Chiến lược phát triển ngành cơ khí: cú hích từ Khoa học và Công nghệ
Ngày đăng: 01/07/2014 18:58
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 01/07/2014 18:58
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí cho thấy các chỉ tiêu còn hầu như chưa đạt, chính vì vậy mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Để thực hiện được nhiệm vụ này, khoa học và công nghệ (KH&CN) được xem như một cú hích quan trọng để tạo lực đẩy cho ngành cơ khí phát triển.
Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hoá thành công đạt 30%
Không hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược
Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò và vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành cơ khí đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên, tạo sự chuyển biến bước đầu ở một số lĩnh vực, như chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo dàn khoan dầu khí, thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các dự án xi măng, đóng tàu, các công trình thiết bị toàn bộ v.v.. Một số cơ quan nghiên cứu - thiết kế và doanh nghiệp sản xuất cơ khí đã từng bước đổi mới, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế, chế tạo thiết bị và công nghệ, tham gia thực hiện một số gói thầu của các dự án trọng điểm quốc gia. Giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí năm 2013 đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Những kết quả đạt được của ngành cơ khí đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cơ khí nước ta còn một số hạn chế và yếu kém: việc triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí còn hạn chế và thiếu nhất quán; vai trò quản lý, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được phát huy. Các doanh nghiệp cơ khí nhà nước chậm đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, ít quan tâm đến đầu tư vào ngành cơ khí. Việc đầu tư trong ngành cơ khí còn ít và mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; thiếu sự phối hợp, phân công lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành, chưa chủ động tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế; tính chuyên môn hóa trong sản xuất thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, vai trò và tính chủ động của các Hiệp hội chưa được phát huy.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan nêu trên, còn có những nguyên nhân khách quan như cơ cấu hạ tầng công nghiệp chưa hợp lý, các điều kiện hạ tầng công nghiệp chưa đủ vững chắc để phát triển ngành cơ khí nhanh và bền vững. Các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản như ngành luyện kim, hóa chất, nhựa chưa đảm bảo chủ động được đầu vào cho ngành cơ khí. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí phát triển rất chậm, năng lực nghiên cứu - thiết kế còn hạn chế. Việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giao thầu/chỉ định thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm, sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước và quản lý các gói thầu EPC chưa nghiêm túc và triệt để, thiếu sự kiểm tra đôn đốc của các cơ quan chức năng, thiếu các chế tài cụ thể v.v.. Năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước, không hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược.
Cần cú hích về KH&CN
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ban hành ngày 18/6/2004 về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cơ khí; ưu tiên bố trí nguồn vốn khoa học và công nghệ để hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.
Cần nhấn mạnh rằng, trước đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành cơ khí đối với việc phát triển công nghiệp đất nước, Bộ KH&CN đã có Chương trình Nghiên cứu khoa học Cơ khí chế tạo KC.05/06- 10 là chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước. Trong quá trình thực hiện từ năm 2006 - 2010, Chương trình đã đem lại những kết quả đáng kể… Nhiều đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí chế tạo đã được nghiệm thu và ứng dụng trong thực tiễn. Do đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành Cơ khí chế tạo Việt Nam được xác định tiếp tục cần hiện đại hóa, trong đó lấy KH&CN làm trọng tâm.
Qua 5 năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ KHCN đã được Ban chủ nhiệm tuyển chọn, đề xuất đưa vào chương trình như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị cho Nhà máy nhiệt điện 600MW; trạm thủy điện 20MW; nhà máy xi măng 1 triệu tấn/năm; tàu chở dầu 100 ngàn tấn…
Hầu hết các sản phẩm của đề tài, dự án trong chương trình là sản phẩm mới có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng và đều có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như: máy vớt bèo, cắt rong, cỏ dại dưới nước; máy CNC sản xuất bê tông cốt thép kích thước lớn; hệ thống thiết bị sản xuất các tinh dầu, dầu gia vị; xe cần cẩu bánh xích 100 tấn; hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay; máy cắt vật liệu cứng bằng tia nước áp lực cao điều khiển CNC; máy đo tọa độ 3D; máy dập cắt vật liệu điều khiển CNC trong ngành giày dép...
Trong giai đoạn 2011 - 2020, cơ khí chế tạo được xác định giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để khẳng định vai trò đó, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng KHCN đảm bảo cho phát triển nhanh, bền vững.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực KHCN trình độ cao, kiến thức hiện đại cho ngành cơ khí chế tạo Việt Nam bằng cách cử sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân kỹ thuật đi học nước ngoài một cách đồng bộ. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí đào tạo đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm mới. Tăng cường tiềm lực nghiên cứu phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp cơ khí. Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư sản xuất và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy; tạo điều kiện cho các hội KHCN ngành nghề có kinh phí để thẩm định thông tin, giúp đỡ, hoàn thiện các sáng kiến, sáng chế của nông dân, công nhân; khuyến khích các doanh nghiệp chủ trì các dự án sản xuất. Đẩy nhanh quá trình “tích tụ vốn” đối với doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN ngành cơ khí chế tạo.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, để ngành cơ khí phát triển, Nhà nước cần bảo hộ thị trường có điều kiện và thời hạn, đồng thời chỉ định thầu một số dự án hoặc hoặc liên doanh để các doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận và có thể làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo. Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực làm tổng thầu với tỷ lệ nội địa hoá thành công đạt 30% nếu được hỗ trợ về mặt thị trường thông qua các chính sách chỉ định thầu. Việc này không những tạo việc làm cho người lao động, mà góp phần từng bước làm chủ công nghệ, làm chủ thiết kế.
Theo Truyenthongkhoahoc