Bước đột phá trong phẫu thuật u thần kinh tại Việt Nam
Ngày đăng: 03/07/2015 08:30
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/07/2015 08:30
Thay vì phải mổ nhiều thì (nhiều lần), các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã phẫu thuật thành công chỉ trong 1 thì cho bệnh nhi 30 tháng tuổi có các khối u nguyên bào thần kinh ở ổ bụng và lồng ngực hai bên.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. |
Thông thường, với các khối u nguyên bào thần kinh (UNBTK) ở cả lồng ngực và ổ bụng, các nghiên cứu trước đây đều khuyến cáo điều trị phẫu thuật nhiều thì.
Sở dĩ phải phẫu thuật ít nhất 2 lần, một lần ở ổ bụng và một lần ở lồng ngực (hoặc 2 lần ở lồng ngực nếu u 2 bên), đồng thời, các ca mổ phải cách nhau tối thiểu một tháng, là do khi phẫu thuật can thiệp một lần ở cả ổ bụng và lồng ngực thì các chức năng sinh tồn của người bệnh, đặc biệt là chức năng hô hấp, có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Trường hợp phẫu thuật UNBTK đa ổ 1 thì cho cháu Đoàn Thế B. (30 tháng tuổi, ở Lạng Sơn) được đánh giá là bước đột phá trong phẫu thuật u thần kinh của y học Việt Nam nói chung và của BV Nhi Trung ương nói riêng. Theo các bác sĩ BV Nhi Trung ương, tài liệu y khoa Việt Nam và thế giới chưa ghi nhận các ca phẫu thuật tương tự như trường hợp của cháu B.
Cháu B. bị tiêu chảy kéo dài, chướng bụng, hạ kali máu từ lúc 20 tháng tuổi và thường xuyên phải nhập viện điều trị nhưng không có kết quả. Cháu vào Khoa Ung bướu của BV Nhi Trung ương với các dấu hiệu cao huyết áp, tiêu chảy ngày 5-7 lần, siêu âm bụng nghi ngờ có u tuyến thượng thận 2 bên.
CT ổ bụng phát hiện 2 khối u sau phúc mạc dọc 2 bên cột sống cạnh tuyến thượng thận, các khối u bao quanh động mạch chủ bụng. CT lồng ngực phát hiện các khối u nằm ở trung thất sau dọc 2 bên cột sống. May mắn, các xét nghiệm khác cho thấy khối u chưa có di căn xa.
Sau khi hội chẩn và làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác, cháu B. được chẩn đoán là u nguyên bào thần kinh và điều trị hóa chất 4 đợt theo phác đồ. Tuy nhiên, sau đợt điều trị hóa chất, kích thước các khối u không nhỏ lại.
Trước tình hình đó, các bác sĩ đã đưa ra quyết định phẫu thuật cho cháu. Theo TS.BS. Phùng Tuyết Lan - Phó trưởng Khoa Ung bướu BV Nhi Trung ương, ca mổ dự tính rất khó khăn vì khối u ở nhiều nơi và nằm cả 2 khoang sau phúc mạc và trung thất sau.
Cháu B. được phẫu thuật mở ổ bụng cắt toàn bộ các khối u ở bụng, bảo tồn 2 tuyến thượng thận, và ngay sau đó nội soi lồng ngực 2 bên cắt toàn bộ các khối u ở lồng ngực trong vòng 5 giờ đồng hồ.
Ngày thứ ba sau mổ, bệnh nhi đã phục hồi tốt, có thể ăn lại bằng đường miệng, hết tiêu chảy và kali máu trở về bình thường. Cháu được xuất viện ngày thứ 9 sau mổ trong trạng thái sức khỏe tốt và được hẹn theo dõi khám định kỳ.
PGS.TS. Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Ngoại, cho biết, UNBTK là một trong những ung thư hay gặp nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, UNBTK nguyên phát nhiều khối (đa ổ) như trường hợp cháu B. là rất hiếm gặp.
Phẫu thuật được 1 thì an toàn, bệnh nhân giảm thời gian phải chịu đau đớn, giảm số lần nhập viện và tổng thời gian nằm viện, giảm gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình người bệnh cũng như BV…
PGS.TS. Trần Ngọc Sơn cho biết thêm, UNBTK có thể tiết ra một số hormone gây nên hội chứng tiêu chảy và rối loạn điện giải. Chính vì vậy, lúc đầu cháu B. được chẩn đoán tiêu chảy kéo dài đơn thuần nên điều trị nhiều tháng không hiệu quả. Ngay sau khi mổ cắt toàn bộ các khối u, cháu đã hết tiêu chảy và rối loạn điện giải. Các bác sĩ khuyến cáo, các cháu bé bị tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân nên làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các bệnh lý nguyên nhân hiếm gặp như UNBTK. |
Theo Chinhphu.vn