Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề báo chí, dư luận quan tâm
Ngày đăng: 10/07/2018 10:24
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/07/2018 10:24
Quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) sử dụng vốn nhà nước; tiến độ xây dựng và báo cáo Chính phủ Nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Toàn cảnh buổi Họp báo |
Đó là những nội dung được các nhà báo, phóng viên đề cập đến tại buổi Họp báo thường kỳ Quý II/2018 do Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 6/7, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Thế Duy.
Nhiều dấu ấn quan trọng
Cung cấp các thông tin về kết quả hoạt động nổi bật của Quý II, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 của Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa"; Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; Nghị định 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;...
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định 1475/QĐ-BKHCN ngày 30/5/2018 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo; Thông tư 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/4/2018 Quy định tổ chức quản lý Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025";...
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; Techfest vùng Bắc Trung Bộ và các sự kiện bên lề như Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ”, cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Bắc Trung Bộ”, tọa đàm “Định hướng chính sách khởi nghiệp cho Vùng Bắc Trung Bộ gắn với doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dự án khởi nghiệp gắn với thế mạnh đặc trưng Vùng Bắc Trung Bộ như nông nghiệp, du lịch, dược liệu”, tọa đàm “các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; Hội nghị Giao ban KH&CN các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVII; Hội nghị giao ban KH&CN lần thứ XIII vùng Bắc Trung Bộ; chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; “Diễn đàn Blockchain 2018: Xu hướng và tầm nhìn phát triển”;…
Trong đó, có thể kể đến một số sự kiện được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm như Bộ trưởng Bộ KH&CN tham gia “Đối thoại với các nhà khoa học để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đăng ký, nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học” do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Hay sự kiện Bộ KH&CN và Quỹ Nghiên cứu của khoa học Quebec, Canada ký Ý định thư hợp tác về đối tác chiến lược trong lĩnh vực KH, CN và đổi mới sáng tạo và phối hợp tổ chức sự kiện Trình diễn công nghệ “Công nghệ thông minh cho tương lai” trong khuôn khổ chuyến thăm Canada và dự Hội nghị G7 mở rộng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 7-10/6.
Từ ngày 25-28/6, Đoàn công tác của Bộ KH&CN và Ban Kinh tế Trung ương do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Lai Châu và Sơn La để đánh giá 10 năm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đoàn công tác cũng kiểm tra an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm 2018. Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, Đoàn đã có buổi làm việc và phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu về chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa, lũ xảy ra đêm 23 rạng sáng ngày 24/6/2018 tại tỉnh Lai Châu. Nhân dịp này, Bộ KH&CN và Đoàn công tác đã ủng hộ phần quà trị giá 100.000.000 đồng cho đồng bào vùng lũ lụt, sạt lở tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên.
Đặc biệt, theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ điện tử công bố ngày 5/7/2018, Bộ KH&CN xếp hạng 2/19 khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Theo đó, 5 cơ quan xếp hạng cao nhất lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, dự kiến trong Quý III/2018, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động theo kế hoạch như Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0; Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam – Lào; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Tây Nam Bộ;…
Giải đáp nhiều vấn đề được công chúng và báo chí quan tâm
Liên quan đến Nghị định 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Cung cấp thông tin cho các nhà báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Lê Xuân Định cho biết, Nghị định 70 là một cơ sở pháp lý toàn diện để quản lý một cách chặt chẽ các tài sản được hình thành từ quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng Ngân sách Nhà nước. Hiện nay, hệ thống của chúng ta đã thay đổi theo hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo với sự chuyển dịch chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Đối tượng đầu tư nguồn lực KH&CN đã thay đổi nên mối quan hệ về mặt sở hữu cũng sẽ phải rất rành mạch, rõ ràng và tài sản phải được quản lý một cách chặt chẽ. “Theo xu thế hiện nay, trong cơ cấu đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta luôn luôn mong muốn hướng tới mô hình tiên tiến trên thế giới là nhà nước bỏ ra 7 phần, doanh nghiệp tư nhân bỏ ra 3 phần, và đây là mô hình bền vững của thế giới. Đó là lý do vì sao Nghị định 70 có sự quan tâm, chỉ đạo rất sát của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN”, ông Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Trong Nghị định 70 đưa ra 2 hình thức xử lý đối với loại tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đó là Nhà nước đầu tư hoàn toàn và Nhà nước bỏ ra 1 phần, tư nhân, doanh nghiệp bỏ ra 1 phần. Cụ thể, đối với nhiệm vụ Nhà nước bỏ ra dưới 30% kinh phí thì tài sản này sẽ được chuyển giao không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì. Họ có thể đem kết quả nghiên cứu để tiếp tục thương mại hóa, phát huy một cách rất chủ động. “Chưa bao giờ có một điều kiện mở một cách rất rõ ràng, rành mạch như vậy trong hệ thống quản lý tài sản”, ông Định nhấn mạnh.
Trường hợp tổ chức đó không muốn mua lại, tuy nhiên vẫn theo hướng nghiên cứu đó sẽ tiếp tục được sử dụng trang thiết bị, cụ thể được giao quyền sử dụng để phát triển, thương mại hóa sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN được giao dựa trên ý kiến xem xét, đánh giá của hội đồng nghiệm thu về khả năng tiếp tục phát huy, hoàn thiện kết quả, thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và đề nghị của cơ quan được giao quản lý nhiệm vụ KH&CN. Trường hợp cơ quan chủ trì nhiệm vụ mua lại phần giá trị còn lại, sẽ được nhận quyền sở hữu, ông Định cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Nghị định ra đời là hướng tiếp cận rất tinh tế, vừa rõ ràng, rành mạch, minh bạch trong quản lý tài sản, rõ ràng quyền sở hữu giao cho ai, nhưng đồng thời đi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Trả lời phóng viên về kết quả đã đạt được từ khi Hệ tri thức Việt số hóa vận hành, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, ngày 1/1/2018, Bộ KH&CN đã chính thức khởi động Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là kết quả triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2017 nhằm tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển đất nước. Đến nay, Đề án đã đạt được mục tiêu ban đầu đó là tạo dựng văn hóa chia sẻ thông tin, dữ liệu. Hiện, các bộ, ngành, trường đại học, tổ chức, đoàn thanh niên,… đã tập hợp, chia sẻ nội dung, dữ liệu tạo thành văn hóa, phong trào chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia có xây dựng hệ tri thức của mình, tại Việt Nam, các dữ liệu được tập hợp ở nhiều định dạng, cấu trúc khác nhau. Bởi vậy, bước đầu tiên là tập hợp dữ liệu, trên cơ sở đó sẽ chuyển sang bước thứ hai là tạo nền tảng trên dữ liệu đó để mọi người khai thác, tạo giá trị riêng. Đề án này cùng chương trình KH&CN quốc gia về 4.0 sẽ là nền tảng cho các nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ 4.0, Thứ trưởng cho biết.
Trả lời về vấn đề này, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết thêm, thời gian qua, nhóm thường trực triển khai Đề án đã tiến hành một số công việc về hạ tầng kỹ thuật, nền tảng để vận hành Hệ tri thức Việt số hóa. Hiện có nhiều doanh nghiệp nhiệt tình đóng góp vì một nền tri thức Việt. Nhóm thường trực cũng làm việc với một số Bộ như: Giáo dục và Đào tạo, Y tế để lên kế hoạch đóng góp; Đoàn thanh niên sẽ tham gia vào việc trả lời câu hỏi trên Hệ tri thức Việt số hóa, ông Thắng nói.
Ngoài ra, tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên như kết quả chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2018; tiến độ xây dựng và báo cáo Chính phủ Nghị quyết về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BTC-BKHCN quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước;…
Theo Truyenthongkhoahoc