Chế phẩm sinh học biến phế thải trồng nấm thành phân bón sạch
Ngày đăng: 25/05/2020 14:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/05/2020 14:10
Sau 3 năm ròng rã nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm sinh vên đã cho ra đời chế phẩm sinh học tạo ra phân bón hữu cơ từ phế liệu trồng nấm, mang lại lợi ích kép cho bà con nông dân.
Nhóm sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một gồm Huỳnh Văn Sĩ, Phạm Tuấn Anh, Trương Diễm Linh và Huỳnh Trọng Tuấn nhận Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2019. |
Trong những năm gần đây, ngành trồng nấm ở Việt Nam rất phát triển, đem lại lợi ích kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nấm trong nước cũng như xuất khẩu. Song song đó, việc trồng nấm cũng tạo ra lượng bã thải lớn, nhưng không được người trồng xử lý mà để chúng mục tự nhiên kéo dài từ vài tháng đến vài năm, sau đó bón trực tiếp cho cây nên hiệu quả thấp.
Ở những cơ sở trồng nấm lớn, lượng bã thải để tồn đọng quá nhiều có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thẩm mỹ, sức khỏe của người dân sống xung quanh…
Thấy vậy, nhóm sinh viên của trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) gồm Huỳnh Văn Sĩ, Phạm Tuấn Anh, Trương Diễm Linh và Huỳnh Trọng Tuấn đã thảo luận và bắt tay vào nghiên cứu đề án “Chế phẩm sinh học TDM EM Beta giúp sản xuất phân hữu cơ từ phế liệu sau khi trồng nấm”.
Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm sinh học TDM EM Beta giúp tạo ra phân hữu cơ sạch, hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất, giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, người tiêu dùng sẽ yên tâm về những sản phẩm nấm sạch, có chất lượng tốt mà giá thành lại thấp…
Suốt 3 năm ròng nghiên cứu, khó khăn lớn nhất mà nhóm đối mặt là xác suất thành công thấp, do phải trải qua nhiều phép thử trước khi có sản phẩm hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thực hiện cũng như kinh nghiệm của các thành viên còn hạn chế. Nhóm phải vừa nghiên cứu, vừa vận động vốn và tích lũy thêm kiến thức khiến thời gian thực hiện đề án kéo dài.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực cũng được đền đáp khi đề án hoàn thành và cho ra đời nhiều sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Đề án đã được ứng dụng ở một số khu vực và mang lại hiệu quả cao. Nhóm nghiên cứu đã trao tặng và bán cho một số hộ dân có nhu cầu, tạo ra nguồn phân hữu cơ hữu ích mang lại lợi nhuận cao cho khách hàng", Huỳnh Văn Sĩ, một thành viên trong nhóm, cho biết.
Mới đây, nhóm nghiên cứu đã mang đề án đi dự Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2019 và đạt giải ba. Đại diện của nhóm chia sẻ: “Qua cuộc thi này, chúng em nhận thấy sản phẩm mình còn nhiều sai sót cần điều chỉnh lại. Vì để bán được sản phẩm, không chỉ cần một sản phẩm tốt mà phải có định hướng phát triển rõ ràng, marketing hợp lí và hiệu quả để đưa sản phẩm chất lượng đến người trồng nấm.”
Nhóm cũng cho biết sắp tới sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi từ khách hàng, từ đó nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm.
Cũng trong năm 2019, đề án “Chế phẩm sinh học TDM EM Beta giúp sản xuất phân hữu cơ từ phế liệu sau khi trồng nấm” của nhóm sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã lọt vào top 20 dự án khởi nghiệp Quốc gia.
Theo Khampha.vn