Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020: Hoàn thành 5/6 mục tiêu
Ngày đăng: 24/12/2020 09:55
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/12/2020 09:55
Thông tin trên được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), đơn vị thường trực điều phối Chương trình, đưa ra tại lễ tổng kết sáng 23/12 tại Hà Nội.
GS Ngô Bảo Châu tham gia lễ tổng kết trực tuyến từ Chicago. |
Lễ tổng kết được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của những người khởi xướng và xây dựng chương trình quốc gia trọng điểm đầu tiên cho ngành Toán học, các thế hệ lãnh đạo VIASM, và đông đảo thành viên cộng đồng Toán học Việt Nam.
Báo cáo của VIASM cho biết, Chương trình đã hoàn thành 5 mục tiêu gồm: Xây dựng thành công Viện nghiên cứu cao cấp về Toán thành trung tâm Toán học xuất sắc ở khu vực; Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà toán học Việt Nam tập trung nghiên cứu, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc; Tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn; Đào tạo nguồn nhân lực tài năng toán học đạt kết quả tốt; Tổ chức các hoạt động phổ biến Toán học ra cộng đồng.
Để thu hút các nhà toán học thế giới và các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài tới nghiên cứu và đào tạo tài năng, Chương trình đã tổ chức các hội nghị quốc tế lớn và hội nghị chuyên ngành có tính chuyên sâu. Nhờ hoạt động như một "trung tâm nghiên cứu chung" của cộng đồng Toán học Việt Nam, tổ chức các nhóm chuyên môn, tập hợp các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đến làm việc ngắn hạn, củng cố các hướng nghiên cứu truyền thống và hình thành một số hướng nghiên cứu mới, VIASM đã được Hội Toán học châu Âu công nhận là “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực – Emerging Regional Centres of Excellence” giai đoạn 2013-2017 và 2019-2023. Đã có 172 nhóm nghiên cứu, 110 lượt cá nhân và hơn 1.000 lượt cán bộ nghiên cứu và khách mời (trong đó có gần 500 lượt khách mời quốc tế) đến VIASM làm việc. Giảng viên các trường đại học đến làm việc tại VIASM được hưởng chế độ biệt phái, tức là dành 100% thời gian cho nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Chương trình đã tổ chức 12 kỳ xét cấp học bổng với kinh phí hơn 51 tỷ đồng cho 2.200 sinh viên ngành toán và gần 4.000 học sinh THPT chuyên toán - mỗi suất học bổng trị giá từ 7,35 đến 10,43 triệu đồng/học kỳ.
PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành VIASM, cho biết, với vai trò điều phối Chương trình, các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo học sinh, sinh viên, giáo viên chuyên toán và gần đây là các giảng viên đại học của VIASM bao phủ gần hết các tỉnh thành phố của cả nước. Uy tín của VIASM đã được khẳng định qua các hội thảo quy mô, nơi các nhà nghiên cứu trong nước có dịp làm việc với các nhà nghiên cứu nước ngoài và xây dựng các ý tưởng mới cho công trình của mình. VIASM còn tổ chức nhiều hoạt hoạt động quảng bá, phổ biến Toán học ra cộng đồng như Ngày hội Toán học mở ở Hà Nội, TPHCM, Quy Nhơn, Cần Thơ; Trại hè toán học dành cho học sinh vùng sâu vùng xa cùng học sinh Hà Nội; xuất bản tạp chí Pi từ đóng góp của cá nhân GS Ngô Bảo Châu…
Mục tiêu duy nhất của Chương trình chưa thực sự được hoàn thành, theo báo cáo của VIASM, là xây dựng Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và 1-2 Khoa Toán ở các trường đại học lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực. Đây là mục tiêu cần được đầu tư đúng mức và mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo - báo cáo nhận định. Ngoài ra, cũng theo báo cáo, có hai giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện ở mức hạn chế. Thứ nhất, chưa triển khai được việc cử cán bộ, giảng viên Toán đi học tập nâng cao và trao đổi khoa học định kỳ ở nước ngoài. Thứ hai, giải pháp hỗ trợ một số đề tài nghiên cứu ứng dụng Toán học trọng điểm với kinh phí đủ cao đang gặp khó khăn về cơ chế tài chính, thậm chí một số đề tài đã được phê duyệt nhưng phải tạm dừng.
Trên cơ sở phân tích những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, VIASM cùng với Hội Toán học Việt Nam và Tổ chuyên môn Ban điều hành Chương trình đã xây dựng đề xuất cho giai đoạn tiếp theo 2021-2030 và vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt ngày 22/12/2020.
Theo PGS.TS Lê Minh Hà, mục tiêu tổng quát của Chương trình giai đoạn tới rất gần với mục tiêu giai đoạn 2010-2020, đó là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt - nghiên cứu, ứng dụng, và đào tạo - tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc CMCN lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Vị thế của Toán học Việt Nam
Với các thành tựu nêu trên, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được cho là đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 50-55 về số lượng công bố quốc tế lên ví trí trong khoảng 32-38 trên thế giới, tùy theo cách tính, và đứng đầu ASEAN.
PGS.TS Lê Minh Hà dẫn số liệu công bố khoa học dựa trên hệ thống Mathscinet của Hội Toán học Mỹ, một hệ thống trực tuyến phân loại và bình duyệt các tạp chí ngành Toán có uy tín, cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2019, số công bố của Việt Nam được thống kê trên hệ thống này tăng từ 300 lên 767, nhiều hơn Singapore, Thái Lan và Malaysia - các nước vốn xếp trên Việt Nam tại thời điểm năm 2010.
Đo lường theo 2 danh mục chính của Web of Science (SCIE và SSCI) cũng cho kết quả tương tự. Từ năm 2014, Việt Nam luôn dẫn đầu ASEAN về số lượng công bố ISI của ngành Toán - trước đó, vị trí này luôn thuộc về Singapore. Năm 2018, số lượng công bố ISI của ngành Toán Việt Nam xếp thứ 32 trên thế giới (304 bài).
Có thể nói, vấn đề thứ hạng của ngành Toán Việt Nam chính là gợi ý cho sự ra đời của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học.
Tại cuộc gặp mặt các nhà Toán học Việt Nam tham gia chấm thi IMO [Olympic Toán học Quốc tế] vào tháng 8/2007, GS Nguyễn Thiện Nhân – khi đó vừa được bầu làm Phó Thủ tướng - có hỏi các nhà Toán học về thứ hạng của ngành Toán Việt Nam. Nhớ lại, GS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, kể với cử tọa tại dự lễ tổng kết rằng câu trả lời khiến ông giật mình, vì sao Việt Nam thi IMO luôn nằm trong top 10 mà thứ hạng Toán học, theo đánh giá sơ bộ, lại ở vị trí 70. Bởi vậy, ông đã chỉ đạo tiến hành một nghiên cứu, đánh giá thực trạng Toán học Việt Nam, và trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược với mong muốn đưa thứ hạng Toán học Việt Nam lên ít nhất là 50, hoặc tốt hơn là 40-35.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT Trần Văn Nhung nhận quà lưu niệm từ VIASM. |
Quá trình phê duyệt Chương trình là cuộc chạy đua với thời gian: Vì biết ngày 19/8/2010, GS Ngô Bảo Châu nhận giải Fields ở Ấn Độ, ông muốn Chương trình phải được ký phê duyệt chậm nhất vào ngày 17/8 cùng năm, để sau khi nhận giải Fields, GS Châu biết Việt Nam đã có chương trình hoạt động lớn cho ngành Toán học và có thể lấy đó làm “chỗ đi về, chỗ gắn bó nhiều năm nữa”, GS Nguyễn Thiện Nhân kể.
Bấy giờ, các chương trình do Chính phủ ký chỉ được phê duyệt kinh phí nhiều nhất là 5 năm và mỗi năm duyệt chi 1 lần. Nhưng với Chương trình này, Chính phủ nhất trí phê duyệt kinh phí luôn cho 10 năm. “Đây là điều rất ngoại lệ,” GS Nhân khẳng định. “Để các nhà toán học thấy Chính phủ quyết tâm làm Toán.”
Ngoại lệ thứ hai xảy ra trong quá trình xây dựng cơ chế tài chính cho VIASM, đơn vị sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến mời chuyên gia nước ngoài và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, tức là phải có kinh phí cho người đến học, đến làm việc ngắn hạn.
Lúc đó, do Chính phủ chưa có định mức cho các khoản chi này nên đã “giao cho thầy Châu và Bộ [Giáo dục và Đào tạo] xây dựng”, theo GS Nhân.
Ông nhận xét, đây là một điều rất đặc biệt mà sau này Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc VKIST khi làm quy chế có tham khảo mô hình của VIASM, nhưng đến nay còn chưa được thông qua cơ chế “có quyền chi khác, chi theo nhu cầu”.
Chính phủ rất quyết tâm nên mới có chỗ cho những đột phá về cơ chế như vậy, GS Nhân kết luận.
Được biết, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt với tổng kinh phí 651 tỷ đồng và tổng kinh phí cấp về VIASM là 272 tỷ đồng, trong đó hơn 127 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình và 145 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của VIASM. Ngoài ra, 10 năm qua, Chương trình đã thu hút thêm được đóng góp, tài trợ khoảng 517 triệu từ các doanh nghiệp và 10 nghìn USD từ các đơn vị, tổ chức ở nước ngoài.
Phát biểu từ Chicago, GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học tại VIASM từ năm 2011 đến nay - gửi lời cảm ơn những người đã khởi xướng và xây dựng Chương trình, tạo tạo điều kiện cho VIASM hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa hoạt động của VIASM vào nề nếp, và nối tiếp xuất sắc công việc của những người tiền nhiệm, trong đó ông có nhắc đến GS Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, GS Ngô Việt Trung, GS Lê Tuấn Hoa, GS Nguyễn Hữu Dư, PGS Lê Minh Hà… |
Theo Khoahocphattrien