Cơ chế hợp tác công – tư trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN
Ngày đăng: 17/10/2014 07:47
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/10/2014 07:47
Toàn cảnh hội thảo |
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN tổ chức hội thảo khoa học “Thí điểm cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN xây dựng. Các tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề: sự cần thiết có cơ chế đối tác công – tư (Public Private Parnership – PPP), đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; ban hành quy dịnh mới về cơ chế, chính sách phù hợp với cơ chế PPP trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN; thí điểm 2 cơ chế PPP, thực hiện nhiệm vụ KH&CN;…
Theo ông Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách KH&CN, PPP nhằm thu hút khu vực tư nhân vào thực hiện những công việc mà theo truyền thống là do nhà nước đảm trách. Bản chất của PPP là hình thức tích hợp những điểm mạnh, lợi thế nhất của cả hai khu vực nhà nước và tư nhân trong việc thực hiện một dự án nào đó.
PPP giúp thúc đẩy quá trình cải cách hoạt động của hệ thống nhà nước – cải cách hành chính; thu hút vốn tư nhân để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; thay đổi phương thức tổ chức và quản lý theo hướng khu vực tư tham gia nhiều hơn, tích cực và chủ động hơn vào các chương trình, dự án công; chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân trong quá trình thực hiện dự án.
PPP chủ yếu được nói tới trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng đường xá, cầu, cảng, nhà máy phát điện, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện… và quản lý, vận hành các cơ sở này (dịch vụ công). Hiện đã được mở rộng hơn sang các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, KH&CN,…
Việt Nam đã thí điểm thực hiện phương thức PPP trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ 2010. Tuy nhiên, một số hình thức của PPP như BTO, BOT, BT đã được áp dụng trước đó và trên thực tế đã có một số dự án đầu tư theo hình thức này thành công.
Cũng theo ông Tạ Doãn Trịnh, về đóng góp kinh phí, hai bên cùng đóng góp (thường gọi là vốn đối ứng) theo tỉ lệ 30:70 hoặc 50:50 (trước đây quy định tỉ lệ thu hồi 100%, 80 hoặc 70% cũng có ý nghĩa tương tự). Cơ chế tài chính về sử dụng kinh phí áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN liên kết về cơ bản cũng giống như các nhiệm vụ được cấp 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Về lựa chọn nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo cơ chế PPP, thường sẽ ưu tiên các nhiệm vụ đồng thời đáp ứng sứ mệnh công ích và mang lại lợi thế để có thể tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp như loại hàng hóa có tính công ích cao hoặc tư nhân không muốn cung cấp; loại hàng hóa đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch.
Có nhiều cách thức thực hiện, có thể nhà nước sẽ lựa chọn tổ chức tư nhân có khả năng tạo liên kết, phối hợp cung cầu công nghệ để cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoặc nhà nước thỏa thuận với một tổ chức tư nhân thực hiện nhiệm vụ cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Tạ Doãn Trịnh, hiện chúng ta chưa xây dựng được quan hệ đối tác chủ động từ 2 phía, khi sứ mệnh của nhà nước và lợi ích của tư nhân gặp nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Các đại biểu tại hội thảo cùng cho rằng, việc triển khai cơ chế hợp tác công – tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là một trong những giải pháp để tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho KH&CN, hạn chế tình trạng đầu tư manh mún từ ngân sách nhà nước, giảm chi phí và rủi ro, tạo ra mội trường cạnh tranh cao trong hoạt động KH&CN. Nhưng để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng tình, hợp tác và chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Theo Truyenthongkhoahoc