Chìa khóa thành công để thực hiện Chính phủ số
Ngày đăng: 27/02/2019 13:43
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/02/2019 13:43
Mấu chốt để triển khai thành công mô hình chính quyền điện tử không phải xuất phát từ hiểu biết công nghệ, mà phải đi từ việc thấu hiểu nỗi đau của “khách hàng”, mà ở đây chính là người dân và doanh nghiệp. Cơ hội này đang mở ra với Việt Nam trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Đây là chia sẻ của TS Phương Trầm, nguyên CIO của Tập đoàn DuPont, Mỹ, hiện là Tư vấn trưởng về chuyển đổi số của Tập đoàn FPT, tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh diễn ra gần đây.
TS Phương Trầm chia sẻ, lần đầu tiên tới Quảng Ninh, cách mạng công nghiệp 4.0 làm ai cũng tỏ vẻ lo ngại. Vì đó là những thuật ngữ chuyên ngành, là những công nghệ lần đầu được nhắc đến và là những thay đổi mà trước đó ít ai nghĩ tới.
Tuy nhiên, ông Phương Trầm cho rằng, mấu chốt để triển khai thành công mô hình chính quyền điện tử không phải xuất phát từ hiểu biết công nghệ, mà phải đi từ việc thấu hiểu nỗi đau của “khách hàng”, mà ở đây chính là người dân và doanh nghiệp.
Để cắt nghĩa điều này, CIO Phương Trầm đã nhắc đến Estonia như một hình mẫu. Với người dân đất nước Bắc Âu này, "nỗi đau" của họ chính là sự lãng phí thời gian cho các thủ tục hành chính rườm rà “nhiều ngày” và qua "nhiều cửa".
Đầu những năm 2000, Estonia bắt đầu ứng dụng hàng loạt công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính và vận hành bộ máy chính quyền, bao gồm xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức; hệ thống phục vụ họp Chính phủ; hệ thống tham vấn chính sách hệ thống Tòa án điện tử...
Sự chuyển biến đã ngay lập tức diễn ra. Các cơ quan nhà nước có thể cung cấp tới 99% các dịch vụ trực tuyến cho người dân, tiết kiệm tới 800 năm làm việc mỗi năm. Đầu tư cho công nghệ thông tin ban đầu của Estonia ở mức 1,4 % nhưng hiệu quả thu được chiếm 2% GDP.
Trên thực tế, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để triển khai Chính phủ điện tử như nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và sự sẵn sàng hợp tác của người dân. Theo thống kê, năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực “bắt tay” xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử. Hiện, Quảng Ninh đang trở thành trường hợp điển hình cho quá trình "lột xác", dù mới tiến hành 2/5 giai đoạn của Chính phủ số.
Mỗi năm, Quảng Ninh tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí nhờ áp dụng những phần mềm quản lý công. Đây là tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI năm 2017, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Mô hình chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh cũng là hình mẫu để nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm triển khai.
Tháng 11/2018, Quảng Ninh với điểm nhấn là hệ thống Chính quyền điện tử do FPT triển khai đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương vinh danh ở hạng mục Chính quyền số xuất sắc.
Đồng nhất với quan điểm của ông Phương Trầm, đại diện lãnh đạo Quảng Ninh chia sẻ, các mục tiêu trước mắt mà Quảng Ninh cần tập trung liên quan đến việc số hóa, tập trung và chia sẻ dữ liệu, tiết kiệm thời gian cho người dân. Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh sẽ lồng ghép giữa xây dựng thành phố thông minh và chính phủ số.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ tích hợp và khảo sát các dự án tại TPHCM, khảo sát trình độ dân trí của người dân. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trên cơ sở phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Đọc cho biết.
Bên cạnh đó, TS Phương Trầm cũng chỉ ra 3 yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công khi xây dựng chính quyền điện tử, đó là sự sẵn sàng của lãnh đạo, sẵn sàng của tổ chức và sẵn sàng của công nghệ. Trong đó, lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất. Họ không cần phải là người biết thật sâu về kỹ thuật, cái họ cần là "đam mê" và "khát vọng".
"Lãnh đạo không phải là người bắt tay vào viết phần mềm, họ phải là người trả lời cho câu hỏi 4.0 để làm gì, để phục vụ ai", ông Phương Trầm khẳng định.
Theo Chinhphu.vn