Chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống
Ngày đăng: 04/07/2016 09:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/07/2016 09:45
Chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) trọng điểm cấp Nhà nước, giai đoạn 2011 – 2015, "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" (còn gọi là Chương trình Tây Nguyên 3) đã được tổng kết, đánh giá vào cuối tháng 6 vừa qua. Vấn đề đặt ra là làm sao chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất và kinh doanh; góp phần nâng cao đời sống người dân các dân tộc Tây Nguyên sau 30 năm đổi mới.
|
Triển khai, thực hiện trong thời gian 5 năm (2011 - 2015), 65 đề tài và nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên 3 đã được nghiệm thu, tổng kết và đánh giá vào cuối tháng 6 vừa qua. Đây là một chương trình mang tính tổng hợp, liên ngành do Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) phối hợp Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam và các địa phương khu vực Tây Nguyên thực hiện.
Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh là Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông và Lâm Đồng, vốn có nhiều ưu thế về điều kiện tự nhiên, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Song, sau gần 30 năm đổi mới, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường… đã có những biến đổi sâu sắc và đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn để phát triển theo mục tiêu bền vững. Nhóm đề tài thuộc lĩnh vực klhoa học tự nhiên (Chương trình Tây Nguyên 3), qua điều tra và phân tích cho thấy, Tây Nguyên có lợi thế về tài nguyên đất (hơn 5,366 triệu ha), chiếm hơn 92% diện tích tự nhiên, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, các loại cây công nghiệp tăng nhanh cả diện tích và sản lượng như cây cao su (đến cuối năm 2014) đã có 259.600 ha, cà phê 573.000 ha, điều 69.100 ha, tiêu 44.000 ha, sắn 152.200 ha…
Tình trạng khai thác và sử dụng đất đai thiếu quy hoạch, vượt quá giới hạn như cà phê 121%, hồ tiêu 247%, sắn 152%... đã dẫn đến nguy cơ thoái hóa đất và hoang mạc hóa đang diễn ra ngày càng lớn ở khu vực Tây Nguyên nhất là các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông. Nguồn nước mặt và nước dưới đất vùng Tây Nguyên khá phong phú (hơn 50 tỷ m3), hàng năm tổng lượng nước cho các nhu cầu sử dụng (nông nghiệp, công nghiệp, thủy lợi và nước sinh hoạt) khoảng 5 tỷ m3. So với tiềm năng nguồn nước thì Tây Nguyên, theo tính toán của các nhà khoa học, không đến mức thiếu nước. Song, thời kỳ mùa khô, nhu cầu sử dụng nước rất lớn, nhưng lượng nước chỉ đáp ứng được khoảng 30%, mà nguyên nhân chính là do khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của đồng bào. Hơn 20 năm qua, tình trạng xây dựng các công trình thủy điện nhỏ tùy tiện, nạn phá rừng xảy ra nghiêm trọng khiến đa dạng sinh học bị suy giảm, đồng thời là tác nhân gây hậu quả thiếu nước, hạn hán khắc nghiệt ở các địa phương thuộc Tây Nguyên.
Để phát triển nền nông nghiệp Tây Nguyên bền vững, dĩ nhiên phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng theo nhóm tác giả của lĩnh vực này thì cần tập trung vào mấy vấn đề chính.
Trước hết, phòng chống thoái hóa đất, hiện tượng hoang mạc hóa là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, trên cơ sở một hệ thống chính sách và pháp luật đồng bộ của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Cùng với các phương án bố trí diện tích cây trồng hợp lý, điều quan trọng là có các giải pháp giải quyết khó khăn về nước và hạn hán gay gắt mùa khô. Trong đó, xây dựng và triển khai chiến lược về tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên với định hướng quản lý sử dụng và bảo quản về nguồn nước theo lưu vực sông; khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn; nâng cao năng lực hồ chứa vừa và nhỏ kết hợp áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sinh hoạt…
Nhóm đề tài về KH và CN thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 ở các phương diện khác nhau đi vào nghiên cứu và đề xuất nhiều công nghệ phục vụ cho sản xuất hàng hóa ở Tây Nguyên. Đáng chú ý là công nghệ phục vụ phát triển bền vững cây công nghiệp và nông nghiệp chủ đạo khu vực Tây Nguyên.
Chẳng hạn, công nghệ nhân giống bò sữa cao sản và heo rừng Tây Nguyên (được thực hiện ở Lâm Đồng), khuyến khích sử dụng các sản phẩm sinh học trong thâm canh cây trồng như phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học cải tạo đất, thuốc trừ sâu sinh học; các polyme thân thiện môi trường trong quá trình canh tác chè, cà phê, hồ tiêu (triển khai ở Đắc Lắc, Gia Lai).
Quy trình và sản phẩm công nghệ tinh chế, biến tính bentonit làm phụ gia thức ăn chăn nuôi gia cầm. Với kết quả triển khai thử nghiệm bổ sung bentonit có cố định nano bạc và thức ăn nuôi gà Ai Cập lai sinh sản ngoài và trong giai đoạn sinh sản với tỷ lệ 1,5% cho thấy, chi phí thức ăn/công suất trứng giảm 2-6%. Hiện, Công ty Cổ phần khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng đã ký biên bản thỏa thuận sẽ tiếp thu công nghệ của đề tài TN3/C08 để sản xuất một số sản phẩm từ bentonit sớm đưa vào ứng dụng thực tế phục vụ ngành chăn nuôi ở Lâm Đồng nói riêng và toàn Tây Nguyên nói chung.
Khoáng sản khu vực Tây Nguyên nhất là bô-xít có trữ lượng lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, sản xuất alumin từ khai thác bô-xít để lại một khối lượng lớn bùn đỏ độc hại nếu không được xử lý triệt để. Đề tài TN3/T29 do Viện hóa học chủ trì phối hợp Công ty Cổ phần thép Thái Hưng đã góp phần giải tỏa nỗi lo lắng, băn khoăn này. Nhóm nghiên cứu của đề tài đã thực hiện nhiều quy trình công nghệ từ quy mô pilot đến quy mô công nghiệp (mẻ 200 tấn bùn đỏ khô) để sản xuất sắt xốp, thép từ bùn đỏ và vật liệu xây dựng không nung. Sản phẩm tinh quặng sắt có hàm lượng T-Fe đạt hơn 62% và tỷ lệ sắt kim loại/tổng sắt đạt 83,4%, khẳng định tính mới và ưu việt hơn so với các phương pháp nghiên cứu trước đây ở trong nước và quốc tế. Cho nên, quy trình công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ bùn đỏ trong quá trình khai thác bô-xit ở Tây Nguyên đã nhận bằng độc quyền sáng chế số 14156 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) năm 2015. Đồng thời, Công ty Cổ phần thép Thái Hưng đã nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ và đang xây dựng dự án tiền khả thi về nhà máy sản xuất thép và vật liệu không nung tại Tây Nguyên…
Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 bàn giao các kết quả nghiên cứu cho Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. |
21 đề tài lĩnh vực khoa học xã hội tập trung nghiên cứu, đánh giá về thực trạng kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, an ninh và quốc phòng của khu vực Tây Nguyên sau gần 30 năm đổi mới. Ở đây, các tác giả cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại (về văn hóa, giáo dục đào tạo, môi trường, vấn đề di cư tự do, dân số và kế hoạch hóa gia đình…), từ đó đề xuất các quan điểm định hướng, mô hình, thể chế và hệ giải pháp cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới.
GS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, cho rằng: Dựa trên các giá trị phát triển cơ bản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các giá trị đặc thù về tự nhiên và xã hội đối với phát triển kinh tế Tây Nguyên. Chuyển đổi toàn diện cơ cấu nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh để đến năm 2020, vùng Tây Nguyên cơ bản có nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn tập trung; có sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững gắn với công nghiệp chế biến công nghệ cao…
Chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2011 – 2015, với nguồn đầu tư hơn 350 tỷ đồng đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. 65 đề tài, nhiệm vụ KH và CN của chương trình đã hoàn tất việc tổng kết, nghiệm thu và đánh giá. Vấn đề đặt ra là công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế đời sống của người dânTây Nguyên là hết sức cần thiết.
Từ năm 2014, bước đầu một số sản phẩm KH và CN như chất giữ ẩm đặc biệt, phân bón nhả chậm, thuốc trừ sâu sinh học, công nghệ nuôi cấy phôi bò sữa cao sản… đã góp phần giúp người sản xuất ở các địa phương Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng ứng phó với hạn hán, cải tạo đất, nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng. Tuy nhiên, còn nhiều kết quả nghiên cứu của chương trình như vấn đề khai thác và chế biến khoáng sản, công nghệ quản lý tài nguyên và môi trường, nền mạng viễn thông WIMAX không dây, bộ Atlas điện tử phục vụ công tác quản lý và lãnh đạo các cấp ở Tây Nguyên… cần sớm được chuyển giao, phát huy tác dụng và cuộc sống. Trong điều kiện thị trường Khoa học và Công nghệ khu vực Tây Nguyên hầu như chưa có gì, cũng như các yếu tố bất cập khác, nên chăng Nhà nước cần có cơ chế đặc thù trong việc khuyến khích xây dựng doanh nghiệp KH và CN, quan tâm hơn việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, kinh doanh ở khu vực này. Nếu không, có đầu tư bao nhiêu tiền của cho các chương trình nghiên cứu lớn thì kết cục "đắp chiếu" vần hoàn … “đắp chiếu".
Theo Nhandan.com.vn