Dấm gỗ, nguồn nguyên liệu sinh học quý!
Ngày đăng: 30/08/2017 08:28
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/08/2017 08:28
Phun dấm gỗ trên vườn rau, vườn cây ăn quả ... có tác dụng phòng trừ một số loài côn trùng gây hại, thúc đẩy và kiểm soát sự sinh trưởng của cây trồng, làm tăng số lượng quả, mẫu mã quả đẹp hơn. Dấm gỗ kích thích tính ăn của vật nuôi, tác động vào tiêu hóa, cải thiện môi trường của chất thải và tham gia cải tạo đất (ảnh).
Dấm gỗ là sản phẩm phụ của quá trình làm than sinh học
Ở nông thôn dùng bếp củi, ai cũng có thể vô tình bắt gặp hiện tượng hơi nóng cùng bọt màu cánh gián xì ra ở đầu còn lại của khúc củi tre hay củi cành cây đang cháy dở. Dễ thấy nhất là khi tre, củi còn tươi. Thứ bọt xì ra từ khúc củi, tre... khi được gia nhiệt (đốt cháy) được các nhà khoa học Nhật Bản, Thái Lan gọi là hỗn hợp dấm gỗ.
Để thu hoạch dấm gỗ cần có thiết bị kết nối với lò gia nhiệt gỗ trong điều kiện yếm khí, thu hồi khói và hơi nước, sau đó, hóa lỏng.
Sự kết hợp giữa hầm than sinh học (nano biochat hay biochat) với tận thu dấm gỗ là hợp lý bởi khối lượng củi, trấu hoặc các nguyên liệu khác tham gia hóa nhiệt nhiều, khối lượng khói lớn suy ra khối lượng dấm gỗ lớn. Theo giải pháp sản xuất biochat, bất cứ phụ phẩm nông nghiệp nào cũng có thể làm ra than sinh học và dấm gỗ, mỗi loại nguyên liệu thu được khối lượng dấm ít nhiều mà thôi. Nếu không thu hồi từ các lò làm than sinh học khói sẽ được thải vào không trung vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.
Cấu trúc lò hầm than sinh học khá đơn giản. Tùy điều kiện nguyên liệu mà thiết kế lò ủ than sinh học tận thu dấm gỗ sao cho phù hợp, từ kích cỡ nhỏ nhất đến rất lớn. Với hộ gia đình, nguyên liệu là rơm, rạ, các loài thảo mộc, cành củi nhỏ trộn lẫn (dễ cháy âm) lò đốt có thể là một chiếc thùng tol hình trụ hay thùng puy cũ, có cửa mồi lửa ở đáy (mồi xong đóng nắp lại), có nắp hình nón và trên nắp có đường ống dẫn khói qua hồ (hay nồi) nước lạnh, trong đó có gắn “đĩa hình mai rùa” thu dấm gỗ như cách thu rượu của lò rượu. Dạng lò nhỏ di động này còn có thể um lá cây, rơm rạ, thân cây bắp, khoai mì trong môi trường yếm khí ngoài đồng ruộng để lấy “tro tươi” làm phân bón than sinh học và tận thu dấm gỗ.
Với nguyên liệu là củi cây, củi cành, trấu khối lượng lớn, lò/hầm than sinh học sẽ có quy mô lớn. Dạng hình của các lò than sinh học tận thu dấm gỗ có thể khác nhau sao cho phù hợp với dạng nguyên liệu đốt và điều kiện tài chính cho phép thiết kế, xây dựng lò. Mẫu lò sấy hạt điều, sấy cà phê (có thể tận dụng lò cũ) chỉ cần gia cố sàn chứa cây, củi, trấu, tầng chứa chất mồi lửa, ống thu khói và hệ thống thủy phân khói lấy dấm gỗ là có thể vận hành. Đối với các lò hầm than đước, củi nhãn, chôm chôm thường có khối lượng than, khói thải lớn. Sau khi đắp kỹ sình/ bùn để khói không thoát ra lung tung, nối ống thu khói và hệ thống thủy phân khói để lấy dấm gỗ.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (TARRC) giải thích: Trong quá trình hầm than, củi, cành gỗ còn tươi cháy yếm khí (um) trong lò sẽ không có lửa, khói bốc lên mang theo hỗn hợp hơi thoát ra. Bằng cách hạ nhiệt có thể tách hợp chất nước và dấm gỗ ra khỏi khói thải, chúng ta thu được hỗn hợp của dấm gỗ. Sau một thời gian lắng đọng, một phần hỗn hợp gồm dầu, hắc ín ở trên cùng, chất cặn bã ở đáy được tách ra, còn phần giữa là cốt dấm gỗ, sau khi pha loãng theo những nồng độ nhất định sẽ cho dấm gỗ phòng trừ sâu bệnh hay phân bón qua lá...
Công dụng của dấm gỗ chưa được ứng dụng
Vài năm gần đây dấm gỗ vào nước ta bằng con đường thông tin khoa học, việc ứng dụng chỉ ở bước khởi động những thí nghiệm nhỏ. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa: “Dấm gỗ có rất nhiều công dụng. Chưa đưa dấm gỗ vào sản xuất là một sự lãng phí lớn tài nguyên thiên nhiên”. TS Nghĩa cho biết: “Dấm gỗ (wood vinegar) đã được nhiều công trình nghiên cứu khoa học của các nước ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua việc sử dụng pyroligneous a xít như: bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng, bảo quản lương thực thực phẩm, kích thích tiêu hóa cho vật nuôi, làm sạch môi trường có mùi hôi, rác thải. Thái Lan là nước sử dụng dấm gỗ khá sớm, nhiều nông dân đã biết tự sản xuất và sử dụng dấm gỗ. Trên thế giới nhiều người tin rằng dùng dấm gỗ trong sản xuất nông sản sạch thuyết phục được người tiêu dùng.
Th.S Vũ Thị Quyền cũng đến từ TARRC dẫn thông tin từ nguồn ngoài nước cho rằng dấm gỗ là sản phẩm được tạo thành từ nhiều khoáng chất, hợp chất và a xít với hơn 200 hoạt chất khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là a xít axetic (3-7%), tổng thành phần chất hữu cơ 50-70%, 5% phenol, các loại dấm, rượu hữu cơ khác. Những ảnh hưởng tốt của dấm gỗ trong ứng dụng nông nghiệp bao gồm: “Giúp tăng sức sống và cải thiện chất lượng cây trồng, giúp kiểm soát côn trùng độc hại và một số loại bệnh trên cây trồng, làm ức chế cỏ dại và giảm các bệnh ở đất, giúp hệ rễ cây phát triển mạnh hơn, ủ phân chuồng với dấm gỗ làm giảm mùi và giúp ủ phân mau hoai”. Các thử nghiệm về trồng trọt đang trong thời gian thực hiện những thí nghiệm nhỏ và ban đầu nhưng nhiều đối tượng cây trồng đã có biểu hiện rõ rệt về khả năng phòng trừ nấm khuẩn như đốm nâu (thanh long), nấm muội đen và rầy (mãng cầu), ổi, cam, chanh, bưởi, bệnh sương mai và rầy xanh (bầu bí, mướp, dưa lê. Ở mức pha loãng dấm gỗ 1/70 thích hợp phòng, trị bệnh tối rễ lan hồ điệp.
Hiện Công ty Biffa (ở Bình Định) đơn vị sản xuất than củi đồng thời sản xuất dấm gỗ thông qua một đề tài nghiên cứu nhưng chưa được nghiệm thu. Thông qua Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh) sau báo cáo Xu hướng công nghệ, công ty kính mời các đơn vị, cá nhân dùng thử sản phẩm dấm gỗ vào nông nghiệp, sau đó cho ý kiến để công ty hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, trước khi hoàn tất báo cáo cuối cùng.
Theo Khoahocphothong