Đắk Lắk bứt phá, thay đổi cơ chế đón làn sóng đầu tư mới năm 2022
Ngày đăng: 10/01/2022 08:17
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/01/2022 08:17
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2021 tỉnh Đắk Lắk đã đón nhận một làn sóng đầu tư lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và trở thành điểm đầu tư tiềm năng xanh sau dịch.
Nhà máy điện gió Ea Nam công suất 400MW đã đóng điện hoà lưới thành công 84/84 tua bin |
Sức hút từ năng lượng tái tạo
Với diện tích tự nhiên lớn, lượng bức xạ nhiệt cao, lại ít bị ảnh hưởng của bão, Đắk Lắk được đánh giá là địa bàn rất phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo. Đắk Lắk hiện có tiềm năng phát triển công suất trên 10.000MW điện gió và 16.000MWp điện mặt trời.
Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, ngày 15/7/2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14 về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên. Tỉnh đã xác định phát triển năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Lắk, nhiệm kỳ 2020-2025; phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025, phát triển năng lượng tái tạo đạt công suất từ 2.000 - 3.000 MW và giai đoạn 2026 - 2030 là từ 3.000 - 4.000 MW.
Trong năm 2021, lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục, giải phóng mặt bằng... Đến nay, Đắk Lắk đã có 10 dự án điện mặt trời và 5 ngàn 367 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với công suất hơn 631 MWp. Đối với điện gió, hiện nay, đã có 2 dự án đi vào hoạt động với công suất 428,8 MW.
Ông Vũ Đình Tân - Giám đốc Công ty Điện gió Ea Nam Đắk Lắk cho hay, đây là dự án đầu tiên tại tỉnh, với tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng, công suất giai đoạn một là 400MW, mỗi năm sẽ bổ sung khoảng 1,3 tỷ KWh vào nguồn điện quốc gia. Trong thời gian thực hiện dự án nhà đầu tư đã nộp 1 ngàn 300 tỷ đồng thuế nhập khẩu. Ngoài ra, dự kiến hàng năm công ty còn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng khoảng 250 tỷ đồng/năm cho địa phương. Đến nay, Dự án đã đi vào vận hành thương mại, quá trình triển khai chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất tích cực tháo gỡ, giải phóng mặt bằng thi công.
Ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND huyện Ea Hleo cho biết, Ea H’leo là địa phương có 30% diện tích đất quy hoạch để phát triển điện gió. Qúa trình triển khai Dự án Điện gió đã có sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp, gỡ nút thắt về thủ tục giải phóng mặt bằng thi công, đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua công tác thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo quyết liệt để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án trên địa bàn; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế “một cửa” tại các sở, ban, ngành và đối thoại hỗ trợ nhà đầu tư triển khai những dự án được quyết định chủ trương đầu tư...
Điều đáng mừng là nhiều nhà đầu tư khi đã hoàn thành dự án tiếp tục xin chủ trương đầu tư các dự án mới tại địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những chuyển dịch dấu ấn nhất định. Mới đây, Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Industrial (Hàn Quốc) đầu tư 22 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Dự án được xây dựng trên diện tích 40.875 m2, với tổng mức đầu tư 486 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp này đã hoàn thiện thủ tục, cải tạo, xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 5.000 lao động.
Ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh cho biết, năm 2022 các lĩnh vực mà tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư thuộc nhóm dự án điện năng lượng tái tạo đã có trong quy hoạch, thu hút đầu tư dự án chăn nuôi công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng đô thị...
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Chú trọng rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định, nội dung chồng chéo, vướng mắc, còn thiếu… liên quan đến lĩnh vực đầu tư.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp nhận phản hồi của DN, thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành mới các cơ chế chính ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh...Tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, tỉnh sẽ có giải pháp phù hợp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đưa vốn vào nền kinh tế, đóng góp chung cho tăng trưởng.
TP. Buôn Ma Thuột đang chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của những dự án đô thị lớn |
Đồng thời tỉnh chú trọng tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin... và ưu tiên nguồn lực đầu tư theo hướng lấy thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đổi mới, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư các lợi thế danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh qua nhiều kênh thông tin. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp cận trực tiếp các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư vào tỉnh.
Cụ thể hóa và ban hành đầy đủ các quy định của địa phương về triển khai công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, giải quyết các thủ tục đầu tư; kịp thời phát hiện, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác thu hút đầu tư - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị định hướng.
Thống kê của UBND tỉnh năm 2021, tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 22 dự án, với tổng số vốn đầu tư 11.781,78 tỷ đồng, giảm 04 dự án và tổng số vốn đầu tư giảm 9.123,7 tỷ đồng so với cùng kỳ; trong đó có 07/22 là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực điện gió, nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 10.141 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD); nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn tỉnh là 21 dự án, với tổng vốn đăng ký 12.439,23 tỷ đồng (tương đương 566,89 triệu USD). |
Theo Daklak.gov.vn