Công nghệ tạo giống giảm thời gian sàng lọc xuống còn hai tháng
Ngày đăng: 24/12/2018 10:48
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/12/2018 10:48
Làm thuần giống nhanh bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào giúp đẩy nhanh quá trình sàng lọc nguyên liệu di truyền cho lai tạo.
Mướp đắng được chọn tạo từ đề tài có năng suất tăng 30% so với giống cũ. |
Nhóm nghiên cứu thuộc Công ty TNHH Việt Nông vừa hoàn thiện đề tài nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất hạt giống cây trồng mới.
Ông Cao Minh Phương, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ, đã có 12 giống cây trồng mới được nhóm nghiên cứu chọn tạo bằng cách kết hợp các quy trình công nghệ sinh học sàng lọc dòng kháng bệnh bằng công nghệ vi sinh, sàng lọc dòng mang gene mục tiêu bằng công nghệ dấu ấn phân tử (DNA marker), làm thuần nhanh bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.
Các quy trình được hoàn thiện và đưa vào ứng dụng giúp đẩy nhanh quá trình sàng lọc nguồn nguyên liệu di truyền cho lai tạo, rút ngắn thời gian sàng lọc từ 24 - 36 tháng trong điều kiện đồng ruộng còn 1 - 2 tháng trong điều kiện phòng thí nghiệm, đẩy nhanh tiến độ chọn tạo giống cây trồng mới.
Riêng quy trình kiểm tra độ thuần giống bằng công nghệ điện di điểm đẳng điện (IEF electrophoresis) giúp công đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng được rút ngắn từ 3 tháng (khi trồng hậu kiểm đồng ruộng) còn 1 ngày. Việc rút ngắn thời gian cho các công đoạn trên sẽ giúp công ty tiết kiệm rất nhiều chi phí liên quan đến quản lý và vận hành công ty, từ đó giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
Khi ứng dụng kết quả đề tài là các quy trình công nghệ sinh học còn giúp giảm quy mô đất nông nghiệp cần sử dụng, từ đó giảm áp lực về quỹ đất cho ngành nông nghiệp trong nước.
Ông Phương cho biết, các quy trình công nghệ chế biến và xử lý hạt giống sau thu hoạch sẽ giúp tạo những lô hạt sạch, ít tạp chất, độ đồng đều sản phẩm, tỉ lệ nảy mầm cao và có khả năng chống lại nấm bệnh, côn trùng đất, từ đó tạo khả năng cạnh tranh về mặt chất lượng sản phẩm từ đề tài so với các sản phẩm nhập nội cùng loại trên thị trường.
Hiện nhóm nghiên cứu đã chọn tạo và sản xuất thử nghiệm 12 giống cây trồng mới (ớt, cà chua, dưa hấu, đậu đũa, dưa leo, mướp đắng...) góp phần giảm tải nhập siêu hạt giống từ nước ngoài. Các giống mới kháng bệnh hoặc chịu được áp lực sâu bệnh cao, giúp gia tăng khoảng 30% năng suất sản xuất hạt giống và năng suất sản xuất nông sản.
Các giống cây này hiện được chuyển giao trực tiếp đến nông dân trồng rau màu tại Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh để trồng khảo nghiệm.
Đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng kết hợp công nghệ sinh học, công nghệ canh tác tiên tiến và công nghệ thông tin trong sàng lọc, chọn tạo và sản xuất hạt giống cây trồng mới" thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Để biết thêm thông tin chi tiết về các Chương trình khoa học và công nghệ có thể liên hệ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia: Địa chỉ: Số 113 Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội Điện thoại: (84.24) 3.5551.726 Email: vpctqg@most.gov.vn Website: http://www.vpctqg.gov.vn |
Theo Vnexpress