Đại học Việt - Pháp tổ chức Hội nghị Hóa học quốc tế lần thứ nhất
Ngày đăng: 02/12/2022 22:23
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/12/2022 22:23
Nhiều nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn đã nhận lời làm diễn giả chính tại sự kiện sẽ được Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), hay Đại học Việt - Pháp, tổ chức hai năm một lần kể từ năm nay.
USTH đào tạo cử nhân ngành Hóa học tại Khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng với hai chương trình: Chương trình cấp bằng USTH; và Chương trình cấp song bằng hợp tác với Đại học Aix-Marseille, ĐH Đông Paris Créteil (UPEC), ĐH Reims Champagne-Ardenne. Trong ảnh: Giảng viên ngành Hóa học của USTH làm nghiên cứu trong phòng Lab. |
Hội nghị Hóa học quốc tế lần thứ nhất diễn ra từ ngày 8-11/12/2022 tại trụ sở của USTH ở Hà Nội với chủ đề Hóa học vì sự phát triển bền vững.
Tại đây, 120 nhà nghiên cứu Việt Nam, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,… sẽ thảo luận 3 lĩnh vực: Hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng; Hóa học trong phân tích và xử lý môi trường; Hóa học trong chăm sóc sức khỏe.
Nhiều nhà hóa học có ảnh hưởng lớn đã nhận lời làm diễn giả chính tại Hội nghị. Trong số đó có GS. Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản, H-index 138), một đại thụ ở lĩnh vực xúc tác nói chung và quang xúc tác nói riêng cho phản ứng tách nước sử dụng năng lượng mặt trời. Hướng nghiên cứu của ông tập trung vào phát triển các xúc tác từ những vật liệu có trữ lượng lớn trong tự nhiên, từ đó giảm thiểu chi phí khi áp dụng sản xuất quy mô lớn, có ý nghĩa lớn cho quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo của thế giới. Ông sẽ có bài trình bày về “Quang xúc tác cho phản ứng phân tách nước ứng dụng trong sản xuất lượng lớn Hydrogen từ năng lượng mặt trời”.
Một diễn giả chính khác là GS. Licheng Sun (Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển, H-index là 121), nổi tiếng trong các lĩnh vực quang hóa học (Photochemistry), xúc tác, pin mặt trời với thuốc nhuộm nhạy quang, và điện hóa. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về quang tổng hợp nhân tạo (Artificial photosynthesis), phản ứng oxi hóa khử, hoạt tính xúc tác của phức Ruthenium; pin quang điện ứng dụng điện phân nước. GS. Licheng Sun còn nghiên cứu các hệ pin mặt trời với chất nhuộm nhạy quang nhằm khảo sát nâng cao hiệu suất chuyển hóa năng lượng của các hệ pin này. Các kết quả nghiên cứu của ông đã góp phần rất lớn vào hệ thống kiến thức về xúc tác cho sản xuất hydrogen, quá thế và điện phân. Ông sẽ trình bày về “Xúc tác cho quá trình phân tách nước để sản xuất nhiên liệu từ mặt trời: các quá trình quang tổng hợp từ tự nhiên đến nhân tạo”.
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có các diễn giả chính gồm GS. Ki-Joon Jeon (Đại học Inha, Hàn Quốc), GS. Bùi T. Ngọc (Đại học Oklahoma, Mỹ), PGS. TS. Từ Bình Minh (Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng (Phó Hiệu trưởng USTH)…
Tổng cộng có tất cả 9 báo cáo mời và 24 báo cáo thuyết trình được trình bày trong các phiên thảo luận chính, và 22 báo cáo poster của các nhà khoa học trẻ.
Hội nghị Hóa học quốc tế (International Conference on Chemical Sciences – ICCS) sẽ được USTH tổ chức 2 năm một lần với mục đích tạo cầu nối giữa cộng đồng hóa học Việt Nam và cộng đồng hóa học quốc tế, trao cho các nhà hóa học trẻ cơ hội gặp gỡ các nhà hóa học có những đóng góp nổi bật.
Theo Khoahocphattrien