Cú hích từ mô hình kinh tế tập thể ở Cư Kuin
Ngày đăng: 15/02/2022 08:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/02/2022 08:22
Những năm qua, nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) của huyện Cư Kuin đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư Kuin tham quan mô hình chăn nuôi dê của thành viên tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Ea Ning. |
Trước đây, ông Vũ Văn Chỉnh ở thôn Mới, xã Hòa Hiệp có 4 sào đất trồng rau và hoa màu, thu nhập không đủ trang trải chi phí cho 5 người trong gia đình. Năm 2017, sau khi gia nhập HTX Rau an toàn Công nghệ cao Hòa Hiệp, được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn và đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, ông Chỉnh đã nắm được kỹ thuật canh tác cho năng suất cao.
Năm 2021, dưới tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, lưu thông hàng hóa nhiều nơi bị ùn ứ, nhưng nhờ tham gia vào HTX nên sản phẩm rau của gia đình ông được nhập vào các hệ thống bán hàng của các công ty nên vẫn tiêu thụ hết. Với 4 sào trồng cà chua, dưa leo, xà lách, hành, ngò, gia đình ông Chỉnh thu trên 6 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều khi chưa tham gia HTX.
Chị Nguyễn Thị Kiều Kim Hoa, Phó Giám đốc HTX Rau an toàn Công nghệ cao Hòa Hiệp cho biết, HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay có 16 thành viên với 11 ha đất trồng rau củ quả các loại, sản lượng trên 200 tấn/năm. Nhờ sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm nên sản phẩm của HTX được xuất bán tại các siêu thị và chợ đầu mối ở TP. Buôn Ma Thuột, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với giá cao hơn ngoài thị trường khoảng 20%. Với giá bán như hiện nay, thu nhập của các thành viên HTX được cải thiện nhiều. Năm 2021, sau khi trừ hết chi phí HTX thu về trên 1 tỷ đồng.
Anh Phạm Thiên Tùng ở thôn Kim Châu làm nghề ươm rau giống từ năm 1997, cung cấp sản phẩm cho nông dân trong huyện, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Anh Tùng đang đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây dựng vườn ươm, trồng rau thủy canh, được xem là mô hình trồng rau thủy canh có quy mô lớn nhất toàn huyện tính đến thời điểm hiện tại. Nguồn vốn đầu tư lớn, anh Tùng đang tìm hiểu thủ tục để xây dựng tổ hợp tác với mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, giúp đỡ bà con nông dân cùng làm giàu và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Huyện Cư Kuin phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 15 hợp tác xã, trong đó 50% hoạt động hiệu quả; đến năm 2030, có 20 hợp tác xã, trong đó 80% hoạt động hiệu quả.
|
Tại xã Ea Ning, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã liên kết thành tổ hợp tác chăn nuôi dê để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, góp phần tăng thêm thu nhập. Ông Hồ Đăng Xuân, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi dê xã Ea Ning cho biết, tổ hợp tác được thành lập vào năm 2017 với mục đích hợp tác cùng phát triển sản xuất theo quy trình chăn nuôi an toàn tại các hộ gia đình. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăn nuôi và liên kết tìm đầu ra, hướng tới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn. Sau một thời gian hoạt động, các hộ chăn nuôi trong tổ còn tự sản xuất và hỗ trợ nhau về con giống. Với giá bán ổn định từ 100.000 – 125.000 đồng/kg cùng nguồn thu từ bán phân chuồng với tổng thu nhập lên đến 100 triệu đồng/năm, nhiều hội viên của Tổ hợp tác nuôi dê đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Cư Kuin năm 2020. |
Theo ông Nguyễn Lưu Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cư Kuin lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, mà nòng cốt là HTX, kinh tế tập thể của huyện đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn huyện có 8 HTX và 9 mô hình tổ hợp tác, với hơn 300 thành viên tham gia. Trong năm qua, các mô hình kinh tế tập thể đã hoạt động hiệu quả mang lại thu nhập cao hơn cho thành viên khi chưa tham gia kinh tế tập thể.
Để phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên như: tạo nguồn vốn cho người dân vay đầu tư sản xuất; vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ… Qua đó, các hội viên, nông dân đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Theo Báo Đắk Lắk