Cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ đam mê trí tuệ nhân tạo và IoT
Ngày đăng: 08/05/2019 15:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/05/2019 15:16
Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 sẽ đem lại cơ hội biến các ý tưởng về AI và IoT thành những dự án khởi nghiệp thành công.
Ông Vũ Anh Tuấn đại diện Ban tổ chức giới thiệu về cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019. |
Sáng 07/05, lễ công bố cuộc thi cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 đã được tổ chức tại TP.HCM.
Với chủ đề “Thông minh hơn để cuộc sống tốt hơn”, cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 do Vườn ươm Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung (QTSC Incubator) tổ chức lần đầu, với sự bảo trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cùng sự hỗ trợ của Hội Tin học TPHCM (HCA), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC).
Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc QTSC Incubator, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Trí tuệ nhân tạo trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là chìa khóa giúp xã hội phát triển nhanh, văn minh, chất lượng cuộc sống được cải thiện từng ngày”.
“Với việc đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng…, chúng ta sẽ làm cho chúng thông minh hơn, gần gũi – thân thiện hơn với người dùng; giúp việc trải nghiệm, sử dụng trở nên đơn giản, dễ dàng, thuận tiện như cuộc sống hàng ngày chúng ta đang trải qua, điều đó sẽ làm cho mục tiêu xây dựng đô thị thông minh ngày càng trở nên hiện thực, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và tốt hơn", ông Tuấn cho hay.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi dành riêng cho cộng đồng khởi nghiệp xoay quanh chủ đề Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật kết nối (IoT) trên quy mô toàn quốc.
Cuộc thi sẽ gồm 3 bảng thi với tổng cộng 13 giải thưởng gồm 3 giải nhất, 3 giải nhì, 7 giải ba với tổng giá trị 1.235.000.000 đồng.
Chia sẻ tại lễ công bố cuộc thi tổ chức, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN nói: “Chúng ta không chỉ dừng lại ở một cuộc thi bình thường mà thông qua cuộc thi, các nhóm có những ý tưởng, dự án tốt sẽ được trải qua quá trình huấn luyện, đào tạo, tư vấn để hoàn thiện sản phẩm và bước vào giai đoạn tăng tốc qua chương trình SpeedUp của Sở KH&CN. Với sự hỗ trợ đó và sự đồng hành của các doanh nghiệp, các dự án sẽ đi vào thực tế, giải quyết những vấn đề của thành phố”.
Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi này khi hầu hết các ý tưởng đạt giải đều sẽ được xem xét nhận ươm tạo từ 6 tháng đến 2 năm cũng như hỗ trợ đăng ký tham dự chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM cũng như tìm kiếm thêm các nhà đầu tư thiên thần...
Đại diện Ban tổ chức cũng khẳng định mục tiêu của Cuộc thi "AIoT & Smart Cities 2019" là mang đến cho các bạn sinh viên, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành CNTT không gian giao lưu, sáng tạo, chia sẻ các xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI); Internet vạn vật kết nối (IoT).
Đồng thời, cuộc thi cũng giúp cập nhật mức độ sẵn sàng của cộng đồng khởi nghiệp trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp; khơi nguồn ý tưởng – phát triển sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Với những mục tiêu trên, ngoài tìm kiếm những ý tưởng mới, cuộc thi còn hướng đến giải quyết các bài toán cụ thể của từng doanh nghiệp, tổ chức theo các đơn đặt hàng. Các tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu cải tiến, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm hay muốn tối ưu hóa khai thác tài nguyên dữ liệu, gia tăng khả năng tiếp thị, quảng bá, chăm sóc khách hàng… đều có thể đưa ra những chủ đề, đơn đặt hàng để tìm hướng giải quyết tốt nhất.
Là doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động đó, tập đoàn BOSCH đã đồng hành ngay từ đầu qua việc trở thành nhà tài trợ thiên thần của 2 bảng và tham dự với vài trò đồng tổ chức.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, chia sẻ: “Với cuộc thi, tôi mong rằng nó sẽ không chỉ là sân chơi cho các đối tượng làm về AI và IoT, mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với các trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển AI/IoT.
"Thông qua đó chúng ta có nhiều sản phẩm, giải pháp, ứng dụng phù hợp cho các hoạt động quản lý xã hội, cho sản xuất kinh doanh theo các mô hình mới, công nghệ mới của doanh nghiệp; đóng góp một phần nhỏ vào đề án nghiên cứu và ứng dụng AI của thành phố”, ông Cường cho biết.
Ngoài sự tham gia, hỗ trợ của các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ ươm tạo tại TP.HCM, cuộc thi còn nhận được sự hưởng ứng, tham gia, hỗ trợ của hầu hết các vườn ươm lớn, các câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp trên nhiều tỉnh thành như vườn ươm Doanh nghiệp Hà Nội (HBi); trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp ĐH quốc gia Hà Nội (CSK); vườn ươm Sông Hàn Đà Nẵng (SHi); vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ (KVIP); các trường, khoa CNTT, CLB hỗ trợ khởi nghiệp của nhiều trường đại học, cao đẳng; các doanh nghiệp, hãng công nghệ lớn trong ngành.
Theo Khampha.vn