Chuyên gia Hàn Quốc giới thiệu mô hình Nhà thụ động tự thích ứng với khí hậu
Ngày đăng: 13/08/2018 09:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/08/2018 09:50
Mô hình đang được ưa chuộng này giúp ngôi nhà tự duy trì được mức nhiệt độ dễ chịu trong phòng mà không cần dùng đến thiết bị điều hòa nhiệt độ hoặc có thể cắt giảm đến 80% năng lượng sử dụng các thiết bị này ở các mức nhiệt khác nhau.
TS Cho Dong Woo giới thiệu về mô hình nhà Passive House. |
Sáng 10/8, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã phối hợp với Viện công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) và Công ty TNHH Zenith International Vietnam tổ chức Hội thảo quốc tế Công nghệ mới về vật liệu xây dựng và giải pháp cho nhà ở thích ứng với khí hậu Việt Nam.
Tại đây, TS Cho Dong Woo - Viện công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT) - đã giới thiệu mô hình Passive House - Nhà thụ động mà theo ông đang giành được mối quan tâm lớn ở Hàn Quốc nhờ khả năng tự thích ứng với khí hậu của ngôi nhà: tự duy trì được mức nhiệt độ dễ chịu trong phòng mà không cần dùng đến thiết bị điều hòa nhiệt độ hoặc có thể cắt giảm đến 80% năng lượng sử dụng các thiết bị này ở các mức nhiệt khác nhau.
"Kỹ thuật này là sự kết hợp của nhiều công nghệ trong quá trình chế tạo vật liệu, thiết kế, thi công, trong khi luôn đảm bảo thân thiện với môi trường" - TS Cho Dong Woo nhấn mạnh.
Nói thêm về các kỹ thuật, ông Cho Dong Woo cho rằng, để cách nhiệt, các ngôi nhà thông thường phải sử dụng tường dày từ 15-40cm nhưng công nghệ của Passive House chỉ cần tường dày 5cm là đảm bảo hiệu quả như mong muốn. Kỹ thuật dán tấm cách nhiệt ra bên ngoài bức tường sẽ giúp ngăn cản nhiệt ngoài trời hấp thụ vào trong nhà. Hay như hệ thống cửa sổ sử dụng trong Passive House có 3 lớp thủy tinh siêu cách nhiệt. Trong đó, lớp kính giữa có màn chắn đảm bảo cách nhiệt theo yêu cầu của thiết kế mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, không hề khác biệt so với kính thường. Bên cạnh đó, các khe hở đều được dán bằng băng dính cách nhiệt để nhiệt không có trao đổi nhiệt giữa không gian bên ngoài và bên trong căn nhà.
TS Cho chia sẻ: "Các nghiên cứu tại Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, nhà Passive House giúp tiết kiệm tới 80% lượng điện sử dụng so với nhà thông thường nhưng giá thành thi công không quá đắt đỏ, đảm bảo tương đương giá xây dựng các căn nhà thông thường. Vì thế, mô hình nhà Passive House được cho là khả thi với tình hình điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam".
Theo TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, chất lượng cao, vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và thân thiện với môi trường cũng chính là định hướng của ngành xây dựng Việt Nam trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2017, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam là 37,5%, tăng 0,9% so với năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở đô thị của người dân vẫn tiếp tục tăng. Việt Nam cũng là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Với mục tiêu vừa tiếp tục xây dựng các công trình nhà ở, giao thông,... vừa đạt mục tiêu bảo vệ môi trường, yêu cầu sử dụng vật liệu tiêu tốn ít năng lượng trong quá trình sản xuất ra nó và giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ cho công trình khi đưa vào sử dụng được đặt ra bức thiết - TS Thành nhấn mạnh.
"Các vật liệu như xốp cách nhiệt, tấm lợp sinh thái, gạch bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng Low-E, tấm ốp đất sét nung... được coi là vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Tiềm năng sử dụng chúng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là rất lớn để hạn chế khí hậu nóng ẩm" - TS Thành nhận định.
Được biết, Chính phủ đã có định hướng phát triển bền vững ngành xây dựng với mục tiêu rõ ràng là "phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới". Theo đó, ngành xây dựng được yêu cầu tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế; và phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, chất lượng cao, vật liệu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và thân thiện với môi trường.
Theo KH&PT