Cộng đồng cùng biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Ngày đăng: 05/10/2020 08:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/10/2020 08:45
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xây dựng một nền tảng tổng hợp, hệ thống hóa, lưu trữ và phổ biến những tri thức tinh hoa của Việt Nam và thế giới cho người dân trên môi trường số.
Đại diện các đơn vị tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ dự án Bách khoa toàn thư số, ngày 1/10. |
Ngày 1/10, đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ra mắt dự án Bách khoa toàn thư số (tại địa chỉ bktt.vn) trên nền tảng mã nguồn mở.
Đây là bộ Bách khoa toàn thư mở đầu tiên tại Việt Nam do cộng đồng tự biên soạn và điều chỉnh.
Dự án do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai, huy động nguồn lực cộng đồng xây dựng và vận hành nền tảng hạ tầng và giải pháp công nghệ, và thu hút toàn dân, đặc biệt là giới trí thức, tham gia biên soạn các mục từ trong bộ bách khoa toàn thư mở khổng lồ này.
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu các nội dung do cộng đồng tham gia biên soạn, chỉnh sửa phù hợp và quyết định việc dùng cho nội dung chính thức của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu của, dự án Bách khoa toàn thư số sẽ xây dựng phiên bản đầu tiên đạt 60.000 mục từ chất lượng, được cập nhật định kỳ từ nguyên liệu bản mở bởi ban biên soạn chính thức.
Sau khi xuất bản trọn bộ bản in giấy, bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam có thể được đưa lên mạng để người dân tra cứu theo quyết định của nhà nước.
Ông Đinh Ngọc Vượng, Tổng Thư ký Đề án Biên soạn bách khoa toàn thư Việt Nam chia sẻ: Dự án nhằm tạo môi trường cho các thành viên tham gia chính danh có thể biên soạn các mục từ theo chuyên môn và được vinh danh xứng đáng với những đóng góp của mình.
Hiện nay nền tảng bách khoa toàn thư số đã sẵn sàng để cộng đồng tham gia biên soạn các mục từ, góp phần hoàn thiện bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, phát triển nền tảng trí thức Việt.
Trước đó, trong các cuộc làm việc với Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Đề án Hệ tri thức Việt số hoá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc xây dựng Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cùng chung mục tiêu đó, Đề án Hệ tri thức Việt số hoá tận dụng thế mạnh công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng, từng bước xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ dân trí, kiến thức của người dân; tạo ra các ứng dụng phổ cập tri thức phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Tại cuộc làm việc ngày 26/6/2020, cơ quan thường trực 2 đề án trên xem xét, thảo luận phương án phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các nhiệm vụ với mục tiêu sáng tạo và phổ biến tri thức đến người dân. Trong đó, các ý kiến đã trao đổi kỹ về đề xuất phương thức, cách làm mới trong tổ chức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam với sự hỗ trợ của Hệ tri thức Việt số hoá.
Cụ thể, với khoảng 60.000 mục từ cần biên soạn của Bách khoa toàn thư Việt Nam, Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá sẽ xây dựng nền tảng phần mềm (tạm gọi là Bách khoa toàn thư mở) để kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng cùng tham gia biên soạn nội dung các mục từ.
Từ nguồn dữ liệu thô, các nhà khoa học có thêm thời gian xem xét, xử lý, gia tăng hàm lượng tri thức trong từng mục từ. Những cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng Bách khoa toàn thư mở sẽ được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh theo đúng tôn chỉ của Hệ tri thức Việt số hoá.
Sau khi hoàn thành, ngoài bản in giấy, nội dung bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam cũng sẽ được công khai trên mạng và cập nhật liên tục.
Nếu áp dụng phương thức biên soạn mới, tận dụng lợi thế công nghệ, với tinh thần cầu thị, chúng ta sẽ huy động được sự đóng góp của cả cộng đồng. Trong đó, rất nhiều nhà khoa học, trí thức mong muốn cống hiến chứ không chỉ dừng lại ở khoảng 6.000 nhà khoa học được mời tham gia Đề án Bach khoa toàn thư Việt Nam. Đặc biệt, cách làm này có thể rút ngắn thời gian thực hiện Đề án.
GS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn dự án Bách khoa toàn thư số góp phần tăng cường kết nối, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia biên soạn và góp phần làm giàu thêm kho tàng tri thức Việt Nam.
Theo Chinhphu.vn