Đảm bảo cao nhất cho an toàn nhà máy điện hạt nhân
Ngày đăng: 03/08/2015 08:32
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/08/2015 08:32
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân: An toàn là nguyên tắc số 1 |
Vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay đối với nhà máy điện hạt nhân là an toàn, đặc biệt từ khi xuất hiện một số sự cố hạt nhân điện hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản. Chính vì vậy, việc vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu là phải đảm bảo cho mỗi cá nhân, môi trường và toàn xã hội không bị nguy cơ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân bằng cách thiết lập và duy trì các biện pháp hữu hiệu nhất. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Văn Hồng - Chuyên gia cao cấp về năng lượng nguyên tử.
Thưa TS. Lê Văn Hồng, có thể coi ông là đại diện cho giới chuyên môn để cùng thảo luận về vấn đề phát triển điện hạt nhân của đất nước. Vậy, đặt mình vào vai trò này, ý kiến của ông về yêu cầu phát triển điện hạt nhân cho Việt Nam như thế nào?
Tiến sỹ Lê Văn Hồng: Thực ra đối với điện hạt nhân, an toàn là yêu cầu số một, Nghị quyết số 41 /2009/NQ - QH12 của Quốc hội đã nêu rất rõ, phải đảm bảo yếu tố về công nghệ phải hiện đại, tiên tiến, phải đảm bảo kinh tế và an toàn ở mức cao nhất. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã biên soan và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị. Yêu cầu an toàn hạt nhân đối với tất cả các nước là như nhau, đặt biệt đối với Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển thì vấn đề an toàn lại được đặt ra một cách nghiêm ngặt.
Sau sự cố Fukushima, Nhật Bản vì hậu quả nặng nề của nó và tầm quan trọng của an toàn nên cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã yêu cầu tất cả các nước phải làm thử nghiệm cho tất cả các nhà máy điện hạt nhân đang vận hành xem nó có an toàn hay không, đồng thời với những nước đang chuẩn bị làm điện hạt nhân cũng phải làm thử nghiệm xem quá trình chuẩn bị của mình đã chuẩn mực chưa, đúng chưa và cần thiết phải có điều hình. Ở Việt Nam sau khi xem xét toàn bộ quá trình chuẩn bị, nếu như với tiến độ ban đầu đề ra chưa hẳn phù hợp, nên phải có điều chỉnh lại cho phù hợp hơn với quy định với những khả năng chuẩn bị của mình.
Ý kiến của ông về việc điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân hiện nay?
Tiến sỹ Lê Văn Hồng: Điều chỉnh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tôi nghĩ sẽ không ảnh hưởng gì đến phát triển điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai. Bởi hiện nay, theo quy hoạch phát triển điện hạt nhân của đất nước, khi nhà nước có kế hoạch điều chỉnh tiến độ đó thì đã có kế hoạch xây dựng nhà máy mới bù vào thiếu hụt ban đầu như dự kiến. Việc điều chỉnh như vậy để đảm bảo cho dự án điện hạt nhân nó thực hiện từng bước. Thứ nhất là đúng với quy chuẩn, quy định của quốc tế cũng như là văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam. Thứ hai, để mình thấy rằng là từng bước mình làm rất là chắc chắn, cẩn thận, vì yêu cầu về an toàn là phải đặt lên hàng đầu.
Với góc nhìn của một chuyên gia, chúng ta cần chuẩn bị các nguồn lực và điều kiện như thế nào để có thể vận hành một nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai?
Tiến sỹ Lê Văn Hồng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tôi nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay là đào tạo đội ngũ chuyên gia, vì đội ngũ nhân lực giống như là tam giác. Đỉnh là những tinh hoa chuyên gia, đáy là những cán bộ thông thường, hoặc cán bộ tốt nghiệp đại học, hoặc những cán bộ tham gia vào các công việc khác.
Nhưng đội ngũ chuyên gia lại là tinh hoa, quan trọng nhất. Nếu như chúng ta không chuẩn bị được đội ngũ này thì tất cả các đội ngũ khác sẽ lúng túng trong công việc và làm việc không hiệu quả.Trong đề án đào tạo, tôi cho rằng đề án đào tạo đội ngũ chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang được giao chủ trì là một trong những đề án rất quan trọng và có vai trò quan trọng then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay Bộ KH&CN đang chuẩn bị đã trình Thủ tướng xem xét. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng đó, cho nên cũng đã tuyển chọn một số cán bộ trẻ gửi đi đào tạo ở các phòng thí nghiệm của các nước tiên tiến hiện đại. Chúng tôi hi vọng rằng các cán bộ trẻ đó, sau 5-10 năm làm việc ở những phòng thí nghiệm tiên tiến thì họ sẽ trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực và khi trở về người ta có thể nắm vững một mảng công việc và dẫn đắt đội ngũ còn lại cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ông suy nghĩ như nào về tương lai của điện hạt nhân nước nhà?
Tiến sỹ Lê Văn Hồng: Khi câu hỏi này được đặt ra thì tôi nhớ đến câu nói, của một người đứng đầu chương trình điện hạt nhân của 1 quốc gia, nói rằng dự án điện hạt nhân chỉ thành công khi người lãnh đạo và người dân thấy nó là cần thiết và tin tưởng ở nó. Thấy nó là cần thiết khi Quốc hội thông qua chủ trương điện hạt nhân là cần thiết, tin tưởng nó chính là tin tưởng vào quá trình triển khai dự án, như thế nào, chúng ta lựa chọn công nghệ có ở trình độ tiên tiến hiện đại. Những cơ quan, tổ chức từng con người cụ thể tham gia vào tiến trình triển khai thực hiện chương trình điện hạt nhân làm việc như thế nào.
Ví dụ như làm việc có nghiêm chỉnh không, nghiêm túc không, hiệu quả công việc có tốt không. Từng kết quả công việc của cơ quan tổ chức cá nhân, đều có thể tác động đến niềm tin của công chúng. Mức độ niềm tin đó phụ thuộc vào hiệu quả, cung cách, trình độ, mức độ của từng cơ quan tổ chức, nếu như chúng ta làm việc nghiêm túc đạt hiệu quả thì sẽ tạo niềm tin cho dự luận, ngược lại chúng ta sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng.
Nhiệm vụ của chúng ta, hiện nay dự án điện hạt nhân đã được phê duyệt và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Trong các bộ, ngành có các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm. Trong các tổ chức cơ quan đều có các cá nhân tham gia vào tiến trình đó. Tôi mong rằng các cơ quan, tổ chưc, cá nhân đó làm việc nghiêm túc, hiệu quả và như vậy sẽ tạo được niềm tin cho công chúng.
Theo Truyenthongkhoahoc