường.
Đặc biệt Trường ĐH Đà Lạt đã tiếp nhận thiết bị OPR 1000 Core Simulator - mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba do các trường, viện của Hàn Quốc tài trợ. Thiết bị Simulator cùng với lò phản ứng hạt nhân của Viện nghiên cứu Hạt nhân, Trường ĐH Đà Lạt hội tụ cao các điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hạt nhân ở VN.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa khẳng định, sở hữu các thiết bị hạt nhân tốt nhất, cần thiết nhất hiện nay và kế hoạch sắp tới, Trường ĐH Đà Lạt có thể đào tạo một thế hệ vàng hạt nhân, đáp ứng được nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS Jong Kyung Kim, Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc KAERI nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình phát triển hạt nhân, bao gồm thiết lập chính sách đến các quy tắc an toàn vận hành nhà máy điện hạt nhân. GS Jong Kyung Kim đưa ra thông tin, bất chấp tai nạn hạt nhân Fukushima, nhu cầu điện hạt nhân vẫn tiếp tục phát triển trên phạm vi toàn cầu. Theo xu hướng này, chương trình đào tạo nguồn nhân lực bao gồm sự tham gia của nhiều thành phần: Chính phủ, cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp để đảm bảo chương trình giáo dục quốc gia, ở cả cấp độ chuyên nghiệp và kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp hạt nhân.
GS Kim cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa quan trọng cho chương trình hạt nhân ở bất kỳ quốc gia nào. Vấn đề đặt ra là làm sao, làm thế nào để có được nguồn nhân lực ban đầu và từng bước phát triển nguồn nhân lực này một cách bền vững. Hàn Quốc sở hữu các trang thiết bị chuyên nghiệp, có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu tích lũy hơn 40 năm vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân, cam kết hỗ trợ VN xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ nền công nghiệp hạt nhân.
Hội thảo diễn ra từ 22 - 24.2.2016 tại Trường ĐH Đà Lạt, với sự tham gia của các đại diện lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - VINATOM; các chuyên gia và các nhà khoa học đến từ: Hàn Quốc, Đại học Hanyang, Viện Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc - KAERI, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc về Hạt Nhân, Viện khoa học và công nghệ quốc gia Ulsan, tập đoàn điện lực Hàn Quốc, Viện KINGS, Viện an toàn nguyên tử Hàn Quốc KINS Cục quản lý chất thải phóng xạ Hàn Quốc; Thái Lan, Đại học Chulalongkorn; Malaixia, Đại học Kebangsaan; Việt Nam có sự tham gia của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, một số viện khoa học, trường đại học của Việt Nam, các tổ chức khoa học công nghệ trong cả nước.
Hội thảo đã tập trung thảo luận 4 vấn đề:
- Tổng quan về chương trình điện hạt nhân của Hàn Quốc và Việt Nam
- Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân
- Xây dựng tiền đề cho năng lượng hạt nhân
- Bàn về chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân.
Theo Laodong.com.vn