Châu Âu bật đèn xanh cho chỉnh sửa gene trong nông nghiệp
Ngày đăng: 17/05/2021 10:48
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/05/2021 10:48
Với những quy định mới về kỹ thuật gene do Hội đồng châu Âu mới đây đưa ra, các nhà khoa học và ngành nông nghiệp châu Âu có nhiều hi vọng về cơ hội sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene mới trong ngành nông nghiệp.
Các kỹ thuật hệ gene mới giúp cây trồng có khả năng chống chịu với bệnh tật và các điều kiện môi trường khắc nghiệt mà không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón. |
Trên trang web của mình, Ủy ban châu Âu đã chính thức công bố một nghiên cứu liên quan đến các kỹ thuật hệ gene mới. Theo nghiên cứu, những quy định của EU về kỹ thuật gene từ những năm 2000 đã lạc hậu, không còn phù hợp với một số kỹ thuật hệ gene mới, do đó cần phải có những quy định mới để có thể khuyến khích sự phát triển của KH&CN trong lĩnh vực này. Mặt khác, nghiên cứu đã xác nhận ích lợi của các sản phẩm do kỹ thuật hệ gene tạo ra là đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực bền vững mà Thỏa thuận Xanh và Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn EU đặt ra...
Trên thực tế thì 20 năm qua, các kỹ thuật hệ gene mới và các sản phẩm từ công nghệ đó đã phát triển ở nhiều khu vực trên thế giới với một số ứng dụng mà ngay lập tức một số đối tác thương mại của EU đã chấp nhận. Do đó, khung pháp lý hiện hành của EU đã tác động tiêu cực đến các nghiên cứu công và tư cũng như các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chỉnh sửa gene ở EU.
Với nghiên cứu mới này, Ủy ban châu Âu đã nhận biết được tiềm năng của chỉnh sửa gene và lưu ý đến những nghiên cứu có thể dẫn đến các ứng dụng thương mại đang được thực hiện ở ngoài châu lục.
Những lợi ích rộng lớn
Ủy ban châu Âu đã đưa những kết quả của nghiên cứu mới ra để tìm hiểu phản ứng của các quốc gia thành viên, đánh giá liệu kỹ thuật chỉnh sửa gene có thể được áp dụng một cách an toàn cho những ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp và dược phẩm không. Bản thân nghiên cứu này cũng được thực hiện dựa trên quan điểm của các chuyên gia khoa học và tư vấn chính sách của Ủy ban châu Âu cũng như quan điểm của các quốc gia thành viên, các bên liên quan.
Năm 2018, một năm sau lời kêu gọi của Hội đồng Kinh tế sinh học Đức thì việc nhân giống cây trồng thông qua kỹ thuật chỉnh sửa gene vẫn phải đối mặt với lệnh cấm của Tòa án Công lý châu Âu khi cho rằng các kỹ thuật này cũng là đối tượng bị cấm như cây trồng biến đổi gene (GMOs) năm 2001. Các nhà nghiên cứu và các công ty nông nghiệp đã chỉ ra là các cây trồng phát triển từ những kỹ thuật nhân giống hiện đại hoàn toàn khác với việc đưa các gene từ những loài khác vào cây trồng GMO. Chỉnh sửa gene bằng kỹ thuật Crispr-Cas9 và các kỹ thuật liên quan có thể cải thiện được các đặc tính cây trồng mà không đưa DNA ngoại lai vào cây.
Giờ đây, các quan điểm của giới chức đã dần thay đổi. “Chỉ dẫn GMO không phù hợp với các công nghệ mới này. Cuối cùng, chúng tôi hạnh phúc khi thấy Ủy ban châu Âu đem ra kết luận tương tự”, Petra Jorasch, người phụ trách về đổi mới sáng tạo trong nhân giống cây trồng thuộc nhóm công nghiệp Euroseeds nói với Science|Business.
Các nhà nghiên cứu hệ gene và các công ty nông nghiệp chào đón báo cáo đề xuất ứng xử pháp luật của EU về GMO sau một thời gian dài chờ đợi. Kết quả có thể là cho phép sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene cho vụ mùa. Oana Dima, nhà quản lý chính sách khoa học tại EU-SAGE, một nhóm các nhà khoa học từ 134 hội, viện nghiên cứu khoa học cây trồng châu Âu, nói, “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc là Ủy ban châu Âu đã xem xét đến tình trạng tiêu cực mà khung quy định hiện hành tác động đến nghiên cứu ở châu Âu”.
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, các công nghệ mới có thể giúp việc sản xuất lương thực, thực phẩm của EU thêm bền vững với những cây trồng mới có khả năng chống chịu với bệnh tật và các điều kiện môi trường khắc nghiệt mà không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón.
Thêm vào đó, EU đang có kế hoạch trung hòa carbon của lục địa đến năm 2050 và nông nghiệp bền vững là một phần của kế hoạch. Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn của họ có mục tiêu giảm thiểu lượng phân bón xuống 30% và đưa 25% diện tích đất nông nghiệp thành trồng trọt hữu cơ. Chương trình đầu tư cho nghiên cứu lớn nhất châu Âu Horizon Europe sẽ rót kinh phí để cải thiện đất đai và giảm thiểu phân bón, kháng sinh trong nông nghiệp. “Các kỹ thuật gene mới có thể thúc đẩy sự bền vững trong sản phẩm nông nghiệp, theo mục tiêu chiến lược này”, Stella Kyriakides, ủy viên Ủy ban châu Âu về y tế và an toàn thực phẩm, nhận xét.
Đề xuất pháp lý
Tuy nhiên việc gỡ bỏ những quy định vô lý còn mất nhiều thời gian. Ủy ban châu Âu sẽ trình bày kết quả báo cáo lên Hội đồng châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ cùng nêu ý kiến về vấn đề này sau đó. Họ sẽ tư vấn cho Nghị viện châu Âu và thiết lập một đề xuất pháp lý vào cuối năm nay. “Bất kỳ một đề xuất nào về pháp luật sẽ cần được sự ủng hộ của Nghị viện và hội đồng châu Âu”, Jorasch lưu ý.
Dù các quốc gia EU đều đồng ý là khung pháp luật hiện hành không còn phù hợp nhưng lại thiếu đồng nhất về một cách tiếp cận chung với chỉnh sửa gene. Jorasch cho biết việc thương thuyết sẽ rất phức tạp bởi vì quyết định của các quốc gia thành viên có thể bị các bộ nông nghiệp và môi trường bác bỏ. “Vẫn cần thêm thảo luận nữa”, bà nói. “Các bộ trưởng nông nghiệp dường như ủng hộ nhưng các bộ trưởng môi trường thì lại rất cứng rắn”. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức Svenja Schulze cho rằng các quy định hiện hành của EU với GMOs phải được tiếp tục áp dụng với chỉnh sửa gene, vì vậy sản phẩm cũng cần được xem xét và dán nhãn rủi ro. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Julia Klöckner thi ủng hộ tín hiệu của báo cáo từ Ủy ban châu Âu như một báo hiệu “về sự hiện đại hóa quá hạn” của khung quy định GMO.
Bên cạnh đó cũng có những rào cản tiềm năng từ một số quốc gia, một số nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ phản đối bất kỳ sự thay đổi nào, tranh luận về lợi ích của chỉnh sửa gene mới trên lý thuyết. Các tổ chức nông nghiệp hữu cơ cho rằng các kỹ thuật chỉnh sửa gene mới phải được đi kèm với cảnh báo và lưu ý là việc cho phép kỹ thuật mới trong nông nghiệp có thể làm suy yếu chiến lược từ trang trại đến bàn ăn.
Nhóm vận động môi trường Friends of the Earth cũng cảnh báo những sản phẩm đồ ăn từ nguyên liệu chỉnh sửa gene có thể không bị dán nhãn như GMOs và quy định mới có thể miễn chúng khỏi kiểm tra an toàn sinh học nhưng các nông dân hữu cơ và nông dân canh tác truyền thống đều bị de dọa với quy định mới. “Tôi nghĩ có một số vấn đề nền tảng chung. Chúng ta cần tìm ra cách để đảm bảo tất cả cùng tồn tại”.
Theo Khoahocphattrien