Cư Kuin đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông nghiệp
Ngày đăng: 11/01/2018 14:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/01/2018 14:53
Chiếm trên 53% trong cơ cấu kinh tế của huyện Cư Kuin, sản xuất nông nghiệp đang có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được huyện chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng sản phẩm.
Vườn cà phê tái canh trên địa bàn huyện Cư Kuin. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện, năm 2017 điều kiện thời tiết (mưa nhiều) khá thuận lợi cho cây trồng ngắn này nhưng lại mang theo nhiều bất lợi cho cây trồng lâu năm, nhất là tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng diễn biến tương đối phức tạp. Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu (do nấm phytophthora sp), gây chết hàng loạt trên cây hồ tiêu trên diện rộng; mưa trái mùa vào đúng thời điểm ra hoa cà phê và một số cây ăn quả đã làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, làm giảm năng suất của cây trồng lâu năm…
Trước tình hình trên, huyện đã chủ động khắc phục những khó khăn bằng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Trong năm, huyện đã tổ chức được 69 lớp tập huấn kỹ thuật, 17 mô hình trình diễn và 7 đề án về chăn nuôi và trồng trọt. Đặc biệt là các lớp về kỹ thuật phòng trừ bệnh vàng lá chết nhanh và vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu; tái canh cà phê có áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp an toàn và hiệu quả; sản xuất cà phê bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu… đã thu hút rất đông bà con nông dân tham dự. Song song với các lớp tập huấn là xây dựng các mô hình trình diễn để giúp nông dân nắm vững kiến thức đã được học. Đơn cử như mô hình trình diễn tái canh cà phê (năm thứ 2) tại xã Ea Tiêu và xã Dray Bhăng, với quy mô 2,8 ha của 5 hộ tham gia. Kết quả cho thấy, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh hại, dự kiến cho thu hoạch vào năm 2018. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá rất tốt, khẳng định việc tái canh cà phê theo quy trình của Bộ NN-PTNT là hướng đi đúng đắn, giúp nông dân tái canh cà phê giải quyết được vấn đề bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng.
Trên địa bàn huyện có trên 2.000 ha vụ đông xuân và khoảng 6.000 ha vụ mùa về cây trồng ngắn ngày, chủ yếu là cây lúa và ngô. Cơ cấu cây lâu năm trên địa bàn huyện tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích hồ tiêu, cây ăn quả lâu năm, giảm diện tích cà phê và điều. Diện tích cây lâu năm tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện là 19.545 ha, trong đó diện tích cà phê là 12.486 ha (cà phê kinh doanh 11.031,2 ha). Bước đầu hình thành liên kết giữa các Công ty TNHH MTV cà phê và hộ nông dân để sản xuất và thu mua các sản phẩm cà phê được sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận 4C, UTZ… Trong năm 2017, ngành nông nghiệp của huyện đã làm tốt công tác xây dựng các mô hình trình diễn tái canh, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo tại mô hình và tập huấn về kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin năm 2017 được 733,35, đạt 108,96% kế hoạch.
Diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện trên 4.517 ha, trong đó, diện tích kinh doanh là 3.312,4 ha, năng suất bình quân 3,62 ha, sản lượng 11.990 tấn, tăng 3.933 tấn so với kế hoạch. Ngoài các lớp tập huấn, huyện cũng đã thành lập câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững, đến nay đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để công nhận 2 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững tại thôn 7, xã Ea Hu và thôn 4, xã Ea Bhôk (với 20 thành viên/câu lạc bộ).
Đề án cũng đã liên kết được với nhà thu mua sản phẩm hồ tiêu chất lượng (Công ty Cổ phần nông nghiệp Bazan xanh, TP. Buôn Ma Thuột), công ty cũng nhận cung ứng sản phẩm phân bón theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Bên cạnh kết quả đạt được của cây lâu năm, thì sản xuất cây hằng năm cũng đạt kết quả tốt. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn huyện năm 2017 đạt trên 42.264 tấn, bằng 100,62% kế hoạch, trong đó vụ đông xuân đạt trên 10.691 tấn, vụ mùa trên 31.572 tấn. Có được kết quả này, ngoài thuận lợi về thời tiết, nguồn nước còn có các giải pháp kỹ thuật như diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai F1 tăng hơn so với cùng kỳ năm trước (chiếm khoảng 40% tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân); diện tích sử dụng giống lúa xác nhận chiếm từ 70-90 % cơ cấu bộ giống trong 2 vụ đông xuân và vụ mùa. Đặc biệt, các xã Hòa Hiệp và Cư Êwi tiếp tục chuyển đổi những chân đất trồng lúa bấp bênh nguồn nước sang trồng cây ngô mang lại hiệu quả cao…
Vườn tiêu canh tác bền vững ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin. |
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn đối mặt với không ít khó khăn như diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất bình quân ở mức thấp cần tái canh trên địa bàn huyện là khoảng 4.000 ha, đa phần người trồng cà phê chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay hỗ trợ tái canh. Người dân tiếp tục phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt, không theo quy hoạch, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khuyến nông còn hạn chế, một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng: mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê, mô hình trồng thâm canh hồ tiêu, mô hình nuôi gà an toàn sinh học, nuôi heo bằng đệm mút sinh học... thiếu sự phối hợp lồng ghép giữa các chương trình, dự án với công tác khuyến nông.
Năm 2017, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản toàn huyện đạt trên 3,4 nghìn tỷ đồng, bằng 100,12% so với kế hoạch năm, tăng 3,97% so với giá trị năm 2016, chiếm trên 53% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, trồng trọt đạt 2.725 tỷ đồng; chăn nuôi, thủy sản đạt trên 594 tỷ đồng; lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp đạt trên 85 tỷ đồng. |
Theo Báo Đắk Lắk