Công nghệ thu chất quý trong nấm đông trùng hạ thảo
Ngày đăng: 25/12/2020 10:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/12/2020 10:49
Việc nghiên cứu môi trường nhân giống kết hợp công nghệ sấy đặc thù giúp lượng chất Cordycepin và Adenosin cao gấp ba lần so với sản phẩm đại trà.
Nấm đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong môi trường bán tự nhiên ở Sa Pa, Lào Cai. |
Khác với các loại nấm thông thường, chất lượng của nấm đông trùng hạ thảo phần lớn được quyết định bởi môi trường trong điều kiện lý tưởng nhiệt độ không khí dao động 10-25 độ C, độ ẩm 80-95%. Nhận thấy khí hậu thời tiết khu vực Sa Pa có đặc điểm phù hợp với loại nấm quý này, nhóm nghiên cứu Công ty TNHH MTV Traphacosapa triển khai quy trình nuôi trồng và sản xuất nấm đông trùng hạ thảo bán tự nhiên tại đây.
Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm do Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ) giao Công ty TNHH MTV Traphacosapa chủ trì thực hiện. "Sau hai năm nghiên cứu, nhóm đã nhân giống thành công, bước đầu đưa ra thị trường gần 2.000 liệu trình chăm sóc sức khỏe từ đông trùng hạ thảo", ThS Lê Quân, Phó giám đốc công ty, trưởng nhóm nghiên cứu nói.
Từ bước lựa chọn chủng giống Cordyceps militaris Nhật Bản, ThS Quân và cộng sự khảo sát điều kiện tự nhiên để nhân giống trong phòng vô trùng, làm giá thể và cấy giống. Giá thể được chọn từ nguyên liệu gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm tươi đặt vào các bình thủy tinh. Hệ thống phun sương tạo ẩm tự động được duy trì trong quá trình cấy giống.
Khi sợi nấm phủ kín bề mặt môi trường, nhóm tiến hành tạo và nuôi quả thể trong điều kiện ánh sáng, độ ẩm và thời gian phù hợp. Thời điểm ngọn quả thể đông trùng hạ thảo biến đổi về hình thái, màu vàng tươi, ngả sẫm, là có thể thu hoạch.
Việc nuôi trồng bán tự nhiên loại nấm này chia thành hai giai đoạn, đầu tiên nhóm kiểm soát chặt môi trường nhân tạo (về nhiệt độ, độ ẩm và độ sạch không khí) trong quá trình cấy giống. Sau đó, sợi nấm được đặt trong môi trường tự nhiên tại Sa Pa để phát triển cho đến khi thu hoạch.
Ở giai đoạn chế biến đông trùng hạ thảo khô, thay vì sử dụng phương pháp gia nhiệt thông thường, nhóm nghiên cứu và áp dụng công nghệ sấy bơm nhiệt trong mức nhiệt tối đa 60 độ C. Theo ThS Quân, công nghệ này tận dụng không khí ẩm đi qua giàn lạnh xuống điểm đọng sương và tách ẩm. Không khí tiếp tục đi qua giàn nóng được sấy hoàn nhiệt để tạo trạng thái không khí độ ẩm thấp. "Với nguyên lý này, tác nhân sấy là không khí khô, giúp hạn chế biến đổi mùi vị, thành phần vi lượng và hiện tượng oxy hóa gây mùi lạ", anh nói.
Sản phẩm cuối cùng được đánh giá có màu sắc và mùi vị đặc trưng do chủng Cordyceps militaris mang lại. Đặc biệt, đông trùng hạ thảo sản xuất theo quy trình bán tự nhiên ở Sa Pa có hàm lượng chất quý có khả năng ức chế tế bào ung thư Cordycepin và Adenosin cao gấp ba lần so với những sản phẩm đại trà khác, giúp giảm liều sử dụng cho một lần uống.
Tại Việt Nam, nấm đông trùng hạ thảo được nghiên cứu và nuôi trồng ở một số địa phương tại Hà Nội, Hòa Bình, Lâm Đồng, tuy nhiên do điều kiện nóng khô, nên phải đầu tư hệ thống máy móc duy trì độ ẩm, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc công ty TNHH MTV Traphacosapa cho biết, việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Sa Pa là giải pháp thu được sản phẩm có chất lượng cao mang tính khác biệt đồng thời với điều kiện tự nhiên Sa Pa giúp giảm chi phí sản xuất, nhờ đó sản phẩm có thể phổ cập cho người tiêu dùng để chăm sóc sức khỏe cộng đồng. "Loài nấm này được công ty nghiên cứu để kết hợp với sản phẩm đặc hữu của Sa Pa (cây đẳng sâm) để tạo ra các dòng thực phẩm bảo vệ sức khỏe", ông Sỹ nói.
Theo Vnexpress