Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học-công nghệ
Ngày đăng: 11/12/2017 16:00
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/12/2017 16:00
Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho DN. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 được coi là “bước chuyển mạnh” khi chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu - vốn được đánh giá là "rừng" thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Để có thể thực hiện tốt được Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ còn nhiều việc phải làm và sớm có lộ trình giải quyết các tồn đọng trong thời gian tới.
Để làm rõ hơn về nội dung trên, ngày 8/12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm".
Đến dự Tọa đàm là: Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ;
Dưới đây là nội dung Tọa đàm:
Thưa ông Nguyễn Hoàng Linh, xin ông cho biết tình hình rà soát danh mục các loại hàng hóa nhóm 2. Cần phải đổi mới cách quản lý như thế nào khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để vẫn quản lý được rủi ro của chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng vẫn có thể tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các quy định này?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trước đây như chúng ta thấy, sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn gọi tắt là hàng hóa nhóm 2 đều phải kiểm tra trước khi thông quan. Tuy nhiên, trong thời gian đó chúng ta thấy có nhiều bất cập xảy ra khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành này. Chính vì vậy theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 cũng như Nghị quyết 75 của Chính phủ, Chính phủ đã có chỉ đạo đến tất cả các Bộ, ngành trong việc rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2 xem cái nào xứng đáng để xem xét, tìm các cơ chế chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm các chi phí, vướng mắc, bất cập, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng thêm mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp cùng 12 Bộ, ngành để tổ chức rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2 để xem xem cái nào nên để, cái nào nên loại bỏ ra khỏi danh mục. Qua đó, chúng tôi cũng tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để ban hành cơ chế hậu kiểm thay vì cơ chế tiền kiểm hiện nay được áp dụng rộng rãi tại các Bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Thưa ông Đậu Anh Tuấn, hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng... Tuy nhiên, danh mục này đang quá rộng, vậy để thu hẹp diện quản lý cần có những tiêu chí gì?
Ông Đậu Anh Tuấn: Chúng tôi rất chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo đảm sự an toàn, bảo đảm quyền lợi người têu dùng, bảo vệ môi trường và những trách nhiệm quản lý nhà nước khác. Tuy nhiên, nếu lợi dụng việc đó thì cũng sẽ tạo ra những gánh nặng rất lớn về mặt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp và tạo ra sự kém cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ vừa rồi cũng đã có chỉ đạo, Nghị quyết 19 cũng nêu rõ nhiệm vụ trung tâm của các bộ, ngành thời gian tới phải giảm danh mục hàng hóa nhóm 2, tức là chỉ tập trung vào nhóm hàng hóa có nguy cơ lớn, có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, môi trường, sức khỏe cộng đồng chứu không phải kiểm tra tràn lan như thời gian vừa rồi.
Cũng có tình trạng hiện tại việc lạm dụng kiểm tra cũng ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, trước đây, kiểm nghiệm focmandehit, xác xuất tìm thấy nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất ít, tỷ suất 1/1000 nhưng doanh nghiệp phải chi trả chi phí rất lớn. Điều đấy cho thấy cần phải giảm danh mục hàng hóa nhóm 2. Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra chuyên ngành từ 30% giảm xuống còn 15% trong thời gian tới. Do vậy, trách nhiệm của các ộ, ngành là rà soát lại các nhóm mặt hàng xem nhóm nào có thể loại trừ ra khỏi danh mục ấy trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Linh có ý kiến như thế nào về nội dung này?
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN. |
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Bản chất sản phẩm hàng hóa có nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng và xã hội hay không? Và có nhiều sản phẩm sau một thời gian chúng ta kiểm soát chặt chẽ từ tiền kiểm thì doanh nghiệp có ý thức dần lên và giảm tỷ lệ các sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn. Các cơ quan cần phải cân nhắc để có thể điều chỉnh giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một trong các nhóm nguyên nhân chủ yếu mà chúng ta cũng cần xem xét để loại bỏ chính là các tiêu chí tiền kiểm đã có sẵn các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật. Trên thực tế có nhiều nhóm sản phẩm hàn hóa nhóm 2 vẫn chưa rõ các tiêu chí kiểm tra, chưa rõ các cách thức để kiểm tra cụ thể theo các tiêu chí này.
Đây cũng là cái chúng ta cần loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 hay nói cách khác chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra, cơ quan quản lý nhà nước bỏ ra để phục vụ cho cái công tác kiểm tra chuyên ngành nó quá lớn so với cái rủi ro mà nó có thể gây ra cho xã hội, cho người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018. Vậy việc rà soát này Bộ Khoa học công nghệ triển khai như thế nào để thực hiện mục tiêu Phó Thủ tướng đặt ra, thưa ông Linh?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đây là một chỉ tiêu trong Nghị quyết 15 của Chính phủ và tôi cho rằng đây là một chỉ tiêu hết sức thách thức đối với tất cả các bộ, ngành.
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian vừa rồi, chúng tôi cũng hết sức nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng 12 bộ, ngành rà soát, xem xét, trao đổi, chia sẻ các biện pháp quản lý và chia sẻ thực sự những vướng mắc không chỉ của doanh nghiệp mà của cả chính cơ quan quản lý chuyên ngành để xem xem trong thời gian vừa rồi nó bị vướng những cái gì và cách thức giải quyết ra sao.
Cho đến nay, các bộ, ngành cũng hết sức nỗ lực cùng chung tay với Bộ KH&CN để triển khai công việc này. Trong thời gian vừa qua, các bộ, ngành cũng chỉ đạo rất quyết liệt để triển khai chủ trương này của Chính phủ và có một số bộ ngành đã có những kết quả tương đối tích cực: Bộ KH&CN đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa trước đây phải tiền kiểm thì nay chỉ hậu kiểm. Bộ Xây dựng đã cắt giảm các nhóm hàng vật liệu xây dựng không cần phải kiểm tra tiền kiểm. Bộ Công Thương đã bước đầu đưa các nhóm sản phẩm tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là giảm 50% từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đích đến là tháng 6/2018, tôi cho rằng để chuyển đổi sang mặc dù Bộ KH&CN đã ban hành cơ chế hậu kiểm để các bộ, ban, ngành có thể căn cứ vào đó để có thể điều chỉnh phương thức quản lý đối với nhóm sản phẩm mà Bộ, ngành phân công nhưng cần có thời gian để điều chỉnh và đưa hành động vào thực tiễn.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chưa đầy đủ, vậy liệu việc chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm có khả thi không thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Nếu sản phẩm hàng hóa không có tiêu chuẩn kĩ thuật hoặc không có quy chuẩn kĩ thuật quốc gia thì không chỉ là hậu kiểm mà tiền kiểm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, có những trường hợp chúng ta đưa các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 vào nhưng không rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn là gì. Đây là điều kiện tiên quyết mà chúng ta phải rà soát cũng như mục tiêu rà soát của các Bộ, ngành trong thời gian vừa rồi. Về phía Bộ KH&CH, tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ gây mất an toàn đều được xác định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ông Đậu Anh Tuấn: Cũng có tình trạng một số ngành không tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và đang áp dụng các hình thức khác. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đang phản ứng về Nghị định 38 của Chính phủ trong lĩnh vực y tế và an toàn thực phẩm. Trong nhiều năm thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm thì việc ban hành các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thực phẩm rất hạn chế và hiện nay đang áp dụng theo hình thức là phải xin giấy công nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Đây là một hình thức nhiều doanh nghiệp cho rằng nó không có căn cứ pháp luật và thủ tục xin giấy xác nhận đó cũng rất khó khăn. Chính doanh nghiệp cũng cho rằng các bộ ngành cần tích cực giành nhiều thời gian và nỗ lực theo hướng dẫn của Bộ KH&CN cần nhanh chóng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật doanh nghiệp chỉ công nhận hợp quy hợp chuẩn thì nó rõ ràng, minh bạch hơn.
Thứ hai, chúng tôi thấy rằng phải linh hoạt và thực tế bởi vì hiện nay có doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel đang hoạt động ở Việt Nam, khi người ta nhập khẩu những con chip trong phòng thí nghiệm, nó chưa hề xuất hiện trên thị trường, thậm chí thế giới chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng khi nhập về Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất nhà máy thì vẫn bị kiểm tra. Không hiểu anh lấy quy chuẩn nào để kiểm tra. Nó gây ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp.
Việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, những gì hiện nay không phù hợp thực tiễn thì phải rà soát, loại bỏ là hết sức quan trọng nếu thực sự muốn triển khai hiệu quả cách quản lý đổi mới này. Tính đến thời điểm này, Bộ đã rà soát, cắt bỏ được bao nhiêu văn bản thưa ông Linh?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Về phía Bộ Khoa học & Công nghệ, toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật đã được Bộ rà soát trong suốt thời gian vừa rồi. Cụ thể, có một loạt các Nghị định đã được rà soát và trình Chính phủ ban hành; một số Nghị định sắp được ban hành. Hy vọng đến cuối năm nay sẽ có kết quả cụ thể.
Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động ban hành Thông tư 02 quy định khung pháp lý để các Bộ, ngành chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm và bộ cũng ban hành ngay Thông tư 07 tức là áp dụng cơ chế hậu kiểm đó cho các nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, để hậu kiểm cần phải có một số văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, phục vụ các cơ quan điều tra trong quá trình hậu kiểm đều đã được trình để ban hành.
Công tác hậu kiểm đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng liệu có gây ra sự buông lỏng trong quản lý chất lượng hàng hoá hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tiền kiềm bao giờ cũng chặt chẽ hơn hậu kiểm. Với tiền kiểm, doanh nghiệp phải chứng minh tất cả các khía cạnh có khả năng rủi ro, có khả năng gây mất an toàn cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi được đưa vào thị trường Việt Nam. Còn với hậu kiểm, có thể những tiêu chuẩn đó họ chứng minh sau và dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa có thể chứng minh sau. Chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn do chính doanh nghiệp quyết định, nếu người ta có ý thức bảo vệ thương hiệu thì công tác hậu kiểm sẽ không khó khăn và không thể gọi là buông lỏng. Đối với các doanh nghiệp không quan tâm đến chất lượng hàng hóa của mình hoặc các doanh nghiệp cố tình gian dối trong việc đảm bảo chất lượng phù hợp với các quy chuẩn kĩ thuật quốc gia thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn trong việc xử lý hậu kiểm.
Nếu thời gian kiểm tra đánh giá hàng hóa rút ngắn, thì kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa có bảo đảm chính xác hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Chất lượng của sản phẩm hàng hóa đầu tiên phải do chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm và đảm bảo nó phù hợp hay không. Ở đây, công tác kiểm tra không phải giảm bớt đi hay cắt ngắn bớt đi mà đơn giản là nó thay vì phải kiểm tra tất cả các công đoạn đó trước khi thông quan thì nay nó được chuyển sang sau thông quan. Vì vậy, doang nghiệp sẽ được giảm bớt các chi phí như thuê kho, lưu bãi,... nhưng họ vẫn phải đảm bảo các bằng chứng kĩ thuật để chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước là sản phẩm này đáp ứng quy chuẩn.
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi nhất trí với quan điểm của ông Linh. Ở đây không có nghĩa là từ bỏ quản lý nhà nước mà chỉ chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nó đưa ra một thông điệp rất rõ là doanh nghiệp cứ kinh doanh, nhà nước sẽ giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ tốt. Chúng tôi thấy việc chuyển đổi này rất phù hợp.
Chúng tôi cũng đánh giá rất cao Bộ KH&CN. Thông tư 07/2017 quy định, doanh nghiệp nào 3 lần thông quan liên tiếp mà không vi phạm pháp luật được miễn kiểm tra trong vòng 1 năm. Đây là một xu hướng rất tốt, nó đưa ra một thông điệp rất quan trọng đối với doanh nghiệp là nếu anh làm ăn nghiêm túc, nếu anh nghiêm túc chấp hành thì thủ tục hành chính sẽ giảm, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cũng sẽ được giảm. Việc quản lý theo hình thức mới góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng phải tính đến rủi ro. Những ngành hàng nào có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, những doanh nghiệp nào có tiền sử vi phạm pháp luật cao thì cơ quan quản lý nhà nước phải đưa vào “tầm ngắm” và áp dụng hình thức kiểm tra chặt chẽ hơn.
Theo phản ánh của doanh nghiệp thì công tác kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa sau khi có các văn bản của Bộ vẫn còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Vậy giải pháp nào để giải quyết tình trạng đó thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Thường mọi thay đổi phải có độ trễ nhất định. Hiện nay các bộ đang chuyển mình, nghĩa là đang lên kế hoạch, lập ra những chương trình để thay đổi nhưng quá trình thay đổi thì chúng tôi kỳ vọng phải nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Hiện tại, đúng là có những doanh nghiệp là chưa thấy sự thay đổi căn bản. Có thể, những thông tư như Thông tư 07, 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ được áp dụng và tạo ra những chuyển biến cơ bản trong quý I và quý II/2018.
Cách đây 2 ngày, tại một hội thảo của VCCI, có một doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi kêu khổ về vấn đề xuất nhập khẩu. Với một doanh nghiệp quy mô nhỏ (doanh thu 20 tỷ đồng), trong năm 2017 vẫn phải bỏ 1 tỷ đồng chi phí kiểm nghiệm, 1 tỷ đồng khác là tiền lưu kho bãi.
Theo hình thức quản lý mới, doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiều chi phí. Doanh nghiệp cho biết, về mặt quản lý Nhà nước, tưởng như kiểm tra chặt chẽ như vậy để bảo đảm hiệu quả nhưng trên thực tế hiện nay không hoàn toàn như vậy, kiểm tra chủ yếu vẫn bằng cảm quan, bằng chủ quan của người kiểm tra. Kiểm tra protein thì nếu nhập khẩu từ Mỹ, tiêu chuẩn rất chặt chẽ nhưng hiện nay về Việt Nam thì cho sai số rất lớn. Khi doanh nghiệp có ý kiến thì người ta lại điều chỉnh cho phù hợp với chỉ số mà doanh nghiệp khiếu nại. Vì vậy, hiệu quả trên thực tiễn không nhiều và phải thẳng thắn thừa nhận là khoảng cách giữa văn bản và thực hiện, giữa chỉ đạo và hành động có thể còn rất xa.
Chúng tôi muốn nói trách nhiệm thúc đẩy, giám sát thực thi của các cơ quan bộ, ngành.
Vẫn tồn tại tình trạng có DN chở hàng từ Nam ra Bắc để làm thủ tục kiểm tra gây bức xúc, tốn kém. Đây được coi là sự cứng nhắc của cơ quan quản lý. Ông nghĩ thế nào về việc này, thưa ông Linh?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Trước hết tôi cũng chia sẻ ý của anh Tuấn là trong các văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng có độ trễ nhất định, tuy nhiên trễ bao nhiêu, bao lâu? Khi chúng ta đã tạo ra khung pháp lý thì sẽ áp dụng rộng rãi cho các lĩnh vực. Sự chuyển mình, cải tiến trong từng lĩnh vực cũng có thể khác nhau. Nếu như các Bộ, ngành nào áp dụng sớm, chuyển đổi sớm cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thấy ngay lợi ích.
Tôi cho rằng VCCI đóng vai trò quan trọng để tham mưu thêm cho Chính phủ và các Bộ quản lý ngành về những lĩnh vực còn khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, tất cả cơ chế hậu kiểm hiện nay đã sẵn sàng, đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Chúng tôi cũng nhận được các phản ánh nhưng chúng tôi muốn nhận nhiều ý kiến hơn từ phía cơ quan quản lý về việc hậu kiểm như thế nào cho tốt và phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp mà vẫn kiểm soát được rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.
Liên quan đến việc thử nghiệm ở Bắc hay Nam, đây là một ví dụ có thể xảy ra 1 năm trước đây nhưng hiện nay thì việc bắt buộc tiền kiểm chuyển từ Nam ra Bắc chắc là không còn nữa. Tuy nhiên, đây là một bài học cho các cơ quan soạn thảo cũng như ban hành quy phạm pháp luật. Tức là trước khi ban hành quy chuẩn, quy định như vậy, chúng ta phải đánh giá tác động của văn bản đó tới doanh nghiệp như thế nào, để tránh gây vướng mắc. Song việc ban hành văn bản phải tổ chức để làm sao khuyến khích xã hội hóa hoạt động đánh giá, thử nghiệm để có thể kêu gọi nhân, nước ngoài, các nhà đầu tư, thậm chí chính doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình này.
Hoạt động kiểm tra chuyên ngành, trong đó có hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được đánh giá là còn nhiều bất cập, ông có nhận xét gì về ý kiến này thưa ông Linh? Đặc biệt, vẫn có nhiều loại hàng hóa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều Bộ, hay một hàng hóa phải chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị trong cùng một Bộ, việc này đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vậy trong thời gian tới, những trường hợp như thế này có được tháo gỡ khó khăn không?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tôi cho rằng trong vấn đề này, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao, để thu gọn, thống nhất đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhìn một góc độ khác, vẫn còn tư duy là cơ quan kiểm tra chuyên ngành làm tất cả mọi việc, từ cử cán bộ đi lấy mẫu, để đánh giá kiểm tra, rà soát kết quả, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu hay không. Tư duy này vẫn còn rất vướng, mặc dù hiện nay cơ chế chung đã phân định, tách biệt rõ các hoạt động kỹ thuật, tức là hoạt động thử nghiệm, chứng nhận là hoạt động xã hội hóa, không phải chỉ các cơ quan Nhà nước làm, mà tư nhân có thể tham gia. Như vậy, vô hình trung tạo ra một thị trường cạnh tranh, để doanh nghiệp lựa chọn đơn vị nào thực hiện nhanh nhất, chính xác nhất và cơ quan Nhà nước kiểm tra lại kết quả đánh giá sự phù hợp. Làm như vậy sẽ giảm thiểu sự chồng chéo của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn: Thực ra sự chồng chéo trong phạm vi chức năng của các bộ là khá phổ biến trong thời gian vừa qua, thậm chí một mặt hàng chịu sự quản lý của cả Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hay ngay trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một sản phẩm nhiều lúc chịu 2 lần kiểm định, kiểm nghiệm của 2 vụ, cục. Điều này tạo ra trở ngại cho doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề nữa là tình trạng độc quyền của các cơ sở xét nghiệm, thí nghiệm được chỉ định. Thường người ta chỉ chỉ định những trung tâm có thể không phải là thuận tiện cho doanh nghiệp, thậm chí những trung tâm yếu hơn về mặt công nghệ nhưng có thể có quan hệ tốt với cơ quan quản lý nhà nước nên được chọn. Tình trạng hàng hóa trở từ Nam ra hiện vẫn có trên một số lĩnh vực như kiểm định động cơ, chỉ một cơ sở ở Đông Anh có quyền.
Định hướng thời gian tới được nhấn mạnh là không để tình trạng độc quyền của các cơ sở này diễn ra mà phải xã hội hóa để cạnh tranh. Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền lựa chọn đơn vị nào có công nghệ tốt và uy tín để kiểm định. Chúng tôi rất ấn tượng với Bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ công bố có 69 phòng thí nghiệm đã được xã hội hóa. Đây là bước chuyển lớn. Các phòng thí nghiệm không chỉ ở Hà Nội, TPHCM mà còn ở Đà Nẵng hay những nơi có cửa khẩu.
Cơ quan quản lý Nhà nước nên quản lý các phòng thí nghiệm. Nếu một lô hàng xét nghiệm không đúng, cơ quan Nhà nước giám sát, hậu kiểm về sau thì hoàn toàn có thể đình chỉ hoặc rút giấy phép hoạt động. Như vậy, họ mới có động lực để tuân thủ tốt và giữ uy tín. Cơ quan Nhà nước không phải làm trực tiếp nữa mà trách nhiệm đó do phòng kiểm định bên ngoài phụ trách. Đây là hướng đi cần có trong thời gian tới.
Có chuyên gia cho rằng đối với hàng hóa thì sẽ có những sản phẩm nằm trong danh giới nhóm 1 và nhóm 2, do đó những sản phẩm hàng hóa này tạm thời nên bỏ ra ngoài nhóm 2. Như vậy một mặt tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong quá trình kinh doanh, mặt khác nếu các sản phẩm này vi phạm thì sẽ sử dụng những chế tài bắt buộc DN phải có trách nhiệm. Ông nhận xét thế nào về ý kiến này?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì ý của chuyên gia cũng khá phù hợp. Tuy nhiên, với vai trò cơ quan quản lý thì chúng ta phải đặt cân bằng giữa quyền lợi của người tiêu dùng, sự an toàn của người dân và nguy cơ gây mất an toàn. Bản chất là chúng ta phải xem rõ tiêu chí cũng như nguy cơ rủi ro, chi phí của cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp phải bỏ ra để giảm thiểu rủi ro đó cho nhân dân. Việc này sẽ quyết định nhóm sản phảm, hàng hóa nên để nhóm 2 hay nhóm 1. Để quyết định thì cần có các căn cứ cụ thể, chính xác.
Có ý kiến cho rằng, thời hạn để được thông quan đối với hàng hóa nhóm 2 xuất nhập khẩu chưa được tối ưu hóa do chưa có sự thống nhất chứng nhận phù hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chấp nhận kết quả lẫn nhau. Vậy ý kiến của các ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đậu Anh Tuấn: thực tế vấn đề trên xảy ra với những hàng hóa cần lấy mẫu kiểm định. Theo quy định hiện nay là 72 giờ đồng hồ, có doanh nghiệp phản ánh, nếu tàu về ngày thứ Sáu, phải tính thêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Trên thực tế doanh nghiệp mất cả tuần, doanh nghiệp cũng băn khoăn với năng lực của các phòng thí nghiệm hiện tại chỉ có 5-6 tiếng là có kết quả, mặc dù phòng thí nghiệm đã có kết quả, nhưng cơ quan Nhà nước ở đây vẫn máy móc đợi cho đủ 42 giờ đồng hồ mới được thông quan. Trong khi mỗi một giờ lưu kho sẽ tạo chi phí lớn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khuyến nghị không cần tới 3 ngày, thậm chí có thể rút ngắn nửa ngày.
Đúng ra là với nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế không như vậy. Theo doanh nghiệp phản ánh, nhiều khi tàu về cảng, nhưng giám đốc cảng lại bận đi chơi golf, tennis. Cái đó tạo ra ách tắc rất lớn.
Điều thứ hai, hiện nay việc thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau cũng là cách để giảm thủ tục hành chính. Có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhập khẩu động cơ mà không lý giải được những sản phẩm động cơ G7 nhập từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam vẫn không đủ tiêu chuẩn. Doanh nghiệp nhập khẩu cũng không lý giải được với các hãng sản xuất.
Ở đây, chúng tôi muốn nói tính tin cậy của việc kiểm định đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam, có thể máy móc, có thể doanh nghiệp không được lòng của một vài bộ phận khiến cho thủ tục không như mong muốn. Đây là điều có trên thực tế.
Chúng tôi cho rằng một trong những định hướng gần đây của Tổ Công tác của Thủ tướng đã chỉ đạo là cần tích cực áp dụng những tiêu chuẩn đã được công bố tại các nước. Nếu mặt hàng doanh nghiệp nhập về đã được xác nhận bởi những quốc gia có tiêu chuẩn cao, Việt Nam nên chấp nhận và sử dụng. Thông tư 02 cũng đã nhấn mạnh yếu tố này, đó là cách giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Theo tôi, vấn đề này bản chất phức tạp hơn một chút, chúng ta cũng theo thông lệ quốc tế, được gọi là thừa nhận lẫn nhau. Đã nói thừa nhận lẫn nhau là phải từ hai phía. Để được thừa nhận cũng dựa trên quyền lợi của mỗi quốc gia. Trong thời gian qua, công tác này được đẩy mạnh.
Ví dụ với ASEAN, chúng ta đã tham gia một loạt các ký kết Hiệp định thừa nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực như điện, điện tử, an toàn thực phẩm, thậm chí cả ô tô… Việt Nam hết sức tích cực đẩy mạnh việc này ở cấp Chính phủ.
Thứ hai, các bên thừa nhận đánh giá của các phòng thử nghiệm của các tổ chức chứng nhận lẫn nhau, tức ở cấp độ kỹ thuật, sản phẩm hàng hóa ở nước ngoài đã được đánh giá bởi tổ chức đánh giá uy tín ở nước ngoài đó khi vào Việt Nam được tổ chức bên này thừa nhận và cấp chứng thư ngay, không phải lặp lại các thao tác kỹ thuật lấy mẫu, thử nghiệm và rà soát kiểm tra nữa. Với phương thức này tôi cho rằng các bộ ngành cần phải đẩy mạnh hơn nữa để khuyến khích các tổ chức đánh giá của mình.
Loại thứ ba là thừa nhận đơn phương. Vì mục đích phòng ngừa rủi ro cho người dân, vẫn phải đặt ra các quy định, lúc đó cơ quan quản lý Nhà nước cân nhắc thừa nhận kết quả đánh giá của các tổ chức nước ngoài, như vậy sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Nhưng, ngược lại thừa nhận đơn phương thì lợi ích của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng một phần.
Ông Đậu Anh Tuấn: Cái này một số doanh nghiệp cho rằng mình cũng phải thực tế. Hiện tại các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam để dùng chế biến cho xuất khẩu và dung lượng một số mặt hàng khá lớn nên việc thừa nhận đơn phương cũng là yếu tố cần cân nhắc.
Ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc) rất thực tế, đó là nếu anh đã được cấp visa vào Mỹ, châu Âu thì họ thừa nhận luôn là dùng visa còn hiệu lực vào Mỹ, châu Âu với thị trường của họ. Điều này cũng là cách thức vừa đảm bảo hiệu quả vừa rất thực tế. Tất nhiên câu chuyện bảo đảm cân bằng lợi ích quốc gia là câu chuyện lớn, nhưng từ góc độ cuả nhà doanh nghiệp nghiệp họ lập luận như vậy, quan điểm anh Linh thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đúng như anh Tuấn nói, Đài Loan chấp nhận visa các nước cũng là lợi ích của chính họ, khi họ đã tin tưởng như vậy thì mục đích của họ thu hút khach du lịch vào để tăng thêm quyền lợi, đây là một bài toán thừa nhận lẫn nhau ở 3 cấp độ.
Chúng ta phải đặt trên quan điểm có lợi nhất cho doanh nghiệp của chúng ta, cho quốc gia của chúng ta mà vẫn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên những cái gì theo xu thế chung của khu vực, của AFEC, chúng ta cần tích cực tham gia, việc thừa nhận một mặt thúc đẩy nguồn lực xã hội phát triển, doanh nghiệp cũng cần chủ động đáp ứng năng lực để được thừa nhận quốc tế, như vậy tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp của ta.
Như ông Tuấn vừa đưa ra về những rủi ro đối với doanh nghiệp, thưa ông Linh, Bộ KH&CN đã chuẩn bị những gì?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Phía Bộ Khoa học và Công nghệ chúng tôi đã tổ chức triển khai cơ chế hậu kiểm.
Một là tổ chức hướng dẫn chung cho các bộ ngành.
Hai là đối với các nhóm sản phẩm hàng hóa, Bộ hướng dẫn chung cho các cơ quan kiểm tra trên toàn quốc, quy định về khung pháp lý, các Nghị định xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ cho công tác hậu kiểm cũng đã được Chính phủ ban hành.
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là tuyên truyền, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời sẽ tiếp nhận các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình triển khai hậu kiểm.
Cơ chế hậu kiểm sẽ được quy định cụ thể như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Như tôi nói ban đầu, chúng ta chuyển tất cả việc kiểm tra chất lượng hàng hóa kể cả mặt kỹ thuật, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước từ trước thông quan sang sau thông quan.
Ở đây cũng phải thẳng thắn thừa nhận các công chức kiểm tra chuyên ngành sẽ vất vả hơn và gặp nhiều khó khăn hơn với tình hình thực tiễn hiện nay.
Trước đây các doanh nghiệp chứng minh trước cho cơ quan quản lý mới được thông quan, bây giờ rất nhiều hàng hóa có thể có cam kết phù hợp các quy chuẩn quốc gia là có thể thông quan ngay…
Cơ chế hậu kiểm trong thời gian tới các cơ quan kiểm tra cũng sẽ có thêm nhiều ghánh nặng, tuy nhiên với mục đích đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi cho rằng có khó chúng ta vẫn phải triển khai.
Ông Đậu Anh Tuấn: Liên quan đến việc này, tôi cũng chia sẻ với anh Linh, từ phía cộng đồng doanh nghiệp tôi cũng nhìn thấy rủi ro, bởi nếu hàng hóa đã vận chuyển đi khắp nơi, người có thẩm quyền dễ dàng đưa ra quyết định cho rằng không đạt, nhiều lúc gánh nặng thu hồi sẽ rất tốn kém. Chính vì vậy cần có quy trình, tiêu chuẩn rất rõ ràng, đặc biệt có cơ chế giải quyết khiếu nại.
Theo Chinhphu.vn